Cần phải quyết tâm hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém

Sáng 10/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa đã đăng đàn trả lời chất vấn nội dung: Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh.

Anh-tin-bai

Quang cảnh phiên chất vấn

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa đăng đàn trả lời chất vấn

Theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa, thời gian qua, công tác tổ chức chỉ đạo và triển khai hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện đảm bảo thường xuyên, kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện ở rất nhiều phân khúc của thị trường, nhiều địa bàn nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Hiệu quả trong công tác đấu tranh chưa cao và còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, kinh doanh bán hàng trực tuyến, gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, thực phẩm bẩn, thuốc giả,... Tư lệnh ngành Công thương cũng đã đề ra các giải pháp trong thời gian tới, và nhấn mạnh đến việc cần phải quyết tâm hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém.

Việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất khó

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Công Văn – Tổ đại biểu số 4 đề nghị Giám đốc Sở Công thương cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý của các tổ chức, cá nhân, nhất là của Sở Công thương về quản lý tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn, vi phạm ATTP; Đánh giá mức độ kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của các cơ quan chức năng và giải pháp để ngăn chặn.

Theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa đây là câu hỏi mang tính bao trùm, không chỉ riêng của cử tri tỉnh Nghệ An. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có 3 nguyên nhân chính, trực tiếp, đó là cầu – cung và trình độ kiểm soát thị trường.

Trong thời gian qua các cấp, các ngành đã rất quan tâm, có nhiều nỗ lực, vào cuộc khá quyết liệt trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc, triển khai thực hiện các chỉ đạo chưa thường xuyên, trong đó có trách nhiệm của Sở Công thương. Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. Hiện Sở Công thương đang gấp rút kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh; đồng thời kiểm tra, hướng dẫn việc thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp xã, chỉ đạo nhiệm vụ sắp tới cho cấp xã.

Theo Giám đốc Sở Công thương, lâu nay công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa rộng và chưa hiệu quả, chưa vận động được sức mạnh của nhân dân vào cuộc. Khi người dân đang ở ngoài cuộc thì cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa thể thành công được.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã thực hiện đấu tranh và kết quả đấu tranh đạt được rất cao, nhưng kết quả đó chỉ mới phản ánh nỗ lực đấu tranh của các cơ quan chức năng mà chưa đánh giá được hiệu quả của công tác đấu tranh. Theo tư lệnh ngành Công thương, cần tập trung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt đấu tranh quyết liệt với 2 mặt hàng là thuốc giả và thực phẩm chức năng giả. Kết hợp giữa xây và chống, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hàng hóa để đẩy lùi hàng giả. Cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP địa phương để phục vụ nhân dân. Và để đấu tranh quyết liệt, làm mạnh, làm triệt để thì yêu cầu lớn nhất là thực hiện đồng bộ không chỉ riêng của Nghệ An mà cả nước.

Đánh giá tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc ngành Công thương cho rằng rất phức tạp; hiện việc kiểm soát rất khó. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng thì không bao giờ kiểm soát chặt chẽ được tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bởi theo mô hình các Quốc gia thì phải kiểm soát từ chính thị trường; quyết tâm, quyết liệt đấu tranh nhưng phải có nền tảng bền vững là nâng cao trình độ từ sản xuất đến chuỗi cung ứng và tiêu dùng.

Anh-tin-bai

Đại biểu Trần Thị Khánh Linh  (Tổ đại biểu số 01) đề nghị cho biết giải pháp để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa

Trả lời câu hỏi về giải pháp để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, theo tư lệnh ngành Công thương, hàng giả, hàng nhái không phân biệt thị trường, ở đâu lực lượng chức năng mỏng, trống thì hàng giả, hàng nhái vào. Tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa lực lượng chức năng mỏng, địa bàn rộng,  điều kiện tiêu dùng khó khăn; nhận thức của nhân dân về hàng giả, hàng nhái còn thấp... nên hàng giả, hàng nhái dễ hoành hành. Vì thế cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người tiêu dùng. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã, thôn, bản. Bên cạnh đó, tính toán để đưa lực lượng quản lý thị trường cơ động tăng cường hỗ trợ địa phương. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm lên miền núi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đầu tư hạ tầng thương mại cho vùng miền núi.

Tư lệnh ngành Công thương cho biết, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái là rất khó khăn, ngay cả lực lượng chức năng cũng khó phân biệt. Khuyến cáo nhà sản xuất dùng các biện pháp bảo hộ sản phẩm của mình. Người dân cần nâng cao nhận thức, trở thành người tiêu dùng thông thái.

Chưa phát hiện thuốc giả, thực phẩm giả trong các cơ sở y tế công lập

Đại biểu Nguyễn Duy Cần – tổ đại biểu số 1 đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết có hay không tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thực phẩm chức năng, sữa giả  không rõ nguồn gốc và quảng cáo sai sự thật trên địa bàn tỉnh? Ngành Y tế đã có những kế hoạch, giải pháp cụ thể nào để siết chặt quản lý, kiểm soát chất lượng nguồn gốc các sản phẩm này tại các nhà thuốc, cơ sở sản xuất kinh doanh, trên các nền tảng trực tuyến? Ngành có giải pháp gì để kiểm soát chặt chẽ quy trình đấu thầu, nhập khẩu, phân phối, lưu hành thuốc tại các cơ sở y tế, nhà thuốc?

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung trả lời

Về nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài chung khẳng định có tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thực phẩm chức năng, sữa giả không rõ nguồn gốc và quảng cáo sai sự thật lưu hành trên thị trường cả nước và trên thị trường Nghệ An. Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Y tế đã tăng cường công tác kiểm tra. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đã tiến hành lấy 628 mẫu để kiểm tra và giám sát; đã phát hiện 3 mấu thuốc không đạt chất lượng và 6 mẫu thuốc giả.

