Xử lý điểm nghẽn trong sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN
Văn phòng Chính phủ vừa ban
hành Thông báo số 17/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại
cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình
hình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh
nghiệp giai đoạn 2021-2024; các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.
Sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả
Giai đoạn 2021-2024 công tác sắp xếp, cơ
cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển doanh nghiệp đạt một
số kết quả tích cực nhưng đến nay còn hạn chế, số lượng DNNN được phê
duyệt Đề án cơ cấu lại ít (mới đạt 17% về số lượng), vẫn còn 559 doanh
nghiệp (DN) chưa được phê duyệt. Còn một số tồn tại, vướng mắc, vấn đề
mới phát sinh cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại tình hình để có phải
pháp phù hợp như đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật hiện
hành hoặc báo cáo Trung ương xem xét, cho ý kiến trong quá trình tổng
kết thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017, cụ thể:
Khó khăn trong việc xác định đúng, đầy đủ giá trị vốn nhà nước tại doanh
nghiệp khi thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trong đó, đặc
biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất…
Kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ vướng mắc, phát sinh
Năm
2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng (kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50
năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ
tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước và Đại hội Đảng các cấp, tiến
tới Đại hội Đảng toàn quốc, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc).
Nhiệm vụ năm 2025 rất nặng nề khi vừa phải tiếp tục hoàn thiện thể chế
chính sách (Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13), tinh gọn tổ chức bộ máy
theo chủ trương của Đảng, Nhà nước (chấm dứt hoạt động của Ủy ban quản
lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), vừa phải tiếp tục tháo gỡ các tồn
tại, khó khăn, thúc đẩy cơ cấu lại DNNN, phát triển doanh nghiệp.
Trên
cơ sở đánh giá tình hình thực hiện, kết quả đạt được, tồn tại hạn chế
và nguyên nhân; để thực hiện tốt công tác quản lý, cơ cấu lại, hỗ trợ,
phát triển DNNN, DN nói chung trong năm 2025 và một số định hướng cơ chế
chính sách trong giai đoạn sau 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu
các Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện một số
nhiệm vụ chủ yếu sau:
Người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ
tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Hội đồng quản trị/người đại diện phần
vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN chịu trách
nhiệm về tiến độ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh
nghiệp, kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước bảo đảm
công khai, minh bạch, hiệu quả.
Định
kỳ hàng Quý hoặc 6 tháng, Ban Chỉ đạo tổ chức họp để đánh giá về tình
hình thời gian vừa qua (tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo; tình hình
triển khai công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát
triển doanh nghiệp…), kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, phát sinh, tồn tại (nếu có).
Các
DNNN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chủ động nghiên cứu xu hướng phát
triển các ngành, lĩnh vực mới trên thế giới, đẩy mạnh chuyển đổi số và
ứng dụng khoa học công nghệ, bám sát tình hình, phấn đấu hoàn thành cao
nhất nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, bảo
đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, các cân đối lớn cho nền
kinh tế.
Đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư
Các
cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung chủ động, tích cực nắm bắt tình
hình thực tiễn nhất là những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong
hoạt động sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nói
riêng; các tồn tại, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp nói chung. Trên cơ sở đó, khẩn trương xử lý các vấn đề
thuộc thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị với các Bộ để tham mưu Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề còn tồn đọng, phát sinh mới.
Đồng
thời chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trực thuộc đẩy nhanh tiến
độ và đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư. Tập trung cao độ nguồn lực
để bảo đảm các mốc tiến độ thực hiện đối với những dự án lớn, quan
trọng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Ban Chỉ đạo, cơ quan đại diện chủ sở hữu tiến hành đôn đốc, kiểm
tra việc xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại của tập đoàn
kinh tế, tổng công ty, DNNN; khẩn trương có văn bản đôn đốc các cơ quan
đại diện chủ sở hữu phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN trực thuộc theo theo
thẩm quyền, quy định pháp luật.
Cùng
với đó chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất định hướng,
cách thức triển khai cơ cấu lại, sắp xếp lại, đổi mới, phát triển và
nâng cao hiệu quả DNNN; tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh
nghiệp có vốn nhà nước trong giai đoạn 2026-2030; báo cáo Thủ tướng
Chính phủ trong Quý II năm 2025.
Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện đúng, đầy đủ ý kiến chỉ
đạo tại văn bản số 72/VPCP-KTTH ngày 03 tháng 01 năm 2025, theo đó,
khẩn trương theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền thực hiện các
giải pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu.
Các
Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… theo
chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị của
các Tập đoàn, Tổng công ty nêu tại cuộc họp để xử lý ngay các vấn đề
thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật; trường hợp vượt thẩm
quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc tham mưu cho
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ
sung ban hành pháp luật liên quan.
Các
bộ, cơ quan, địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình
hình thực hiện công tác sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại theo thẩm
quyền; Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan, tiếp tục tổ chức đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực
hiện tại một số cơ quan, đơn vị trọng điểm.
Nguồn: baochinhphu.vn (15/01/2025)