Phát triển sản phẩm du lịch Nghệ An gắn với thương hiệu du lịch quốc gia trong liên kết vùng du lịch Bắc Trung Bộ
Chiều 29/11,
Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh phối hợp với Quỹ Hỗ trợ
phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị phát
triển sản phẩm du lịch Nghệ An gắn với thương hiệu du lịch quốc gia trong liên
kết vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Trùng Khánh
– Cục trưởng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo
các Hội, Hiệp hội du lịch.
Quang cảnh hội nghị
Nghệ An với diện tích lớn nhất Việt Nam, nằm ở vị trí
trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, sở hữu nhiều tiềm năng tự nhiên và văn hóa đặc
sắc, là điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc gia. Tỉnh nổi bật với đường bờ biển dài hơn 82 km và nhiều bãi biển đẹp như Cửa
Lò, Cửa Hội, Diễn Thành, Bãi Lữ, rất thích hợp để phát
triển du lịch nghỉ dưỡng và thể thao dưới nước. Ngoài ra, rừng quốc gia Pù Mát
thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận, là nơi lý
tưởng để phát triển du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên. Các dòng sông
như sông Lam, sông Hiếu cùng hệ thống hồ tự nhiên tạo nên cảnh quan thơ mộng,
mở ra cơ hội cho các loại hình du lịch sinh thái và đường thủy.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du
lịch tỉnh Nguyễn Mạnh Lợi phát biểu khai mạc hội nghị
Ngoài tiềm năng thiên nhiên phong phú, Nghệ An còn là
vùng đất giàu di sản văn hóa - lịch sử. Đây là
quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với các
địa điểm nổi tiếng như làng Sen, Khu di tích Kim Liên, nghệ thuật hát ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn
hóa phi vật thể của nhân loại, cùng với các lễ hội truyền thống và văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số cũng là yếu tố
thu hút du khách yêu thích khám phá bản sắc văn hóa; phát triển du lịch cộng đồng và nông nghiệp. Hạ tầng giao thông thuận
lợi với sân bay Vinh, cảng biển Cửa Lò, cửa khẩu quốc tế với nước CHDCND Lào,
hệ thống đường bộ và đường sắt hiện đại, đây là
những điều kiện lý tưởng để du lịch Nghệ An phát triển và kết nối với các tỉnh trong và ngoài khu vực cũng như
các nước láng giềng ASEAN.
Trong 11 tháng đầu năm
2024, lượng khách du lịch đến với Nghệ An đạt 9.110.000 lượt, bằng 114%
so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách lưu trú đạt 5.740.000 lượt, bằng 113%
so với cùng kỳ năm 2023; khách quốc tế đạt 107.200 lượt, bằng 154%
so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 27.841 tỷ đồng, trong đó doanh
thu du lịch ước đạt 10.865 tỷ
đồng.
Đối với du lịch liên kết chính là yêu
cầu khách quan để phát triển. Liên kết giúp mở rộng không gian du lịch, phát
huy lợi thế của các bên để hình thành sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi
thế cạnh tranh, tạo sức mạnh cho việc quảng bá chung điểm đến, thu hút đầu tư
và thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế liên vùng. Các địa phương vùng Bắc Trung bộ đều
sở hữu đa dạng các loại địa hình đồng bằng, đồi núi, trung du với nhiều thác
nước, hang động, bãi biển đẹp,... thích hợp phát triển đầy đủ các loại hình du
lịch.
Thời gian qua, Nghệ An
đã đẩy mạnh truyền thông, tạo dựng hình ảnh “Nghệ An điểm đến văn hóa, thiên
nhiên và lịch sử”, tỉnh đã quảng bá hình ảnh du lịch qua các kênh truyền thông,
sự kiện du lịch Quốc gia và Quốc tế. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng
dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch mới. Đồng thời
chú trọng các hoạt động liên kết vùng Bắc Trung bộ, hợp tác xây dựng tour liên
tỉnh để tạo ra các tuyến du lịch kết nối di sản, khai thác loại hình di sản
thiên nhiên và văn hóa. Xây dựng các tour du lịch xuyên suốt kết nối các tỉnh
Bắc Trung Bộ như: Nghệ An - Hà Tĩnh (quê hương Đại thi hào Nguyễn Du) - Quảng
Bình (hang Sơn Đoòng, động Phong Nha - Kẻ Bàng) - Thanh Hóa (di sản Thành Nhà
Hồ) và Ninh Bình (Tràng An)… Tổ chức đón các đoàn Famtrip các tỉnh khảo sát
đánh giá và liên kết, kết nối sản phẩm. Hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan
xúc tiến du lịch các địa phương nhằm quảng bá chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm
phát triển như tổ chức các sự kiện liên vùng, tạo ra các gói sản phẩm ưu đãi
liên tỉnh nhằm khuyến khích du khách khám phá toàn vùng.
Hội nghị Phát
triển sản phẩm du lịch Nghệ An gắn với thương hiệu du lịch Quốc gia trong vùng
du lịch Bắc Trung Bộ là cơ hội để
các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trao đổi, đề xuất các giải pháp
hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của du lịch vùng Bắc Trung Bộ nói
chung và Nghệ An nói riêng, gắn với thương hiệu du lịch Quốc gia, qua đó tạo
sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch vùng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Tổng giám đốc Vietravel
Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị tỉnh Nghệ An kết nối với các địa phương trên hành trình
đường sắt từ Vinh – Hà Nội, Vinh – Huế để hành trình trên các chuyến tàu trở
thành hành trình đáng nhớ
Giám đốc Trung tâm Điều
phối du lịch miền tây Nghệ An Vi Thị Thắm đề nghị tăng cường xúc tiến và quảng
bá du lịch miền Tây Nghệ An
Theo các đại biểu, để đưa du lịch Nghệ An
phát triển cần phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, thân thiện
với môi trường; phát triển sản phẩm du lịch lịch sử, tâm linh. Xây dựng những
sản phẩm du lịch đậm chất xứ Nghệ. Tăng cường công tác truyền thông, chuyển tải
những thông điệp về mảnh đất, con người xứ Nghệ trên các phương tiện giao thông
như máy bay…
Chi hội trưởng Chi hội
Lữ hành Nghệ An Tạ Khắc Uyên đề nghị cần phát triển du lịch từ “tâm
và chuyên nghiệp”; tăng cường quảng bá du lịch trên các mạng xã hội. Việc liên
kết vùng du lịch Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh là điều kiện tiên quyết để phát
triển du lịch của các tỉnh
Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu
Phát biểu kết
luận hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị tỉnh Nghệ An cần
phải phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, định vị thương
hiệu du lịch Nghệ An trong vùng Bắc Trung Bộ. Đồng thời chú trọng phát triển các
sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn
hóa truyền thống và đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những trải
nghiệm thực sự ấn tượng cho du khách. Xây dựng hình ảnh
“Nghệ An - điểm đến của di sản, thiên nhiên và trải nghiệm cộng
đồng” nhằm tạo dấu ấn riêng trong bản đồ du lịch Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, cần đẩy
mạnh liên kết với các tỉnh trong khu vực nhằm tận
dụng lợi thế vùng, tạo sức mạnh tổng thể để phát triển du lịch bền vững. Ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo,
phát triển du lịch thông minh và khai thác các mô hình du lịch sáng tạo, kết
hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ số. Đẩy mạnh phát triển và đào tạo nguồn nhân
lực, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên địa phương với kiến
thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử…
PT