image banner

image advertisement image advertisement

Sẽ ban hành quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh theo Điều 15 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa. 

Phân bổ cho ngân sách tỉnh 20% tổng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa hàng năm

Tổng các nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa theo Điều 15 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP được phân bổ cho ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện để thực hiện các nội dung hỗ trợ theo phân cấp. 

Tại cấp tỉnh, phân bổ cho ngân sách tỉnh 20% tổng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa hàng năm (được quy đổi thành 100%), căn cứ điều kiện thực tế để hỗ trợ thực hiện các hoạt động.

Sử dụng kinh phí không thấp hơn 50% tổng kinh phí phân bổ cho ngân sách cấp tỉnh để thực hiện hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa: sử dụng giống lúa hợp pháp, áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, xây dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nông, tổ chức đào tạo, tập huấn; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Sử dụng số kinh phí còn lại để thực hiện các nhiệm vụ: Đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 5 năm/lần; Hỗ trợ cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa; Mua bản quyền sở hữu giống lúa được bảo hộ. 

Tại cấp huyện, phân bổ cho ngân sách cấp huyện 80% tổng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa hàng năm (được quy đổi thành 100%), căn cứ điều kiện thực tế để hỗ trợ thực hiện các hoạt động. 

Sử dụng kinh phí không thấp hơn 50% tổng nguồn kinh phí được phân bổ cho địa phương để hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn huyện để thực hiện: Sử dụng giống lúa hợp pháp, áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, xây dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nông, tổ chức đào tạo, tập huấn; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Sử dụng số kinh phí còn lại để thực hiện các nhiệm vụ: Sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã. Hỗ trợ cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa. 

Định mức hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa

Giống lúa sử dụng được hỗ trợ là giống hợp pháp theo quy định của pháp luật, có trong cơ cấu Đề án sản xuất trồng trọt theo vụ hàng năm của Sở NN&PTNT với mức hỗ trợ tối đa 80% giá giống. 

Hỗ trợ cho việc áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận với mức hỗ trợ 50% tổng chi phí thực hiện mô hình hoặc nhiệm vụ. 

Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nông; tổ chức đào tạo, tập huấn được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/05/2018 của Chính phủ về khuyến nông. 

Hỗ trợ cho hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/07/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa với mức hỗ trợ 100% chi phí mua chế phẩm cải tạo đất, sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học. 

Chi thực hiện nhiệm vụ đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 5 năm/lần với mức chi theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chi thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã với mức chi theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Hỗ trợ 50% kinh phí mua bản quyền sở hữu giống lúa được bảo hộ, nhưng không quá 1 tỷ đồng/giống. 

Mời độc giả xem toàn văn dự thảo Nghị quyết và tham gia góp ý.

Kim Oanh (T/h)