Không phải
ai cũng đủ may mắn để tránh khỏi bệnh tật. Nhưng với một tấm thẻ nhỏ
màu xanh, nhiều người bệnh đã vượt qua được những “cơn bão tài chính”
lên đến hàng tỷ đồng. Bảo hiểm y tế không chỉ là một chính sách, mà là
sợi dây an sinh nhân văn, kết nối niềm tin và sự sống cho hàng triệu
người Việt.
BHYT – “Ân nhân” giữa hành trình sinh tử
Một
ngày giữa tháng 6/2024, chị B.T.H.H (sinh năm 1979) được đưa vào Bệnh
viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch: sốt xuất
huyết nặng, hội chứng suy hô hấp cấp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy
thận, chảy máu tiêu hóa và sốc nhiễm khuẩn. Danh sách chẩn đoán dài như
một bảng thống kê khẩn cấp. Mỗi loại bệnh kéo theo một phác đồ điều trị,
và dĩ nhiên, là những con số khổng lồ về viện phí.
Trong
suốt 48 ngày nằm viện, tổng chi phí điều trị cho chị H lên tới gần 1,7
tỷ đồng – một khoản tiền nằm ngoài khả năng chi trả của phần lớn người
lao động tự do có thu nhập thấp như chị. Nhưng thật may mắn, chị có tấm
thẻ BHYT trong tay. “Thú thực, nếu không có BHYT, có lẽ tôi đã buông
xuôi từ ngày đầu tiên. Tiền ăn còn lo từng bữa thì lấy đâu ra tiền viện
phí? Chính BHYT đã cho tôi cơ hội sống”, chị H xúc động chia sẻ sau khi
xuất viện.
Trường hợp của chị N.T.L
(sinh năm 1993) cũng mang đậm tính biểu tượng cho giá trị sống còn của
BHYT. Một tai nạn bỏng xăng khiến chị bị bỏng nặng tới 80% cơ thể, trong
đó có 58% độ III và IV, kèm bỏng hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa
tạng... 34 ngày điều trị không chỉ là cuộc chiến sinh tử của các bác sĩ,
mà còn là cuộc chiến với chi phí.
Tổng số tiền điều trị: hơn 1,3 tỷ đồng. Nhưng nhờ có thẻ BHYT, chị đã được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT.
“Không ngờ là mình có thể sống sót mà không để lại một gánh nặng khổng
lồ cho cha mẹ. Tấm thẻ BHYT lúc đó chẳng khác gì một phép màu”, chị L
nói trong lần tái khám đầu tiên sau xuất viện.
Đó
chỉ là hai trong hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện cảm động mà mỗi ngày
ngành BHXH đang ghi lại trên hành trình bảo vệ sức khỏe người dân. Không
ồn ào, không phô trương, nhưng BHYT đang thầm lặng gánh vác những phần
việc tưởng chừng không ai gánh nổi.
Phó
Giám đốc BHXH khu vực I Nguyễn Thị Tám chia sẻ: “Những ca bệnh như chị
H, chị L không phải là hiếm. Hàng năm, chúng tôi ghi nhận hàng chục ngàn
trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo được BHYT chi trả từ hàng trăm
triệu đến hàng tỷ đồng. Có bệnh nhân được quỹ thanh toán đến 3,7 tỷ đồng
cho một đợt điều trị duy nhất”.
Chỉ
tính riêng năm 2024, toàn thành phố Hà Nội có 13,2 triệu lượt khám chữa
bệnh BHYT, với số tiền chi trả lên tới 25.765 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu
năm 2025, đã có hơn 6 triệu lượt người được BHYT đảm bảo quyền lợi,
tổng số tiền chi trả vượt 13.000 tỷ đồng.
Tính
đến nay, số người tham gia BHYT trên địa bàn Hà Nội là hơn 8,17 triệu
người, đạt tỷ lệ bao phủ 95,51% dân số, cao nhất cả nước. Từ con số
khiêm tốn 520.000 người vào năm 1995, đến nay số người tham gia đã tăng
gấp 14,8 lần – phản ánh nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống BHXH, y tế, chính
quyền và người dân.
Tại một buổi lễ
trao tặng thẻ BHYT cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Bạch Mai gần đây,
bà Nguyễn Thị Tám đã trực tiếp trao những tấm thẻ đến tay người bệnh.
Cùng phối hợp với Công ty Điện lực Hoài Đức, chương trình chỉ trao 5 tấm
thẻ – nhưng mang theo cả tấm lòng của cộng đồng.
“Tôi
mong người bệnh hãy yên tâm điều trị. Tấm thẻ BHYT sẽ giúp bà con vơi
bớt nỗi lo viện phí để giữ tinh thần lạc quan, phục hồi nhanh chóng”, bà
Tám chia sẻ.
Chính sách BHYT không
dừng lại ở việc chia sẻ rủi ro giữa người bệnh với nhà nước, mà đã trở
thành một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. Từ
việc hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi đến
học sinh, sinh viên, người cao tuổi… chính sách BHYT đã phủ rộng đến
từng hộ gia đình, từng ngõ nhỏ, bản xa.
Bảo
hiểm y tế không chỉ là một chính sách, mà là sợi dây an sinh nhân văn,
kết nối niềm tin và sự sống cho hàng triệu người Việt. Ảnh minh họa
Hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân bền vững
Chia
sẻ thêm, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết: “Mỗi ngày ở
Bạch Mai, chúng tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân từ vùng sâu, vùng xa,
hoàn cảnh khó khăn, chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu. Nếu không
có BHYT, họ chắc chắn không thể tiếp tục điều trị đến cùng”.
BHYT
không chỉ giúp người bệnh vượt qua giai đoạn nguy kịch, mà còn bảo vệ
sự ổn định kinh tế của cả gia đình. Một lần bệnh nặng có thể khiến cả
gia đình rơi vào cảnh nợ nần, nghèo đói. Nhưng một tấm thẻ BHYT – với
mức đóng chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi năm – lại có thể cứu cả một gia
đình khỏi kiệt quệ.
Hệ thống y tế
ngày càng hiện đại, các kỹ thuật tiên tiến, thuốc đắt tiền, máy móc hiện
đại… đều nhanh chóng được cập nhật và quỹ BHYT sẵn sàng chi trả. Người
bệnh không còn phải “đo đếm” từng toa thuốc hay “né” các dịch vụ kỹ
thuật cao vì lo chi phí.
Không chỉ là
một loại hình bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện, BHYT ngày nay là thước
đo của văn minh xã hội. Một quốc gia chỉ thực sự an sinh khi người dân
không phải lo sợ bệnh tật vì... không đủ tiền chữa trị. Và Việt Nam đang
dần tiến đến đích ấy, với từng tấm thẻ BHYT được phát ra mỗi ngày.
Phó
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cũng nhấn mạnh: “Mỗi đồng
đóng BHYT hôm nay là một khoản tích lũy cho sức khỏe trong tương lai.
Quan trọng hơn, đó là đóng góp cho cả cộng đồng – nơi người khỏe san sẻ
cho người yếu, người giàu chia sẻ với người khó khăn”.
Thời
gian tới, toàn ngành BHXH tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ:
đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng nhóm đối tượng tham gia, hỗ trợ người yếu
thế tiếp cận chính sách, và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để nâng
cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời, huy động thêm các nguồn lực xã
hội hóa để trao tặng thẻ BHYT cho người nghèo, người bệnh không có khả
năng chi trả.
Mục tiêu BHYT toàn dân
không còn là viễn cảnh xa vời – mà là một tương lai đang dần hiện hữu.
Một tương lai mà ở đó, mọi người dân Việt Nam đều có cơ hội được chữa
bệnh – bất kể họ là ai, sống ở đâu, có bao nhiêu tiền. BHYT – bốn chữ
tưởng chừng khô khan, nhưng trong hàng triệu câu chuyện đời thực – đó là
lòng nhân ái, là sự sẻ chia, là hành động tử tế của cả một quốc gia
dành cho chính người dân của mình./.
Cổng TTĐT BHXH Việt Nam