image banner
Nghệ An thực hiện tốt “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”

Trong thời gian qua, công tác triển khai thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” trên địa bàn tỉnh được chú trọng và triển khai đồng bộ tại các địa phương. Nhờ đó, ý thức thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực thi áp dụng các văn bản pháp luật trong thực tiễn quản lý hành chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm, công tác kiểm tra, rà soát tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng và thực thi pháp luật được củng cố kiện toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan công quyền, trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Việc ban hành văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành Văn bản QPPL năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành từ năm 2020-2022. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp góp ý 977 văn bản (169 văn bản Trung ương, 828 văn bản của tỉnh), thẩm định 198 lượt văn bản (55 Nghị quyết, 144 Quyết định, 29 đề nghị xây dựng Nghị quyết). Công tác kiểm tra, tự kiểm tra văn bản QPPL được UBND tỉnh quan tâm, từ năm 2020-2022 đã thực hiện kiểm tra 511 văn bản QPPL, qua kiểm tra đã phát hiện 24 văn bản trái quy định pháp luật về nội dung, thẩm quyền, 39 văn bản có sai sót khác, đồng thời UBND có kiến nghị xử lý nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp theo quy định.

Trên cơ sở kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu thực tiễn của ngành, địa phương mình để xây dựng Kế hoạch. Bên cạnh những lĩnh vực phù hợp với Kế hoạch của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị còn lựa chọn thêm những lĩnh vực cần được quan tâm khác như: Theo dõi tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, chỉnh trang đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm; pháp luật về giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đăng ký và quản lý hộ tịch; bảo vệ tài nguyên khoáng sản…

Ngoài ra, các cơ quan đơn vị còn tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Cụ thể, 21/21 UBND đơn vị cấp huyện và các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng quy trình tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật. UBND cấp huyện đã bố trí lãnh đạo huyện tiếp công dân theo quy định. Tại trụ sở bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả Một cửa của UBND huyện thực hiện việc niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của cấp tỉnh và cấp huyện theo quy định để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân. Tại các sở, ban, ngành đều có bộ phận tiếp nhận, thiết lập đường dây nóng hoặc bố trí số điện thoại chuyên tiếp nhận, thiết lập email, trang tin điện tử, chuyên mục trên Cổng Thông tin điện tử để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cá nhấn, tổ chức…

Trong 5 năm qua, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật tại 6 sở, ban, ngành, 15/214 UBND cấp huyện và gần 30 đơn vị cấp xã cũng như các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn như Bảo hiểm xã hội, Thuế, Hải quan, Công an,… Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế nắm bắt những vướng mắc, bất cập từ thể chế, đánh giá sự quan tâm của chính quyền địa phương, tổng hợp những kiến nghị đề xuất của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp; trực tiếp giải đáp một số vướng mắc theo thẩm quyền; kiến nghị một số giải pháp để đơn vị tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Đối với những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, đoàn kiểm tra tổng hợp vào báo cáo hàng năm để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Bên cạnh đó, hàng năm UBND tỉnh đều thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm, quán triệt, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Chưa có bộ tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực, nên việc đánh giá mức độ tuân thủ chỉ mang tính hình thức và trên cơ sở nhận định chủ quan; một số lĩnh vực trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật chưa sát với thực tế địa phương. Một số cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chủ yếu là quán triệt tuyên truyền văn bản; công tác thanh tra, kiểm tra, khảo sát thực tiễn thi hành chưa được nhiều…

Trong thời gian tới, để đảm bảo công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện chuyên sâu và có chất lượng, tỉnh đề nghị Chính phủ tập trung theo dõi thi hành pháp luật 1-2 lĩnh vực trọng tâm. Đồng thời, nên xây dựng Luật theo dõi thi hành pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật.

Trong khi chưa có Luật theo dõi thi hành pháp luật, tỉnh Nghệ An đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2012/NĐ-CP theo hướng phân định rõ thẩm quyền theo dõi thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và cơ quan có thẩm quyền theo dõi chung. Điều chỉnh thời điểm báo cáo và mốc báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật theo mốc báo cáo thống kê ngành Tư pháp để thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổng hợp và xây dựng báo cáo hàng năm. Mặt khác, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức rà soát hệ thống hóa các văn bản QPPL để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo trong thực tiễn thi hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường phối hợp các nội dung kiểm tra liên ngành đối với việc chấp hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn…

T.H (tổng hợp)

(Tổng hợp từ Báo cáo 309/BC-UBND ngày 9/5 của UBND tỉnh về tổng kết 05 năm thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2028-2022)

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image