Chính phủ ban hành Nghị định số
181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá
trị gia tăng (VAT), trong đó hướng dẫn cụ thể về các đối tượng không
chịu thuế VAT.
Nghị định này quy định chi tiết về người nộp thuế tại khoản 1, 4 và
khoản 5 Điều 4 và người nộp thuế trong trường hợp nhà cung cấp nước
ngoài cung cấp dịch vụ cho người mua là tổ chức kinh doanh tại Việt Nam
áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 4 Điều 4, đối tượng
không chịu thuế tại Điều 5, giá tính thuế tại Điều 7, thời điểm xác
định thuế giá trị gia tăng tại khoản 2 Điều 8, thuế suất tại khoản 1, 2
Điều 9, phương pháp khấu trừ thuế tại Điều 11, phương pháp tính trực
tiếp tại khoản 1 Điều 12, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tại
Điều 14 và hoàn thuế giá trị gia tăng tại Điều 15 của Luật Thuế giá trị
gia tăng.
Đối tượng không chịu thuế
Nghị định số
181/2025/NĐ-CP nêu rõ đối tượng không chịu thuế thực hiện theo quy định
tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng, đồng thời Nghị định quy định chi
tiết một số trường hợp như sau:
1. Sản phẩm cây trồng, rừng trồng,
chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản
phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản
xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. Trong đó, các sản phẩm chỉ
qua sơ chế thông thường là các sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy
khô, bóc vỏ, xay xát, xay vỡ mảnh, nghiền vỡ mảnh, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ,
tách hạt, tách cọng, cắt, xay, đánh bóng hạt, hồ hạt, chia tách ra từng
phần, bỏ xương, băm, lột da, nghiền, cán mỏng, ướp muối, đóng hộp kín
khí, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo
quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung
dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức
bảo quản thông thường khác.
Trường hợp không xác định được thì Bộ
Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm căn cứ vào quy trình sản xuất
sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt
do người nộp thuế cung cấp để xác định là sản phẩm chưa chế biến thành
các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân
tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu theo quy định của pháp
luật.
2. Nhà ở thuộc tài sản công do Nhà nước bán cho người đang
thuê. Trong đó, nhà ở thuộc tài sản công theo quy định của pháp luật về
nhà ở.
3. Chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, thương mại sau đây:
a)
Dịch vụ cấp tín dụng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín
dụng và các khoản phí được nêu cụ thể tại Hợp đồng vay vốn của Chính phủ
Việt Nam với Bên cho vay nước ngoài.
b) Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.
c)
Kinh doanh chứng khoán bao gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng
khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản
lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán theo quy
định của pháp luật về chứng khoán.
d)
Chuyển nhượng vốn bao gồm chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã
đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không
thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng
quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của
pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để
sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa
vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật. Chuyển nhượng vốn
quy định tại điểm này không bao gồm chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài
sản.
đ) Bán nợ bao gồm bán khoản phải trả và khoản phải thu, bán
chứng chỉ tiền gửi giữa người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.
e) Kinh doanh ngoại tệ.
g)
Sản phẩm phái sinh theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng,
pháp luật về chứng khoán và pháp luật về thương mại, bao gồm: hoán đổi
lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn mua,
chọn bán và sản phẩm phái sinh khác.
h) Bán tài sản bảo đảm của
khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ
thành lập có chức năng mua, bán nợ để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín
dụng Việt Nam.
Bộ Tài chính quy định chi tiết các dịch vụ kinh
doanh chứng khoán và chuyển nhượng chứng khoán quy định tại điểm c và
điểm d khoản này.
5. Dịch vụ tang lễ bao gồm dịch vụ cho thuê nhà
tang lễ, xe ô tô phục vụ tang lễ, táng người chết dưới các hình thức, di
chuyển mộ, chăm sóc mộ và phải do các cơ sở có chức năng kinh doanh
dịch vụ tang lễ cung cấp.
6. Hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng
bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo (chiếm từ
50% tổng số vốn sử dụng cho công trình trở lên; trường hợp nguồn vốn
đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo chiếm dưới 50% tổng số
nguồn vốn sử dụng cho công trình thì toàn bộ giá trị công trình thuộc
đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng) đối với các di tích lịch sử - văn
hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình
phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã
hội. Trong đó:
a) Nguồn vốn đóng góp của nhân dân bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân.
b)
Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định tại khoản này
thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
c) Công
trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng là công trình không phục vụ mục
đích kinh doanh, không thu tiền. Công trình quy định tại điểm này được
thực hiện theo quy định tại điểm 2 Mục I và Mục III Phụ lục I ban hành
kèm theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính
phủ quy định chi tiết về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo
trì công trình xây dựng.
d) Đối tượng chính sách xã hội quy định
tại khoản này bao gồm: người có công theo quy định của pháp luật về
người có công; đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà
nước; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp khác theo quy
định của pháp luật.
7. Hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định
của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp các cơ sở
dạy học, dạy nghề có các khoản thu hộ, chi hộ thì thuộc đối tượng không
chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân
cung cấp cho các cơ sở dạy học, dạy nghề phải chịu thuế giá trị gia tăng
theo quy định.
8. Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí,
bản tin, đặc san, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn
bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật, sách phục vụ thông tin đối
ngoại, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên
truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ
liệu điện tử; tiền, in tiền. Trong đó:
a) Sách chính trị là sách
tuyên truyền đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước phục vụ nhiệm vụ
chính trị theo chuyên đề, chủ đề, phục vụ các ngày kỷ niệm, ngày truyền
thống của các tổ chức, các cấp, các ngành, địa phương; các loại sách
thống kê, tuyên truyền phong trào người tốt việc tốt; sách in các bài
phát biểu, nghiên cứu lý luận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
b)
Sách giáo khoa là sách dùng để giảng dạy và học tập trong tất cả các cấp
từ mầm non đến trung học phổ thông (bao gồm cả sách tham khảo dùng cho
giáo viên và học sinh phù hợp với nội dung chương trình giáo dục).
c) Giáo trình là sách dùng để giảng dạy và học tập trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
d) Sách văn bản pháp luật là sách in các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
đ)
Sách khoa học - kỹ thuật là sách dùng để giới thiệu, hướng dẫn những
kiến thức khoa học, kỹ thuật có quan hệ trực tiếp đến sản xuất và các
ngành khoa học, kỹ thuật.
e) Sách in bằng chữ dân tộc thiểu số bao gồm cả sách in song ngữ chữ phổ thông và chữ dân tộc thiểu số.
g)
Tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động là tranh, ảnh, áp phích, các
loại tờ rơi, tờ gấp phục vụ cho mục đích tuyên truyền, cổ động, khẩu
hiệu, ảnh lãnh tụ, Đảng kỳ, Quốc kỳ, Đoàn kỳ, Đội kỳ.
9. Vận
chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện, phương tiện thủy nội
địa thực hiện nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh có
các điểm dừng đón, trả khách.
10. Máy móc, thiết bị, phụ tùng,
vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng
trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy
móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật
tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành
hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; máy bay, trực thăng,
tàu lượn, giàn khoan, tàu thuyền thuộc loại trong nước chưa sản xuất
được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của
nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê. Trong đó:
Danh
mục máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước đã sản
xuất được để làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được
cần nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và
phát triển công nghệ; Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế,
phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước đã sản
xuất được làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần
nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu
khí; Danh mục máy bay, trực thăng, tàu lượn, giàn khoan, tàu thuyền
thuộc loại trong nước đã sản xuất được làm cơ sở phân biệt với loại
trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của
doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh
doanh, cho thuê do Bộ Tài chính ban hành.
11. Hàng hóa nhập khẩu
trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại. Hàng hóa,
dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ
nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Trong đó:
a) Hàng
hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn
lại là hàng hóa viện trợ theo quy định của pháp luật về tiếp nhận, quản
lý và sử dụng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.
b) Hàng
hóa, dịch vụ mua trong nước để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn
lại cho Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế phải
có văn bản gửi cho cơ sở bán hàng trong đó ghi rõ tên của tổ chức, cá
nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế mua hàng hóa, dịch vụ để viện trợ nhân
đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, số lượng hoặc giá trị hàng
hóa, dịch vụ mua và phải có xác nhận của các cơ quan, đơn vị có thẩm
quyền nhận viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại. Các cơ quan, đơn
vị nhận viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại có trách nhiệm xác
nhận theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế.
12.
Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập
khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập
khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất,
gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua
bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế
quan với nhau. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài của công ty cho thuê tài
chính được vận chuyển thẳng vào khu phi thuế quan để cho doanh nghiệp
trong khu phi thuế quan thuê tài chính. Khu phi thuế quan thực hiện theo
quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Chuyển
giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển
nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; sản
phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật về công
nghệ thông tin, pháp luật về công nghiệp công nghệ số và pháp luật liên
quan. Trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyến nhượng quyền sở hữu trí
tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì cơ sở kinh doanh phải
tách riêng giá trị công nghệ chuyển giao, giá trị quyền sở hữu trí tuệ
chuyển nhượng để xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng;
trường hợp không tách riêng được thì toàn bộ giá trị hợp đồng thuộc đối
tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Sản phẩm xuất khẩu là tài
nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản
phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản
phẩm khác theo định hướng của nhà nước về không khuyến khích xuất khẩu,
hạn chế xuất khẩu các tài nguyên, khoáng sản thô được quy định tại Danh
mục (Phụ lục I, Phụ lục II) ban hành kèm theo Nghị định này.
Đối
với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến
thành sản phẩm khác cần khuyến khích xuất khẩu, có giá trị gia tăng cao
theo xác định và đề xuất của Bộ Công Thương thì Bộ Tài chính chủ trì
phối hợp với các bộ liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp sau:
a)
Quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -
xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân trong định mức miễn thuế
nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
b)
Quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của
pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước
ngoài cho cá nhân Việt Nam; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo
tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao và tài sản di chuyển trong định mức miễn
thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu.
c) Hàng hoá trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
d)
Hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng, chống, khắc phục hậu quả
thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh là hàng hóa ủng hộ, tài trợ
được các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp nhận. Các cơ
quan, tổ chức tiếp nhận có trách nhiệm ban hành văn bản tiếp nhận theo
đề nghị của tổ chức, cá nhân ủng hộ, tài trợ.
đ) Hàng hóa mua bán,
trao đổi để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới thuộc
Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới theo quy định
của pháp luật và trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của
pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
e) Di vật, cổ vật,
bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa do cơ
quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu bao gồm cả trường hợp ủy quyền và
ủy thác nhập khẩu.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu
thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều này không được khấu trừ, không
được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ không chịu
thuế giá trị gia tăng, trừ trường hợp áp dụng mức thuế suất 0% quy định
tại khoản 1 Điều 9 của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Nghị định số 181/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Nguồn: baochinhphu.vn (01/07/2025)