image banner

image advertisement image advertisement

Đưa logistics thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao

Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 (Dự thảo Chiến lược) đặt ra mục tiêu đến năm 2035, tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 8-12%; 80% số doanh nghiệp logistics chuyển đổi số; 70% lao động được đào tạo chuyên môn; 70-80% tỷ lệ thuê ngoài; chi phí logistics/GDP chiếm từ 12-15% (hiện đang là 16-18%); xếp hạng LPI đạt trên 40 trở lên.

Thông tin tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề "Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được tổ chức ngày 2/12, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã ghi nhận những kết quả và được thể hiện qua một số con số như sau: 

Chỉ số LPI năm 2023 của Việt Nam đứng thứ 43/154 quốc gia

Chỉ số hoạt động Logistics (chỉ số LPI) năm 2023 của Việt Nam đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ (theo công bố của Ngân hàng Thế giới) và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN; xếp thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi; tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm.

Về hạ tầng, logistics Việt Nam gồm hạ tầng đường bộ chiếm 61-64% hàng hóa vận tải bằng đường bộ; 3.143 km mạng lưới đường sắt và 277 ga, mật độ đường sắt đạt 9,5 km/1.000 km2, đạt mức trung bình ASEAN và thế giới, xếp 58/141 về mật độ mạng lưới. Việt Nam có hơn 17.000 km đường thủy nội địa đang khai thác; 310 cảng, 6.274 bến thủy nội địa và 18 cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải trên 3.000 tấn, có 20 cảng có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

Với hệ thống vận tải đường biển, Việt Nam có 286 bến cảng thuộc 5 nhóm cảnh biển, chiều dài cầu cảng xấp xỉ 100 km; 2 cảng biển loại đặc biệt tiếp nhận được tàu container đến 132.000 DWT tại Lạch Huyện, tàu đến 214.000 DWT tại Cái Mép; 1.477 tàu, tổng trọng tải 11,6 triệu DWT, đứng thứ 2 ASEAN và thứ 22 trên thế giới; 32 tuyến, trong đó có 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa. Hiện Việt Nam có 22 cảng hàng không đang khai thác. 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp.

Về doanh nghiệp dịch vụ logistics, hiện có 46.428 doanh nghiệp vận tải, kho bãi; 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3 PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba);…

Khẳng định, logistics mở đường cho thương mại, sản xuất, ông Trần Thanh Hải cho hay, quy mô của ngành dịch vị logistics Việt Nam thể hiện ở lượng hàng hóa vận chuyển và lưu chuyển đều tăng trưởng 2 con số trong 9 tháng đầu năm 2024 và tăng trưởng qua từng năm. Logistics thúc đẩy liên kết vùng, hiện quy mô thị trường kho Việt Nam đạt 4 triệu m2 sàn, tốc độ tăng trưởng 23%/năm giai đoạn 2020 – 2023. Các kho này đang tập trung ở vùng kinh tế trọng điểm.

Xu hướng logistics xanh

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, sau những biến động chuỗi cung ứng trên thị trường thế giới ngành logistics cũng có những biến chuyển, cụ thể: Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hoặc ngoài Trung Quốc có thể thêm một địa điểm khác để đa dạng hóa cơ sở sản xuất; xu hướng tìm kiếm đến các thị trường gần nguồn tiêu thụ hơn; xu hướng chuỗi cung ứng xanh thể hiện qua các hoạt động vận tải, kho bãi và bao bì.

"Ngành logistics là 1 trong 3 ngành có lượng phát thải rất lớn cùng với sản xuất công nghiệp và năng lượng. Trong đó, ngành vận tải chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất khi các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Vì vậy, xu hướng logistics xanh trước tiên thể hiện ở việc chuyển đổi nguồn năng lượng ít phát thải hơn, sử dụng phương thức tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất vận chuyển", ông Trần Thanh Hải nói.

Xu hướng ứng dụng công nghệ, tự động hóa cũng đang được diễn ra nhanh và mạnh. Thương mại điện tử hiện đang là hướng chủ đạo và logistics trong thương mại điện tử không thể không áp dụng công nghệ.

