image banner
Đề xuất hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các tổ chức và cá nhân về dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối tượng áp dụng của dự thảo gồm: Các chủ rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ nơi không thành lập tổ chức Kiểm lâm; doanh nghiệp nhà nước, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng có tổ chức Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật của các chủ rừng…

Điều kiện được hỗ trợ: Các chủ rừng sử dụng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lao động hợp đồng để thực hiện quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng cửa rừng nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng hoặc đã được bố trí nhưng đơn giá thấp hơn 300.000 đồng/ha/năm.

Mức hỗ trợ: Đối với diện tích chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng thì hỗ trợ mức 300.000 đồng/ha/năm. Đối với diện tích đã được bố trí kinh phí bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dich vụ môi trường rừng, các chương trình dự án, nguồn vốn hợp pháp khác nhưng tổng đơn giá đã hỗ trợ nhỏ hơn 300.000 đồng/ha/năm thì hỗ trợ bổ sung để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm.

Tổng nhu cầu vốn mỗi năm để thực hiện chính sách hỗ trợ này là 40.850,06 triệu đồng. Nguồn vốn thực hiện: Nguồn vốn ngân sách tỉnh đảm bảo mỗi năm tối thiểu 15 tỷ đồng; Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác bao gồm: Nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng mỗi năm dự kiến trên 5 tỷ đồng; Nguồn sự nghiệp kinh tế Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững mỗi năm dự kiến 7,312 tỷ đồng; Nguồn chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, mỗi năm dự kiến 13,532 tỷ đồng.

Xem nội dung dự thảo Nghị quyết và góp ý tại đây.

Từ trước đến nay nguồn kinh phí để đảm bảo thu nhập cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chủ yếu do các chủ rừng sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ bảo vệ rừng từ các chương trình dự án, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và được thực hiện thông qua hợp đồng giao khoán trên cơ sở hạn mức và định mức kinh phí giao khoán hàng năm. Tuy nhiên, phần đa các chủ rừng đều chưa được bố trí đủ kinh phí trên diện tích rừng được giao. Mặt khác, định mức hỗ trợ để giao khoán chưa được quy định cụ thể, thường thấp và thiếu ổn định. Vì vậy các chủ rừng không cân đối được nguồn thu để đảm bảo cho việc duy trì hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Thời gian qua tình trạng bỏ việc và xin thôi việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Thống kê trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022 đã có 130 lao động xin thôi việc, nghỉ việc, trong đó riêng năm 2022 đã có 12 người xin thôi việc, nghỉ việc, bộ phận còn lại thì chưa thật sự an tâm công tác và gắn bó với nghề.

Trong khi yêu cầu công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng cao, công tác phòng chống nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép ngày càng phức tạp. Tổng diện tích quản lý của 19 chủ rừng nhà nước tương đối lớn (chiếm 35,0% diện tích rừng và đất lâm nghiệp cả tỉnh) và tập trung tại các khu rừng trọng điểm, giàu tài nguyên có mức độ đa dạng sinh học cao. Vì vậy, cần hỗ trợ đủ kinh phí khép kín diện tích được giao cho các chủ rừng để các chủ rừng có kinh phí bố trí và đảm bảo đời sống cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng diện tích rừng được giao.

PT (Tổng hợp)