Phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 32 vụ, 37 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”
Trong 4 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng công an, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh nhìn chung được kìm giữ, kéo giảm; các cơ sở, đối tượng không còn hoạt động hoặc bị vô hiệu hóa.
Triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng.
Các ngành chức năng, UBND cấp huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó đã lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị 12/CT-TTg, phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen”, những chính sách tài chính, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp.
Toàn tỉnh đã xây dựng và hiện có 37 mô hình phòng, chống tội phạm triển khai tại 1.800 khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cơ sở giáo dục; duy trì hoạt động của 460 Ban Chỉ đạo tự quản, 3.895 Ban tự quản và 38.578 Tổ tự quản về an ninh trật tự với phương châm “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải” ngay tại cơ sở, không để phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật. Đặt 3.950 hòm thư tố giác tội phạm tại các nhà văn hóa khối, xóm và địa điểm công cộng; công khai 460/460 số điện thoại Công an phường, xã, thị trấn để quần chúng nhân dân cung cấp thông tin liên quan đến “tín dụng đen”.
Công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” được thực hiện tốt. Trong đó, các ngành chức năng có liên quan đã phối hợp tăng cường các giải pháp chấn chỉnh, siết chặt quản lý, cấp phép Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh các ngành nghề, nhất là đối với việc đăng ký kinh doanh chuyển đổi từ kinh doanh dịch vụ cầm đồ sang kinh doanh dịch vụ tài chính.
Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm đến hoạt động “tín dụng đen” được thực hiện thường xuyên. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 325 cơ sở cầm đồ. Trong năm 2023, Công an tỉnh đã thành lập 21 đoàn, kiểm tra 79 lượt, kiểm tra 109 cơ sở, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 08 cơ sở.
Từ ngày 15/4/2022 đến ngày 14/4/2023, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 32 vụ, 37 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” làm rõ số tiền cho vay hơn 200 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 20 tỷ đồng. Kết thúc điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 39 vụ, 51 bị can. Điển hình như ngày 20/4/2022, Công an thành phố Vinh bắt 01 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, làm rõ số tiền cho vay hơn 12,5 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 2,1 tỷ đồng; ngày 15/12/2022, Công an thị xã Thái Hòa chủ trì, phối hợp Phòng PA05 bắt 01 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, làm rõ số tiền cho vay gần 14 tỷ đồng, thu lợi bất chính gần 3,7 tỷ đồng...
PQ(tổng hợp)
(Nguồn: Báo cáo số 394/BC-UBND ngày 25/5/2023 của UBND tỉnh về sơ kết năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen")