Thực hiện lồng ghép để đảm bảo vốn đối ứng cho các chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chiều 8/12, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải đã đăng đàn giải trình về nội dung: Việc bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ cấu quy định của từng chương trình, dự án, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh và bền vững.
Ông Trịnh Thanh Hải – Giám đốc Sở Tài chính đăng đàn trả lời (Ảnh: Thương Huyền)
Trong giai đoạn 2021-2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), gồm: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các dự án đầu tư đạt hiệu quả đề ra
Đại biểu Lê Anh Dũng – Huyện Kỳ Sơn phát biểu (Ảnh: Thương Huyền)
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Anh Dũng – Huyện Kỳ Sơn đề nghị đồng chí Giám đốc Sở làm rõ việc triển khai vốn đầu tư ngân sách Trung ương cho Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có xác định được hiệu quả đầu tư để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu mà Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ? Những giải pháp nào để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra?
Trả lời nội dung này, theo Giám đốc Sở Tài Chính để nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần phải bám vào mục tiêu tổng quát của Chương trình để định lượng cho từng năm và từng giai đoạn; lựa chọn những dự án có tính trọng yếu, cấp thiết và có hiệu quả ngay, có tính lan tỏa để ưu tiên triển khai thực hiện. Thực hiện lồng ghép để đảm bảo vốn đối ứng và tranh thủ các nguồn lực của Trung ương dành cho địa phương; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, giao quyền.
Giám đốc Sở Tài chính cho biết, theo dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26 có đánh giá một số chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu tại Quyết định số 1719; một số chỉ tiêu gần đạt. Giám đốc Sở Tài chính khẳng định hiệu quả đầu tư đạt mục tiêu đề ra.
Băn khoăn về việc phân cấp, phân quyền trong thực hiện các Chương trình MTQG, đại biểu Trần Thị Thanh Huyền – đơn vị Thanh Chương đề nghị Giám đốc Sở Tài chính cho biết việc phân cấp, trao quyền, phân công nhiệm vụ được thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An như thế nào? Có phân cấp, trao quyền cho cấp xã hay không? Nếu có thì các công trình có quy mô và giá trị như thế nào?
Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính cho biết việc phân cấp, ủy quyền cho chính quyền các cấp trong việc thực hiện Chương trình MTQG là một trong những giải pháp thực hiện cải cách hành chính; đảm bảo sự thống nhất, phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong quá trình thực hiện tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến việc phân cấp, ủy quyền. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã quyết định đầu tư các dự án nhóm C có sử dụng vốn Chương trình MTQG và có nguồn vốn dưới 15 tỷ đồng.
Đối với việc trao quyền cho cấp xã, đến nay chưa được thực hiện. Lý do, UBND tỉnh chưa ban hành được danh mục các dự án theo cơ chế đặc thù; các ngành cần phải có hướng dẫn chuyên môn để cấp xã triển khai thực hiện. Hiện nay, Sở Tài chính đã tham mưu việc thanh quyết toán rút gọn; phân cấp cho UBND xã thanh quyết toán các dự án hoàn thành có nguồn vốn từ 500 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng.
Nghệ An bố trí đủ nguồn vốn đối ứng thực hiện Chương trình
Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc – đơn vị Quỳ Châu nêu ý kiến (Ảnh: Thương Huyền)
Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc – đơn vị Quỳ Châu băn khoăn đặt vấn đề: Đối với các địa phương không bố trí đủ nguồn vốn đối ứng trong năm thì theo quy định khi phân bổ kế hoạch cho năm sau Trung ương sẽ trừ đi số vốn tương ứng với nguồn vốn địa phương còn thiếu. Đề nghị Giám đốc Sở cho biết tình hình ở Nghệ An như thế nào? Trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn đối ứng thì Trung ương sẽ trừ đi nguồn vốn đối ứng thì có có ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia hay không?
Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định rằng, vốn đối ứng cho các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Nghệ An hoàn toàn đảm bảo. Vì vậy không để xảy ra việc cắt nguồn vốn. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, UBND tỉnh bố trí đầy đủ các nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc, miền núi thiểu số. Trung ương giao dự kiến hơn 4.931 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình MTQG thì theo quy định Nghệ An phải bố trí nguồn vốn đối ứng 493 tỷ đồng, Nghệ An đã cân đối đủ nguồn vốn này.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức phát biểu (Ảnh: Thương Huyền)
Làm rõ hơn nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn được xây dựng từ đầu nhiệm kỳ nhưng các Chương trình MTQG thì sau hơn một năm rưỡi mới có kế hoạch cho nên việc phân bổ dự toán của Sở Tài chính, cho 3 chương trình này gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đối với quy định của Trung ương thì không quy định đối ứng trực tiếp cho 3 chương trình mà chỉ quy định đối ứng cho địa bàn. “Nên việc bố trí không đủ vốn đối ứng chúng ta không lo bị Trung ương trừ”- ông Đức cho hay.
Thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Sở Tài chính để bố trí thêm nguồn vốn dự phòng, nguồn tăng thu và nguồn kết dư để đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho 3 Chương trình.
Kéo dài thời gian thực hiện Chương trình MTQG
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy An – đơn vị Anh Sơn băn khoăn, thời điểm này đã là cuối năm 2022 nhưng qua phản ánh một số địa phương có nguồn vốn công trình lớn cần phải đấu thầu, vì thế chưa giải ngân được, nguy cơ sẽ bị thu hồi vốn. Đề nghị cho biết hướng xử lý để các địa phương không bị thu hồi vốn và thực hiện đúng quy trình hồ sơ không bị sai phạm?
Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, việc chậm giải ngân vốn các Chương trình MTQG có nhiều nguyên nhân. Đây là năm đầu tiên tổ chức Chương trình MTQG phát triển kinh – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nên thiếu văn bản hướng dẫn; nguồn vốn giao chậm… Qua kiến nghị của các Bộ, ngành, Quốc hội đã cho phép gia hạn việc thực hiện các dự án của Chương trình đến ngày 31/12/2023.
Thời gian tới, sở Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan để chuyển nguồn; phân công, phân cấp, giao quyền sớm cho chính quyền các cấp; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát.
Về ý kiến băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa – đơn vị Diễn Châu khi các địa phương thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển vùng dân tộc và miền núi là các địa phương khó khăn, thì nguồn vốn nào để bố trí vốn đối ứng? Giám đốc Sở Tài chính cho biết, theo quy định của Trung ương thì ngân sách địa phương phải bố trí 10% vốn đối ứng. Ngân sách đối ứng phải bố trí ở 3 cấp. Tuy nhiên đối tượng thụ hưởng là các vùng khó khăn nên không thể có đủ nguồn lực để bố trí cho các Chương trình nên ngân sách tỉnh sẽ bố trí là chủ yếu. Việc bố trí chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án.
Đại biểu Vi Văn Quý – Qùy Hợp phản ánh: Trên đường tỉnh lộ 532 đi qua địa bàn các xã Châu Lộc, Châu Hồng… (huyện Quỳ Hợp) bị xuống cấp nghiêm trọng. UBND tỉnh đã quan tâm đến tuyến đường nhưng việc quan tâm đang rất là khiêm tốn, nhỏ giọt. Hàng năm UBND tỉnh chỉ điều tiết từ nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng từ 1-2 Km, nếu căn cứ theo chiều dài tuyến đường thì phải mất 14 năm mới hoàn thành đầu tư nâng cấp tuyến đường. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí nguồn để đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường?
Giám đốc Sở GT-VT Hoàng Phú Hiền giải trình (Ảnh : Thương Huyền)
Giám đốc Sở GT-VT Hoàng Phú Hiền cho biết, ý kiến của đại biểu hoàn toàn đúng. Tuyến đường 532 trước đây là tuyến đường do huyện quản lý, sau đó được nâng cấp thành tuyến đường tỉnh. Từ khi tiếp nhận đến nay, ngành Giao thông Vận tải đã sửa chữa được 9km. Nguồn vốn được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông nên việc sửa chữa toàn bộ tuyến đường rất khó khăn. Trước mắt, ngành Giao thông vận tải sẽ tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đảm bảo đi lại thuận lợi, bố trí thêm các biển báo và sửa chữa các vị trí xuống cấp lớn để đảm bảo an toàn cho người dân. Ông Hiền cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm để bố trí nguồn vốn sửa chữa, cải tạo toàn bộ tuyến đường này.
Thực hiện các Chương trình MTQG đúng quy định của pháp luật
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận (Ảnh: Thương Huyền)
Kết luận phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá phiên chất vấn đã làm rõ nhiều nội dung cử tri quan tâm.
Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, các chương trình, dự án, chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa…
Tuy nhiên, công tác chỉ đạo điều hành việc triển khai thực hiện 03 Chương trình MTQG ở các cấp vẫn còn nhiều lúng túng, thiếu quyết liệt; chưa phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan tổng hợp và các cơ quan chủ quản chương trình. Một số ngành, địa phương triển khai còn chậm; quá trình đề xuất lựa chọn danh mục dự án đầu tư còn chưa hợp lý nên phải điều chỉnh nhiều lần. Thực hiện giao vốn, trong đó có nguồn vốn địa phương chậm và hạn chế. …
Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, việc thực hiện 03 Chương trình MTQG, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là Chương trình mới, có nhiều nội dung, nhiều đầu mối chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện, vì vậy, cần đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước… và các quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; các Nghị quyết của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSNN thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025.
Tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chính sách do Trung ương đã ban hành đối với vùng miền núi, dân tộc; đồng thời, rà soát để khắc phục tình trạng phân tán, thiếu nguồn lực trong tổ chức thực hiện. Thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành với chính quyền địa phương cấp huyện, xã và các cơ quan liên quan; tích cực, chủ động nâng cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả việc bố trí lồng ghép các nguồn vốn đối ứng của tỉnh trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…
PT - TH