Sáng nay
(29/11), Bộ Y tế tổ chức Mít tinh trực tuyến hưởng ứng Ngày Thế giới phòng,
chống AIDS năm 2024.
Dự Lễ mít
tinh có đồng chí Lê Thành Long – Uỷ ban Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính
phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; đại diện lãnh
đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, thành viên Ủy ban Quốc gia phòng,
chống AIDS ma túy, mại dâm.
Tại điểm
cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Lê Thị Hoài Chung – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế
chủ trì. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Toàn cảnh Lễ mít tinh tại điểm cầu Nghệ An
Đồng chí Lê Thị Hoài Chung – Giám đốc Sở Y tế
chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Trong những
năm qua, với nhiều nỗ lực, công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam được đánh
giá là điểm sáng quốc tế. Kể từ
khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên tại nước ta vào năm 1990, đến nay,
Việt Nam đã 34 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Với những kết quả đã
đạt được, Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch HIV. Việt Nam đã và đang ngăn chặn
đà gia tăng của đại dịch, khống chế dịch trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người
nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai
đoạn AIDS. Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ
nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư
ở mức dưới 0,3%. Đồng thời, triển khai toàn diện, có hiệu quả
các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm
HIV. Việt Nam là một trong ít nước có chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV
đứng hàng đầu thế giới thông qua việc kiểm soát được tải lượng virus dưới
ngưỡng phát hiện với tỷ lệ rất cao để giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh
và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Ngày Thế
giới phòng chống HIV/AIDS năm 2024, với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ
phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” chính
là đảm bảo việc bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi
cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình
trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác; tất cả mọi người đều có
quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.
Tại Nghệ An,
tính đến ngày 31/10/2024, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV của tỉnh là 11.037
trường hợp, chuyển sang giai đoạn AIDS là 6.651 trường hợp; 4.650 trường hợp
HIV/AIDS tử vong, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS đang còn sống là 6.387 người.
Trong đó, số người nhiễm HIV chủ yếu lây truyền qua đường máu là 71,46%, đối
tượng chính là nhóm tiêm chích ma túy chiếm 67,69%, nhóm phụ nữ bán dâm chiếm
0,82%, nhóm nam quan hệ đồng giới chiếm 1.19%. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nam giới là
chủ yếu chiếm 77,86%. Độ tuổi tập trung nhiều người nhiễm HIV chủ yếu từ 25-34
tuổi, chiếm 48,33%.
Trong 10
tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 136 trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện, chuyển
sang giai đoạn AIDS 46 trường hợp, tử vong 68 trường hợp. Các địa phương có số
trường hợp HIV/AIDS còn sống tập trung nhiều ở các địa phương như: Quế Phong,
thành phố Vinh, Quỳ Châu, Tương Dương, Diễn Châu.
Hướng đến
mục tiêu đến năm 2030 không còn người nhiễm HIV/AIDS mới, thời gian qua, cơ
quan chuyên môn, chính quyền các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh truyền thông,
thực hiện các biện pháp can thiệp phòng tránh, giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng
đồng.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Lễ mít tinh
hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS 1/12 - Ảnh: Đức Tuân (Báo Chính phủ)
Phát biểu tại
buổi lễ, đồng chí Lê Thành Long – Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch
Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm cho biết, Chương trình phòng, chống
HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục
tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu
chúng ta chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng,
chống HIV/AIDS.
Hưởng ứng
Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2024,
Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma
túy, mại dâm đề nghị các
cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tiếp tục quan
tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám
sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành
động cho từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống
HIV/AIDS một cách sáng tạo, có hiệu quả.
Các địa
phương cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác
phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành Y tế cần tiếp tục tăng cường,
mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm,
chăm sóc, điều trị HIV. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại,
điều trị HIV. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ
dự phòng và điều trị HIV. Đồng thời, các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích
cực, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS
nhất là trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho các nhóm đối tượng đích.
Kết thúc
dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS,
mà bảo đảm rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với
các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền
từ mẹ sang con dưới 2%. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ chấm
dứt AIDS, với các diễn biến xu hướng lây mới, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch
Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm kêu gọi cộng đồng, xã hội hãy cùng
chung tay trong việc phòng ngừa HIV, sử dụng các giải pháp dự phòng an toàn để
tránh lây nhiễm…
T. H