Hội nghị trực tuyến rà soát, góp ý đối với các dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Sáng nay (6/11), Chính phủ tổ chức Hội
nghị trực tuyến rà soát, góp ý đối với các dự thảo Nghị định quy định chi tiết
và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì
tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn
Văn Đệ - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị;cùng tham dự có
đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Quang cảnh
Hội nghị
Đồng chí
Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Ngày
27/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Để sớm triển
khai việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đảm bảo các văn
bản được ban hành có hiệu lực thi hành cùng thời điểm của Luật, ngày 27/7/2024,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định danh mục các luật, nghị quyết được Quốc
hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó giao Bộ Công an chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số
điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nghị định
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tham
gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm
tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Luật Trật tự, an toàn
giao thông đường bộ năm 2024. Đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo
đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi
phạm pháp luật trên tuyến giao thông… Xuất phát từ cơ sở pháp lý, thực tiễn,
việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp
thi hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết.
Phát biểu chỉ
đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các Bộ ngành,
địa phương tập trung rà soát kỹ các nội dung quy định về bảo đảm trật tự an
toàn giao thông đường bộ đối với các đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia
giao thông như: Học sinh, sinh viên, người lao động, người già, người khuyết
tật… Trong đó, lưu ý các nội dung quy định trách nhiệm của gia đình, nhà
trường, cơ sở giáo dục trong giáo dục quản lý học sinh sử dụng phương tiện xe
máy, xe máy điện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Cùng với đó,
rà soát, bổ sung các nội dung quy định cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao
thông đảm bảo đầy đủ, liên thông đồng bộ với các cơ sở dữ liệu khác để phục vụ
cho công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và trật tự, an toàn giao
thông, thuận tiện để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện.
Các cơ quan,
địa phương cần tập trung bổ sung các nội dung quy định về đẩy mạnh ứng dụng khoa
học và công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, tiến tới giảm hoạt động
tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trực tiếp; làm rõ thêm cơ sở pháp lý, thực
tiễn đối với phạm vi, đối tượng phải cấp phép phương tiện giao thông thông
minh… Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, công tác bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông đường bộ là chính sách rất lớn tác động đến tính mạng,
sức khỏe, tài sản của cá nhân; tài sản của cơ quan, tổ chức; tác động đến kinh
tế, văn hóa, xã hội của đất nước vì vậy để triển khai Luật Trật tự, an toàn
giao thông đường bộ cần phải quy định cụ thể, trách nhiệm, biện pháp thi hành
Luật của từng cơ quan quản lý nhà nước tại Nghị định nhằm tăng cường công tác
quản lý nhà nước, gắn với trách nhiệm đối với cơ quan được giao nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã thảo
luận, thống nhất với các nội dung Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi
hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một
số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như: Hình thức xử phạt bổ sung cần tăng
nặng hơn trong trường hợp người điều khiển phương tiện mà vượt quá nồng độ cồn cho
phép; khoản 14, điều 6: Quy định về trừ điểm trong Giấy phép lái xe; cần chế
tài xử lý mạnh hơn nữa đối với tổ chức kinh doanh trong vận chuyển nguồn hàng
của xe quá khổ, quá tải; đề nghị bổ sung danh mục phương tiện
giao thông thông minh theo tiêu chí phương tiện giao thông thông minh quy định
tại khoản 3 Điều 34, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; nghiên
cứu, tăng phân công, phân cấp, tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho
các chức danh, nhất là thuộc cấp huyện, cấp xã, đảm bảo phù hợp với điều kiện
kinh tế, xã hội trong tình hình hiện nay…
Các ý kiến góp ý của các đại biểu đã được cơ quan chủ trì
soạn thảo - Bộ Công an tiếp thu, giải trình đầy đủ; đồng thời, tiếp tục bổ
sung, chỉnh lý, rà soát đánh giá, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi
tiết và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình xin
ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
T.H