Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, quyết định sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Chất lượng lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, nhất là nhu cầu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI và cho xuất khẩu lao động.

Anh-tin-bai

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Chu Đức Thái báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020

Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 312.586 lao động có việc làm sau đào tạo  

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Chu Đức Thái cho biết: Trong giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở quy định của Trung ương về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề và Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 13/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Các huyện, thành phố, thị xã, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ban hành đề án, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về đào tạo nghề đã được các cấp, ngành tiến hành với nội dung và hình thức khá phong phú. Thông qua việc tổ chức các Hội chợ việc làm, phiên giao dịch và sàn giao dịch việc làm, ngày hội tuyển sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyên truyền các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề đến với người lao động.

Anh-tin-bai

Giờ thực hành tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (Nghệ An). Ảnh ST

Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 439.285 lượt người được đào tạo nghề (bình quân mỗi năm hơn 73.000 lượt người), gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 29.436 người (chiếm 6,7% so với lao động được đào tạo toàn tỉnh), trung cấp 50.817 người (chiếm 11,56%), sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 359.032 người (chiếm 81,73%). Chất lượng lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, nhất là nhu cầu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI và cho xuất khẩu lao động. Công tác kiểm định, đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Năng lực, chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, các ngành, địa phương thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm đến việc liên kết với doanh nghiệp từ việc xây dựng giáo trình, chương trình dạy đến việc đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã liên kết và tiếp nhận nhiều lao động được đào tạo từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo giai đoạn 2015-2020 là 312.586 người, tỷ lệ lao động có việc làm tính đến cuối năm 2020 đạt 80,76% (tăng 5,14% so với năm 2014). 

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng đến nhu cầu xã hội

Do Trung ương chưa ban hành quy hoạch mạng lưới tổng thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp quốc gia, nên tỉnh cũng chưa có căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên trong giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương tích cực triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện giải thể những cơ sở hoạt động không hiệu quả. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 9 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 22 trung tâm và 18 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Quy mô tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Cơ cấu ngành nghề đào tạo được quy hoạch và phát triển để hướng đến nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có trình độ chuyên môn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cơ bản thực hiện theo khung biên chế, hợp đồng lao động được giao của tỉnh. Tính đến năm 2020, tổng số nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.719 người (tăng 7,5% so với năm 2015), cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 571 người.

Công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và chính sách khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước triển khai thực hiện. Các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp như: Chế độ tiền lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp; phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy cho người khuyết tật, nhà giáo dạy các nghề nặng nhọc, độc hại; phụ cấp lưu động,... được thực hiện cơ bản kịp thời, đúng quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuy đã có sự sắp xếp, sáp nhập nhưng vẫn còn dàn trải, trùng lặp chức năng nhiệm vụ. Số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thiếu, phân bố chưa hợp lý, nhất là việc thiếu đội ngũ nhà giáo thực hành lành nghề, chuyên sâu để giảng dạy một số nghề mới, nghề kỹ thuật công nghệ cao hoặc dạy chương trình đào tạo mới. Một số chương trình đào tạo chưa thực sự linh hoạt, chưa đa dạng, chưa cập nhật kịp với xu hướng công nghệ mới. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, chưa đồng bộ. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong đào tạo nghề chưa chặt chẽ. Chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu lao động của xã hội.  

Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề

Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có, đẩy nhanh phương án sáp nhập, giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động kém hiệu quả theo Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đánh giá lại việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, có tính chất vùng, liên vùng để khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải.

Xem xét hỗ trợ kinh phí để mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt; cơ sở đào tạo các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Chỉ đạo rà soát, cân đối đội ngũ giáo viên lý thuyết và giáo viên thực hành. Tập trung nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về dạy nghề. Xem xét xây dựng và ban hành chính sách đặc thù để thu hút nhà giáo vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho lao động trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, chỉ đạo việc đổi mới chương trình đào tạo nghề phù hợp với thực tế, đảm bảo tính linh hoạt, đa dạng. Chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư vào địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách về đào tạo nghề, sử dụng lao động trên địa bàn phù hợp với nhu cầu thực tế. Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý lao động theo nhóm ngành nghề; xây dựng kênh thông tin về nhu cầu việc làm, lao động, đào tạo nghề trên địa bàn toàn tỉnh đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong thời gian tới. Có giải pháp để khuyến khích, tăng cường hơn việc xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

Chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường phối hợp trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh; có cơ chế kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để cung cấp thông tin cung cầu lao động và liên kết đào tạo, sử dụng lao động qua đào tạo. Có chủ trương đề nghị, khuyến khích các doanh nghiệp kết nối phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Quan tâm hơn trong việc thực hiện có hiệu quả chính sách, nội dung chương trình, phương thức đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng đối với lao động vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

H.B (tổng hợp)

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập