image banner

image advertisement

Đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng lên 70,1%

Năm 2024, thực hiện các chính sách, cơ chế trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng lên 70,1%.

Thời gian qua, công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có tác động tích cực đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Quy mô trường lớp không ngừng được phát triển. Đội ngũ các bộ công chức, viên chức từng bước đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Đời sống của cán bộ công chức, viên chức ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học được đầu tư, tăng cường theo hướng chuẩn hóa hiện đại hóa. Nghệ An hiện có 540 trường mầm non; 967 trường phổ thông, bao gồm: 480 trường tiểu học; 365 trường trung học cơ sở, 87 trường trung học phổ thông (trong đó có 01 trường chuyên, 02 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú); 32 trường phổ thông cơ sở; 01 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông; 02 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Các cơ sở đào tạo cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có bước phát triển lớn về mặt số lượng trường lớp và quy mô đào tạo. Cơ cấu ngành nghề ngày càng đa dạng và phong phú theo nhu cầu của xã hội. Nghệ An hiện có 06 trường đại học (04 trường công lập và 02 trường ngoài công lập), xếp thứ 3 trong vùng về số lượng trường đại học. Trường Đại học Vinh được lựa chọn xây dựng thành đại học trọng điểm Quốc gia cấp vùng. Ngoài ra, có 10 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Quy mô tuyển sinh đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 79.231 học sinh, sinh viên/năm, trong đó: Trình độ cao đẳng là 4.915 người, trình độ trung cấp là 16.751 người, trình độ sơ cấp là 57.565 người.

Các trường đại học, cao đẳng đã đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lớn cho tỉnh Nghệ An và các địa phương lân cận. Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Một số ngành nghề mới được bổ sung, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng nhân lực có tay nghề cao của các doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước.

Chất lượng đào tạo được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp đạt trên 95% (khá, giỏi chiếm 45%); học sinh, sinh viên tham gia kỳ thi kỹ năng nghề các cấp đều đạt kết quả cao. Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp được đẩy mạnh, có hiệu quả. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hợp tác với hơn 320 lượt doanh nghiệp trong và ngoài nước trong tuyển sinh, đào tạo, thực tập, thực hành, do đó năng lực thực tiễn và kỹ năng mềm của sinh viên được nâng lên rõ rệt.

Giai đoạn 2021 - 2024, các trường trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học, đào tạo nghề nghiệp các cấp trình độ cho 298.775 người, gồm: Trình độ đại học 34.425 người, trình độ cao đẳng là 19.711 người, trung cấp là 37.849 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 206.790 người. Kết quả là tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 66,4% cuối năm 2021 nâng lên 70,1% cuối năm 2024 (tăng 3,7%), tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững, củng cố quốc phòng an ninh, trật tự xã hội của tỉnh.

Đào tạo nghề nghiệp cho lao động nữ được chú trọng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đào tạo kỹ năng nghề, thấy được vai trò, vị trí của lực lượng lao động nữ có tay nghề cao trong quá trình phát triển xã hội. Khuyến khích lao động nữ chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia học nghề, lập nghiệp, phát triển kinh tế. Tỷ lệ lao động nữ tham gia các chương trình đào tạo nghề hàng năm tăng. Đến cuối năm 2024, lao động nữ tham gia học nghề chiếm tỷ lệ 38,5% tổng số người học nghề, tăng 3,2% so với năm 2021.

Các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh. Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã tổ chức 145 lớp tập huấn cho 13.922 học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo làm công tác khởi nghiệp; 42 đợt giao lưu giữa doanh nhân với học sinh, sinh viên, có sự tham gia của 14.521 học sinh, sinh viên; 84 câu lạc bộ, nhóm khởi nghiệp với 2.758 học sinh, sinh viên tham gia. Qua đó, trang bị kiến thức, kỹ năng, rèn luyện tính chủ động, sáng tạo, tự tin trong khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ học sinh, sinh viên tự tìm việc làm, tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp được Chính phủ ban hành, đã có ý nghĩa thiết thực, tạo động lực thu hút học sinh phổ thông và người lao động nhất là học sinh, sinh viên điều kiện kinh tế còn khó khăn được tham gia học nghề; góp phần phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Số lượng lao động được đào tạo ngày một tăng, tuy nhiên có sự chênh lệch giữa các khu vực, cụ thể tại thành thị có tỷ lệ lao động được qua đào tạo cao hơn tại nông thôn. Một số ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động cả về số lượng, cơ cấu tuyển sinh lẫn chất lượng đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chưa được chú trọng, chưa đáp ứng với tiêu chuẩn tối thiểu hiện nay. Một bộ phận lao động nông thôn sau học nghề chưa áp dụng được kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo vào sản xuất, kinh doanh, chưa tạo được việc làm phù hợp, chưa chuyển đổi việc làm mới, hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập chưa cao. Số lao động nông thôn được hưởng chính sách ưu đãi học nghề, việc làm còn hạn chế, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật...

PT (Tổng hợp)

(Nguồn: Báo cáo số 52/BC-UBND ngày 22/1/2025 về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 -2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image