Sau khi Luật Tổ
chức chính quyền địa phương có hiệu lực, chính quyền địa phương chuyển
từ 3 cấp sang 2 cấp nên một số quy định hiện hành về xử lý kỷ luật liên
quan đến cấp huyện, cấp xã không còn phù hợp với mô hình chính quyền địa
phương 2 cấp. Quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ,
công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc
trong xử lý kỷ luật một số tình huống phát sinh trong công tác cán bộ;
một số quy định cần sửa đổi để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp
luật như nguyên tắc xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật …
Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 172/2025/NĐ-CP thay thế Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 71/2023/NĐ-CP
ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức,
viên chức.
Thắt chặt trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
Nghị
định số 172/2025/NĐ-CP quy định 3 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
(thay vì 4 trường hợp như quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP):
1-
Cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc
đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh
viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
2- Cán bộ, công
chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi
con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức là nam giới (trong trường
hợp vợ chết hoặc vợ không thể nuôi con vì sự kiện bất khả kháng hoặc
trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về
tình trạng khẩn cấp) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp
người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.
3-
Cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của
cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp
luật; trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
(Trước
đó, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định trường hợp "cán bộ, công chức,
viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ
việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép" cũng thuộc trường hợp chưa
xem xét xử lý kỷ luật.)
Bổ sung các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật
Nghị
định số 172/2025/NĐ-CP quy định các trường hợp loại trừ kỷ luật được
thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp
luật khác có liên quan.
Trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì được miễn kỷ luật:
a- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm;
b- Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2025;
c-
Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự
kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật
Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi thi hành công vụ;
d-
Đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không
vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có gây ra thiệt hại vì
lý do khách quan;
đ- Thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được
cơ quan có thẩm quyền cho phép và được cấp có thẩm quyền xác định đã
thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung nhưng
có thiệt hại xảy ra.
e- Có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.
Như
vậy, so với Nghị định số 71/2023/NĐ-CP và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP
thì Nghị định số 172/2025/NĐ-CP đã bổ sung trường hợp d và đ để thể chế
hóa Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ và Luật Cán bộ,
công chức năm 2025 về cơ chế khuyến khích dám nghĩ, dám làm.
Đồng
thời, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP cũng bổ sung quy định cụ thể các
trường hợp vi phạm được xem xét giảm nhẹ hoặc tăng nặng mức kỷ luật.
Trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì được giảm nhẹ mức kỷ luật:
a-
Chủ động báo cáo vi phạm, tự giác nhận trách nhiệm cá nhân về khuyết
điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính
chất, mức độ vi phạm trước và trong quá trình kiểm tra, giám sát;
b- Chủ động cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm;
c-
Chủ động chấm dứt hành vi vi phạm, tích cực tham gia ngăn chặn hành vi
vi phạm; tự giác nộp tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại, khắc phục
hậu quả do mình gây ra.
Trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì bị tăng nặng mức kỷ luật:
a-
Đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu kiểm điểm nhưng không thực
hiện, không sửa chữa khuyết điểm, vi phạm. Không tự giác nhận khuyết
điểm, vi phạm, hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức
độ vi phạm; gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi
hoàn, không khắc phục hậu quả hoặc khắc phục không đúng yêu cầu của cơ
quan có thẩm quyền, không tự giác nộp lại tiền, tài sản do vi phạm mà
có;
b- Đối phó, quanh co, cản trở quá trình kiểm tra, giám sát,
thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Bao che
cho người vi phạm; đe dọa, trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo,
người làm chứng, người cung cấp tài liệu, chứng cứ vi phạm;
c- Vi
phạm có tổ chức, là người chủ mưu; cung cấp thông tin, báo cáo sai sự
thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm; che giấu, sửa chữa,
tiêu hủy chứng cứ, tạo lập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả;
d- Lợi
dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, hoả
hoạn, dịch bệnh thực hiện chính sách an sinh xã hội và quốc phòng, an
ninh để trục lợi. Ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác
cùng vi phạm.
Sửa đổi thời hạn xử lý kỷ luật
Đồng thời, để
thống nhất với Luật cán bộ, công chức năm 2025, Nghị định số
172/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về thời hạn xử lý kỷ lật.
Theo
quy định mới, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn
đó thì cán bộ, công chức, người đã thôi việc, nghỉ hưu có hành vi vi
phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời
điểm có hành vi vi phạm cho đến thời điểm cấp có thẩm quyền ra thông báo
bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Trường hợp có hành vi vi
phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định
thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể
từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
Thời hạn xử lý kỷ luật
đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi
vi phạm của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của
cấp có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày;
trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra,
kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo
dài nhưng không quá 150 ngày.
Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải
bảo đảm xử lý kỷ luật trong thời hạn theo quy định. Nếu hết thời hạn xử
lý kỷ luật mà chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật thì chịu trách
nhiệm về việc chậm ban hành theo quy định của Đảng và pháp luật có liên
quan và phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn
trong thời hiệu.
Không tính vào thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
đối với: Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp
chưa xem xét xử lý kỷ luật; thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ
tục tố tụng hình sự (nếu có); thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi
kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi
ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế.
Bỏ một số hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức
Nghị định quy định hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ
gồm: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê
chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh; bãi nhiệm.
Hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; buộc thôi việc.
Như
vậy, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP đã bỏ hình thức kỷ luật giáng chức áp
dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và hạ bậc lương đối
với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã quy định tại Nghị
định số 71/2023/NĐ-CP. Việc thay đổi này để phù hợp với Luật Cán bộ,
công chức năm 2025. Vì Luật này không quy định 02 hình thức kỷ luật
trên.
Đồng thời, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP cũng quy định rõ việc áp dụng các hình thức kỷ luật. Cụ thể:
Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức
Hình
thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi
vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm
quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 172/2025/NĐ-CP, thuộc một trong
các trường hợp sau đây:
1- Vi phạm các quy định về nghĩa vụ của
cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; vi phạm
đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp ở công sở, giao tiếp với Nhân dân; vi
phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2- Vi phạm
quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã
hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí.
3- Vi phạm quy định về: quy chế tập trung dân chủ; tuyên truyền, phát ngôn; bảo vệ chính trị nội bộ.
4-
Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài
nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài
sản của Nhà nước và của Nhân dân trái quy định.
5- Vi phạm quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.
Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định trên mà tái phạm.
2-
Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong
các trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách ở trên.
3- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a)
Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng,
đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;
b)
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp
luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn
chặn.
Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Hình
thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ
lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định trên mà tái phạm.
2-
Có hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong
các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách nhưng chưa đến mức
buộc thôi việc, bãi nhiệm, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa,
chủ động khắc phục hậu quả và thuộc một trong các trường hợp vi phạm có
một hoặc một số tình tiết được giảm nhẹ.
3- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được quy hoạch, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.
Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1-
Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức
vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với công chức không giữ chức vụ
lãnh đạo, quản lý mà tái phạm.
2- Có hành vi vi phạm lần đầu gây
hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp áp dụng hình
thức kỷ luật khiển trách hoặc khoản 3 Điều 9 Nghị định số
172/2025/NĐ-CP nhưng người vi phạm không có thái độ tiếp thu, sửa chữa,
chủ động khắc phục hậu quả và thuộc một trong các trường hợp bị tăng
nặng mức kỷ luật.
3- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng
nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan,
tổ chức, đơn vị.
4- Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Áp dụng hình thức kỷ luật bãi nhiệm đối với cán bộ
Cán
bộ có hành vi vi phạm theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ
chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu
Hội đồng nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan thì bị bãi
nhiệm. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bãi nhiệm thực hiện theo quy định
của pháp luật.
Phương Nhi
Nguồn: baochinhphu.vn (2/7/2025).