Nghệ An thực hiện nghiêm các quy định Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam
Công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, bổ trợ cho hoạt động tư pháp của các Cơ quan tố tụng hình sự. Đồng thời, tháo gỡ những bất cập, hạn chế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Sau khi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, trong đó, giao Công an tỉnh là đơn vị chủ trì tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tính đến ngày 31/12/2022, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đang quản lý 1.452 người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trong đó 126 người bị tạm giữ, 1.163 người bị tạm giam, 161 người bị kết án tử hình. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quản lý giam giữ chặt chẽ tại Trại tạm giam Công an tỉnh, các Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, các buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Các cơ sở giam giữ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiếp nhận, phân loại, quản lý, lập hồ sơ quản lý giam giữ 46.407 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Trong đó, năm 2022 có 33 người bị tạm giữ, tạm giam.
Các cơ quan chức năng đã ra Quyết định điều chuyển 16.127 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an, Bộ quốc phòng; thực hiện 46.017 lượt trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự.
Việc thực hiện chế độ ăn, ở và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã được thực hiện đúng quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Định lượng ăn đối với người bị tạm giữ, tam giam được phê duyệt hàng tháng, trong các ngày lễ, Tết được ăn thêm gấp 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Việc cấp phát chế độ tư trang đối với người bị tạm giữ, tạm giam cũng được thực hiện đầy đủ. Các cơ sở giam giữ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức quản lý chặt chẽ, đồng thời thực hiện chế độ đối với 182 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, 34 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi theo đúng quy định tại Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Từ năm 2018 đến nay, số người bị kết án tử hình giam giữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng tăng (năm 2018 là 47 đối tượng, đến năm 2022 là 161 đối tượng và hiện nay là 172 đối tượng và dự báo trong thời gian tới các đối tượng này còn tiếp tục tăng lên). Theo đó, người bị kết án tử hình được hưởng các chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, nhận quà, gửi, nhận thư, sách báo, tài liệu… theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện quyền kháng cáo, quyền đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền xin ân giảm án tử hình theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và các quyền khác của người bị tạm giam theo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận đơn thư liên quan của người bị tạm giữ, tạm giam, người bị kết án tử hình, kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng theo quy định. Trong 5 năm thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, trên địa bàn tỉnh không có khiếu nại, tố cáo về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Hàng năm, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác quản lý giam giữ, đặc biệt là chú trọng kiểm tra đột xuất các cơ sở giam giữ, không thông báo trước, do đó đã thường xuyên chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý giam, giữ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. Các Cục nghiệp vụ Bộ Công an đã có nhiều đợt kiểm tra chuyên đề, đột xuất đối với các cơ sở giam giữ thuộc Công an tỉnh; định kỳ Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tiến hành kiểm tra trực tiếp về công tác thi hành tạm giữ, tạm giam. Qua các cuộc kiểm tra, giám sát, Công an tỉnh đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý giam giữ, thi hành án tử hình còn nhiều khó khăn. Số chỗ giam người bị kết án tử hình thiếu nhiều so với yêu cầu đặt ra; nhiều trường hợp chậm ra Quyết định không kháng nghị (hoặc kháng nghị) của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Quyết định ân giảm (hoặc bác đơn ân giảm) của Chủ tịch nước dẫn đến đối tượng tạm giam nhiều năm nhưng chưa đủ thủ tục thi hành án gây áp lực lớn cho công tác quản lý giam giữ; nhiều đối tượng không thuộc diện thân nhân vẫn được chính quyền xác nhận hoặc “xác nhận khống” để gia đình tự kê khai…
Để nâng cao hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất Bộ Công an chủ động phối hợp, đề xuất Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước rà soát đối với các bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật, nhất là việc quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị bản án tử hình; tránh tình trạng giam giữ người bị kết án tử hình kéo dài. Cùng với đó, ban hành quy chuẩn kỹ thuật hệ thống kiểm soát an ninh phục vụ giám sát người bị tạm giữ, tạm giam; đầu tư kinh phí lắp đặt, nâng cấp hệ thống kiểm soát an ninh; hệ thống ghi âm, ghi hình tại các nhà hỏi cung, phòng làm việc người bào chữa và các phương tiện khác… Nghiên cứu có quy định thống nhất về việc tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam khi phát hiện có thương tích, bị bệnh nặng… do cơ quan, người bàn giao chủ trì phối hợp cơ sở giam giữ đưa đi khám.
T.H (tổng hợp)
(Tổng hợp từ Báo cáo 358/BC-UBND ngày 30/5 của UBND tỉnh về việc tổng kết 05 năm thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam trên địa bàn tỉnh Nghệ An)