Nghệ An có 20/24 chỉ tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2015 đạt và vượt kế hoạch
Theo Báo cáo
số 129/BC-UBND của UBND tỉnh về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bình
đẳng giới năm 2023, đến nay, tỉnh Nghệ An có 20/24 chỉ tiêu thuộc 6 mục tiêu
của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh giai đoạn 2021 – 2015 đạt và
vượt kế hoạch đề ra, chiếm tỷ lệ 83,33%.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày
20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình
mới, Chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới giai đoạn 2021 –
2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, cấp ủy,
chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhận thức, trách
nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác phụ nữ đã có sự chuyển
biến tích cực, được triển khai thực hiện hiệu quả. Sự phối hợp liên ngành trong
thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự
tiến bộ của phụ nữ ngày càng chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ từ cấp tỉnh đến cơ sở được quan tâm kiện toàn, đội
ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới tiếp tục phát huy năng lực và trách
nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả
công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, sử dụng
cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ cơ bản được triển khai thực hiện tốt. Tỷ lệ nữ
tham gia vào các cấp ủy, giữ các chức vụ chủ chốt của tỉnh, huyện, các cơ quan,
ban, ngành, đoàn thể ngày càng nhiều, nhất là cấp trưởng, cấp phó ngày càng
tăng lên.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về
bình đẳng giới thường xuyên được quan tâm, nhất là vào dịp ngày lễ 08/3, 20/10
và cao điểm là tháng hành động bình đẳng giới có nhiều địa phương quan tâm chỉ
đạo triển khai nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với vùng miền, đối
tượng. Cấp tỉnh đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật về bình đẳng
giới trong giới học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp… đã
góp phần tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong công tác quản lý nhà nước về
bình đẳng giới, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng ngừa và ứng phó với
bạo lực trên cơ sở giới trong các thế hệ công dân. Công tác kiểm tra, giám sát
việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được quan tâm, triển
khai thực hiện.
Từ việc thực hiện lồng ghép có hiệu quả các mục tiêu,
chỉ tiêu về bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã
góp phần thúc đẩy các lĩnh vực chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa -
thông tin, thể dục thể thao, gia đình phát triển, củng cố quốc phòng an ninh
trên địa bàn tỉnh. Đã có 20/24 chỉ tiêu thuộc 6 mục tiêu của chiến lược quốc
gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2015 đạt và vượt kế hoạch, chiếm tỷ lệ
83,33% so với kế hoạch đề ra.
Chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, phối
hợp, tạo điều kiện cho các cấp hội phụ nữ hoạt động. Hội Liên hiệp phụ nữ các
cấp đã tích cực phối hợp với các ban, ngành có liên quan thực hiện Nghị định số
56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ trong việc bảo đảm cho các cấp hội tham gia quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số nội dung
của chiến lược chương trình, kế hoạch
bình đẳng giới ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu rộng, đồng bộ, còn thiếu
công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Công tác thu thập thông
tin, xử lý số liệu, báo cáo về công tác
cán bộ nữ của một số ngành, đơn vị, địa phương thiếu kịp thời, độ chính xác
chưa cao. Đến nay, tỉnh còn 4/24 chỉ tiêu thuộc các mục tiêu của chiến lược
quốc gia về bình đẳng giới tỉnh giai đoạn 2021-2025 chưa đạt kế hoạch đề ra,
chiếm tỷ lệ 16,67%...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác phụ nữ; tiếp tục
triển khai có hiệu quả Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công
tác xây dựng gia đình, công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong đó có Chỉ thị số 21 của Ban bí thư... Đồng thời, nâng
cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống
chính trị, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ,
Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong
thực hiện công tác phụ nữ và bình đẳng giới. HĐNĐ, UBND các cấp quan tâm, tạo điều
kiện để Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp nâng cao
hiệu quả, chất lượng tham mưu về công tác cán bộ nữ, các hoạt động hỗ trợ phụ
nữ, nhất là hỗ trợ về khởi nghiệp, các nguồn vốn vay, tạo điều kiện để phụ nữ
tiếp cận khoa học kỹ thuật, lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo, dạy nghề,
chăm sóc sức khỏe…
Kim Oanh (tổng hợp)