Đề nghị sớm phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện
Sáng 08/10, Uỷ ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến
sơ kết công tác dân tộc 9 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng
cuối năm 2021. Đồng chí Hầu A Lềnh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ
nhiệm Uỷ ban Dân tộc chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí Tỉnh
ủy viên: Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vi Văn Sơn – Trưởng Ban Dân tộc
tỉnh; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị tại
điểm cầu Nghệ An
Năm 2021, cả nước có 3.434 xã
thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và
1.551 xa khu vực III.
Thời gian qua, công tác dân tộc
và thực hiện chính sách dân tộc luôn được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các tỉnh, thành
phố quan tâm, chỉ đạo triển khai. Mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030 chưa được phê duyệt, song Ban Dân tộc và cơ quan công tác dân tộc các
tỉnh, thành phố đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chuẩn bị các điều kiện liên
quan để thực hiện Chương trình. Hiện, Ban Dân tộc các tỉnh, thành đang tham mưu
UBND tỉnh rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn và cam kết giải ngân vốn đầu tư công
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân
tộc thiểu số năm 2021, 2022.
Bên cạnh thực hiện các Chương trình,
chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương vùng
dân tộc thiểu số và miền núi còn ban hành các chính sách đặc thù riêng của địa
phương, như: Chính sách hỗ trợ học phí và trợ cấp xã hội cho học sinh là người
dân tộc thiểu số các cấp; chính sách về chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ công tác
tại các trạm y tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách hỗ trợ mua bảo
hiểm y tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội khó khăn; chính sách hỗ trợ, tặng quà cho hộ dân tộc thiểu số
tiêu biểu; chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá của các đại biểu,
tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi 9 tháng đầu năm 2021 cơ bản ổn
định: An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các hoạt động tôn
giáo đúng pháp luật… Đặc biệt, mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến
tiến độ thực hiện các chính sách dân tộc, một số nhiệm vụ phải điều chỉnh kế
hoạch cho phù hợp thực tiễn; cùng với thiên tai làm đời sống của bà con dân gặp
không ít khó khăn… nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của cấp uỷ, chính quyền các
cấp và bằng tinh thần đoàn kết, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được
bà con vùng dân tộc thiểu số thực hiện tốt, góp phần quan trọng trong việc kiểm
soát, khống chế dịch bệnh; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số và các vấn đề
an sinh xã hội trên địa bàn miền núi tiếp tục được quan tâm đảm bảo.
Xác định công tác dân tộc là
công tác quan trọng, thường xuyên, phát biểu ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo các
tỉnh, thành đã báo cáo tình hình, kết quả triển khai công tác dân tộc của địa
phương; đồng thời, đề xuất một số nội dung liên quan đến chính sách phát triển
vùng dân tộc thiểu số. Theo các đại biểu, thực hiện chính sách phát triển dân
tộc nên tập trung nguồn lực để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, từ mô
hình xây dựng lên các tổ hợp tác, hợp tác xã, đây là giải pháp thiết thực để
đưa kinh tế vùng dân tộc thiểu số phát triển một cách thực chất nhất.
Đa số các ý kiến đề nghị Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát
triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Cùng với đó, đề nghị Chỉnh phủ, Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành sớm ban hành
chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. Một số ý kiến đề
nghị ban hành tiêu chí để xác định các xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; có
hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với các xã, thôn
không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã đạt
chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đ/c Vi Văn Sơn – Trưởng Ban Dân tộc
tỉnh phát biểu tại hội nghị
Tại Nghệ An, Trưởng Ban Dân tộc
tỉnh Vi Văn Sơn cho biết: Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định. Đồng bào dân
tộc trên địa bàn tỉnh tập trung chăm lo sản xuất, phòng chống dịch COVID-19.
Đối với việc chuẩn bị triển
khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thẳng thắn
thừa nhận đang lúng túng và lo lắng về việc triển khai Chương trình vì văn bản
hướng dẫn của cấp trên có nội dung chưa thống nhất, có nội dung chưa kịp thời.
Đồng thời, bày tỏ sự lo lắng sau khi được phê duyệt nguồn vốn để thực hiện
Chương trình thì việc triển khai các chính sách sao cho đồng bộ, đúng với chỉ
đạo của Trung ương.
Tại Nghệ An, công tác dân tộc, chính
sách phát triển dân tộc được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai (trong ảnh đoàn
công tác UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm trưởng đoàn đến
thăm bà con dân tộc tại bản Yên Hoà, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn vào tháng 02/2020)
Kiến nghị tại hội nghị, Trưởng
Ban Dân tộc tỉnh đề nghị Uỷ ban Dân tộc tham mưu Chính phủ bố trí kinh phí để
Ban Dân tộc các tỉnh có kinh phí đi thăm các đơn vị đứng chân trên địa bàn miền
núi, đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức đánh giá rà soát 5 năm thực hiện Đề án
phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong
tình hình mới; kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân mắc
COVID-19 là người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã giải đáp cụ thể một số vấn đề
được đại biểu quan tâm tập trung cho ý kiến. Trong đó, đối với Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030, hiện nay Uỷ ban Dân tộc đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu
khả thi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã
xây dựng xong dự thảo Nghị định quản lý đầu tư Chương trình đang trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt. Uỷ ban Dân tộc cũng đã hoàn thiện việc xây dựng dự
thảo Quyết định nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ làm cơ sở cho các địa
phương thực hiện việc phân bổ nguồn ngân sách Trung ương, cũng như nguồn ngân
sách địa phương. Tuy nhiên, nội dung này rất khó, bởi Chương trình có 10 dự án
thành phần liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn, mỗi dự án
lại khác nhau. Bởi vậy, việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phải hết
sức kỹ lưỡng và không thể có một nguyên tắc, tiêu chí cho cả Chương trình được
mà sẽ xây dựng riêng cho từng dự án.
Trong số dự án của Chương
trình, Uỷ ban Dân tộc chỉ chủ trì một số dự án, cơ bản các dự án còn lại do các
Bộ, các địa phương chủ trì thực hiện nên việc xây dựng các thông tư, văn bản hướng
dẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sớm về mặt thời gian.
Đối với việc tổ chức bộ máy quản
lý Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho hay: Tại Kỳ họp thứ nhất,
Quốc hội khoá XV đã có yêu cầu tích hợp 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là xây
dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân
tộc thiểu số và miền núi để thành lập một bộ máy quản lý cấp Trung ương. Hiện
nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết
định phê duyệt thành lập bộ máy quản lý Chương trình cấp Trung ương. Theo đó, Uỷ
ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm hướng dẫn mô hình quản
lý này xuống các địa phương, các địa phương sẽ phải kiện toàn để thống nhất một
cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia chung để tạo sự đồng bộ, thống
nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương thực hiện có hiệu quả các Chương
trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Phan Quỳnh