Với chức năng thực hiện quản lý nhà nước, trong năm 2025, ngành Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tình trạng gian lận thương mại, hàng giả lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ cán bộ, ngành đã tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các quy định về pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh; chỉ đạo các cơ sở y tế bảo quản, truy xuất nguồn gốc, tổ chức các đoàn kiểm tra. Đặc biệt khi nhận được các phản ánh, ngành Y tế đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương để kiểm tra, làm rõ. 5 tháng đầu năm 2025, Sở đã kiểm tra 53 cơ sở, xử phạt 8 cơ sở và duy trì lấy mẫu giám sát chất lượng.  

Người đứng đầu ngành Y tế khẳng định hiện trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thuốc giả, thực phẩm giả trong các cơ sở y tế công lập.

Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục cải cách hành chính trong việc cấp phép cũng như hoàn thiện phần mềm dữ liệu về hành nghề; tăng cường đào tạo tập huấn, công khai những mặt hàng kém chất lượng; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, Đề nghị các cơ quan thông tin kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo không đúng sự thật, làm người dân hiểu sai tác dụng của thuốc; truyền thông rộng rãi đến người dân đối với việc sử dụng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Tình trạng thực phẩm bẩn hoặc sản phẩm nông nghiệp không an toàn là do trong quá trình quản lý ATTP còn có các lỗ hổng.

Anh-tin-bai

Đại biểu Lê Văn Lương (Tổ đại biểu số 16) nêu ý kiến chất vấn

Đại biểu Lê Văn Lương (tổ đại biểu số 16) băn khoăn khi phát hiện thực phẩm bẩn hoặc sản phẩm nông nghiệp không an toàn, việc xử lý sản phẩm tồn đọng/thu hồi và tiêu hủy diễn ra như thế nào để đảm bảo triệt để, không tái lưu thông và không ảnh hưởng môi trường?

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Quốc Việt trả lời

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Quốc Việt, khi phát hiện thực phẩm bẩn hoặc sản phẩm nông nghiệp không an toàn, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu cơ sở vi phạm và các bên liên quan thu hồi và thực hiện tiêu hủy tất cả sản phẩm vi phạm theo quy định, đảm bảo triệt để và không ảnh hưởng môi trường. Việc tổ chức thu hồi, tiêu hủy được thực hiện: Nếu giao cơ sở vi phạm thu hồi, tiêu hủy thì cơ quan quản lý phải thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện thu hồi, tiêu hủy của cơ sở. Nếu sản phẩm thu hồi, tiêu hủy do các vụ án cơ quan chức năng thực hiện hợp đồng đơn vị thẩm quyền chuyên môn về môi trường thực hiện tiêu hủy theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Về nội dung đại biểu Chu Đức Thái (Tổ đại biểu số 7) đề nghị có giải pháp đột phá đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn, tồn dư hóa chất, hàng hóa không rõ nguồn gốc, Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thời gian gần đây chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được cải thiện đáng kể, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, sản phẩm sạch, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngành Nông nghiệp và môi trường đã đẩy mạnh công tác quản lý, xác định thực phẩm phải đảm bảo sạch ngay từ khâu sản xuất, chế biến. Tăng cường chuyển giao, hướng dẫn người sản xuất, chế biến thực phẩm thực hiện theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; khuyến cáo người sản xuất trồng trọt, chăn nuôi về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đúng quy trình, sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm đúng quy định.

Nghệ An hiện có khoảng 28.151 cơ sở sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và thực phẩm nông lâm thủy sản, tỷ lệ cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất manh mún chiếm trên 90%; vì hám lợi mà một số người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm bất chấp vi phạm pháp luật; người tiêu dùng còn dễ dãi, vì thói quen tiện lợi, một bộ phận có mức thu nhập thấp, ham rẻ, ý thức tiêu dùng còn hạn chế. Bên cạnh đó sự vào cuộc của các ngành, các cấp theo chức năng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm chưa đồng bộ; trong quá trình quản lý an toàn thực phẩm còn có các lỗ hổng...

Về giải pháp trong thời tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, nhất là thực hiện kiểm tra liên ngành; xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, khởi tố và thực hiện xét xử lưu động các đối tượng vi phạm. Phân cấp mạnh cho chính quyền cấp xã quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông lâm thủy sản và đề nghị UBND cấp xã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo phân cấp…

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, lãnh đạo các Sở, ngành đã làm rõ các nội dung: Việc cấp Giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng các sản phẩm nhập khẩu; công tác quản lý sản phẩm trên môi trường mạng; kết quả Công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP...) và truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh…

Xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi kết luận nội dung chất vấn

Kết luận nội dung chất vấn này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, siết chặt công tác cấp phép các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm.

Kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động quảng cáo hàng hoá có nội dung sai sự thật. Nâng cao năng lực quản lý việc kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử; mở rộng xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết sản xuất với phân phối, hình thành chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tới người tiêu dùng.

Sở Y tế chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm bẩn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng người dân.

Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Thuế và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay. Kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, kể cả hộ các kinh doanh nhỏ lẻ tại địa bàn dân cư, các cổng trường học. Đấu tranh mạnh, x lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là việc sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm bẩn…

Đồng thời, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là năng lực phân tích, nhận diện các phương thức thủ đoạn mới, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý đối tượng. Xử lý nghiêm các trường hợp bao che, đồng loã với các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn…

PT

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - Trường Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - Trường Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập