Xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của huyện Yên Thành
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 19/1 về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Yên Thành đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thúc đẩy nông nghiệp huyện Yên Thành phát triển nhanh, bền vững
Việc thực hiện Đề án nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) góp phần thúc đẩy nông nghiệp huyện Yên Thành phát triển nhanh, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của huyện; gắn phát triển nông nghiệp với chế biến, bảo quản và phát triển du lịch sinh thái tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là giai đoạn 2021 – 2025, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng CNC trên các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của huyện như: Lúa, cây ăn quả (cam, bưởi), chăn nuôi (gà, lợn, bò), cây lâm nghiệp. Cụ thể, vùng sản xuất lúa khoảng 6.100ha - 6.500 ha; vùng sản xuất lúa giống khoảng 1.000 ha; vùng sản xuất lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao khoảng 4.500 - 4.900 ha; vùng sản xuất lúa VietGap, lúa hữu cơ khoảng 500-600 ha.
Vùng cam khoảng 200 ha; vùng bưởi khoảng 50 ha. Phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh, rừng trồng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC, PEFC) và công nghiệp chế biến lâm sản. Đến năm 2025 phấn đấu diện tích rừng trồng có chất lượng cao được cấp chứng chỉ rừng bền vững khoảng 6.000 ha. Xây dựng 1 cơ sở ươm tạo giống CNC cho cây lâm nghiệp (khoảng 10 ha). Tổng số trang trại chăn nuôi ứng dụng CNC đạt tối thiểu 30% tổng số trang trại (72/240 trang trại chăn nuôi tập trung). Hỗ trợ đầu tư xây dựng 2-3 cơ sở (quy mô nhỏ đến trung bình) về sơ chế, bảo quản rau, hoa quả và các sản phẩm nông sản khác. Hỗ trợ đầu tư xây dựng 02 cơ sở chế biến gỗ. Xây dựng 2-3 cơ sở phân phối sản phẩm nông nghiệp.
Giai đoạn 2026 – 2030, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đạt 75-80% (18.000-19.000 ha); xây dựng được các vùng sản xuất lúa hữu cơ (2-3 vùng), diện tích sản xuất lúa hữu cơ tăng thêm từ 50-60% (1.000-1.200 ha). Cây có múi khoảng 400 ha cam và khoảng 100 ha bưởi. Xây dựng sản phẩm OCOP hạng 3-4 sao cho sản phẩm cam, bưởi, lúa gạo hữu cơ Yên Thành. Hỗ trợ đầu tư xây dựng từ 01- 02 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung áp dụng quy trình giết mổ treo. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng giá trị sản xuất Nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 70-75% so với tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tỷ trọng ứng dụng CNC trong trồng trọt là 75-80%, chăn nuôi là 60-65%, lâm nghiệp là 30-35%...
Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của huyện
7 nhiệm vụ chủ yếu được UBND tỉnh đặt ra để đạt được các mục tiêu trên gồm: Xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Yên Thành. Xác định nhiệm vụ ứng dụng CNC cho từng lĩnh vực. Xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Phát triển các cơ sở nông nghiệp ứng dụng CNC. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng CNC trong bảo quản, sơ chế và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế của huyện, có tính cạnh tranh cao, có công nghệ ứng dụng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa năng suất chất lượng cao áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao thuộc các xã như: Thọ Thành, Hồng Thành, Phú Thành, Hợp Thành, Hoa Thành, Văn Thành, Nhân Thành, Long Thành, Khánh Thành... khoảng 6.100-6.500 ha. Vùng sản xuất lúa giống ứng dụng CNC trên địa bàn các xã: Liên Thành, Công Thành, Hoa Thành, Thọ Thành... khoảng 1.000 ha. Vùng sản xuất lúa hữu cơ/VietGahp tại các xã như: Liên Thành, Minh Thành, Hoa Thành, Thọ Thành, Lăng Thành, Tân Thành, Bảo Thành... khoảng 1.000 ha. Vùng trồng thâm canh cam, bưởi trên địa bàn các xã: Đồng Thành, Minh Thành, Tiến Thành, Đại Thành, Tây Thành, Quang Thành, Thịnh Thành, Lý Thành, Tăng Thành, Xuân Thành... khoảng 400 ha cam và 100 ha bưởi. Vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tập trung thuộc các xã: Bảo Thành, Tân Thành, Đô Thành, Lăng Thành, Quang Thành, Phúc Thành, Trung Thành, Liên Thành, Vĩnh Thành... số lượng 11.500 con.
Xây dựng khu trang trại phát triển đàn lợn ngoại thuộc các xã: Tân Thành, Khánh Thành, Văn Thành, Thọ Thành, Phú Thành, Thịnh Thành, Mỹ Thành, Đại Thành, Quang Thành, Liên Thành... khoảng 20 ha, số lượng khoảng 59.800 con. Vùng phát triển các khu trang trại chăn nuôi gà, thuộc các xã: Tiến Thành, Phúc Thành, Tây Thành, Quang Thành, Kim Thành, Thịnh Thành, Đồng Thành,Vĩnh Thành... với diện tích 20 ha, số lượng khoảng 1.350.000 con. Khu trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn chất lượng cao, cây bản địa... tại các xã: Tiến Thành, Lăng Thành, Kim Thành, Tân Thành, Mã Thành, Đồng Thành, Quang Thành, Thịnh Thành, Minh Thành, Tây Thành... khoảng 9.000-9.500 ha.
Xây dựng 01 cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp tại xã Xuân Thành; xây dựng 1 nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao ở thị trấn; 1 - 2 cơ sở sơ chế hoa quả ở Đồng Thành, Minh Thành; 02 cơ sở chế biến gỗ ở các xã: Quang Thành, Tân Thành,... cơ sở phân phối sản phẩm nông nghiệp ở các xã: Minh Thành, Công Thành, Thị Trấn, Thọ Thành.
Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp huyện Yên Thành phù hợp với xu thế phát triển và nội dung của đề án
Đề án đưa ra 8 giải pháp thực hiện bao gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của người nông dân hướng đến nền nông nghiệp bền vững, sản xuất tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Khuyến khích, thu hút đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế trong xã hội và quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư. Phát triển nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đào tạo nông dân và lao động nông thôn nâng cao trình độ sản xuất đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường, gắn sản xuất với tiêu thụ một cách bền vững. Giải pháp về chính sách.
Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp huyện Yên Thành giai đoạn 2018-2035, các quy hoạch ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện phù hợp với xu thế phát triển cũng như quan điểm, định hướng, nội dung của đề án để tập trung chỉ đạo thực hiện. Căn cứ quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC để thu hút nguồn vốn, các dự án đầu tư, áp dụng chính sách hỗ trợ, bố trí lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án xây dựng mô hình điểm về nông nghiệp ứng dụng CNC.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các viện, trường Đại học, gắn kết với các tỉnh, địa phương có điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong việc đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước xã hội hoá công tác đào tạo nghề; hỗ trợ kinh phí để khuyến khích các doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ khác... trên địa bàn huyện để thực hiện Đề án, đồng thời huy động tối đa nguồn lực của nhân dân và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Đề án.
Kim Oanh (tổng hợp)