Đưa logistics thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao

Trên cơ sở hiện trạng cũng như các xu hướng phát triển của ngành dịch vụ logistics, Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 (Dự thảo Chiến lược) nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics đồng bộ, toàn diện và tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2035, tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 8-12%; 80% số doanh nghiệp logistics chuyển đổi số; 70% lao động được đào tạo chuyên môn; 70-80% tỷ lệ thuê ngoài; chi phí logistics/GDP chiếm từ 12-15% (hiện đang là 16-18%); xếp hạng LPI đạt trên 40 trở lên.

Để đưa logistics thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, theo ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh một số vấn đề lớn sau:

Thứ nhất, việc sớm hình thành cảng trung chuyển sẽ giúp tận dụng lợi thế về địa chính trị, vừa giúp Việt Nam gia tăng nguồn hàng cho các dịch vụ logistics. 

Thứ hai, đó là xây dựng đội tàu quốc gia. Hiện chúng ta có đội tàu biển lớn, nhưng tải trọng nhỏ, số lượng chủ tàu đông, do đó, các đội tàu biển container vẫn mang tính chất phân tán, phân mảnh. 

Thứ ba, đó là xây dựng khu thương mại tự do. Thời gian tới, khi Chính phủ sửa đổi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và đưa thêm nội hàm về khu thương mại tự do, việc này sẽ mở 'cảnh cửa' để khu thương mại tự do phát triển.

Thứ tư, đó là xây dựng Trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh, tự động và xanh.

Ra mắt Báo cáo Logistics Việt Nam 2024

Thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200, bắt đầu từ năm 2017, Bộ Công Thương phối hợp cùng các chuyên gia logistics xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam thường niên nhằm rà soát, đánh giá, cung cấp thông tin về tình hình, triển vọng logistics Việt Nam và quốc tế và các quy định chính sách liên quan... góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp, công tác nghiên cứu khoa học và truyền thông trong lĩnh vực logistics.

Điểm nổi bật của ngành logistics năm 2024 là hệ thống kết cấu hạ tầng logistics tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, an toàn, nhiều công trình đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, mạng lưới giao thông đã kết nối đến mọi vùng, miền trong cả nước, giúp giảm chi phí logistics và thời gian giao hàng. Nhiều chính sách mới được ban hành, các thủ tục được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; công tác thông tin, tuyên truyền và các hoạt động nghiên cứu, xúc tiến, hợp tác quốc tế về logistics diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở cả cấp trung ương và địa phương. Vấn đề sản xuất thân thiện môi trường và phát triển bền vững được quan tâm ở cả cấp quản lý vĩ mô và doanh nghiệp.

Bên cạnh cung cấp thông tin về tình hình phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong năm vừa qua, Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề "Khu thương mại tự do" tập trung phân tích tầm quan trọng và tiềm năng của các FTZ đối với sự phát triển của ngành logistics, đồng thời đưa ra các nhận định và khuyến nghị về chiến lược phát triển bền vững. Báo cáo cũng sẽ đánh giá các mô hình phát triển FTZ thành công trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và gợi mở các chính sách phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới.

Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 được kết cấu bao gồm 7 chương: Môi trường kinh doanh dịch vụ logistics; Hạ tầng logistics; Dịch vụ logistics; Logistics tại doanh nghiệp sản xuất và thương mại; Các hoạt động liên quan đến logistics; Phát triển logistics ở địa phương; Chuyên đề: Khu thương mại tự do.

Báo cáo được xây dựng với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các bộ, ngành, hiệp hội, các tổ chức đào tạo và nghiên cứu... trên cơ sở hệ thống thông tin và dữ liệu đáng tin cậy, cập nhật từ các nguồn thông tin chính thống và kết quả khảo sát thực tế.

Với việc Bộ Công Thương công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 sẽ là tài liệu quý cho các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành nhìn nhận bức tranh tổng thể trong cả một năm qua. Từ đó, hoạch định kế hoạch, định hướng và đưa ra những giải pháp trong những năm tiếp theo, để từ đó đưa toàn ngành Logistics Việt Nam hòa vào dòng chảy thương mại hàng hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phan Trang
Nguồn: baochinhphu.vn