image banner

Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay hệ thống hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng khởi sắc, nhất là hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, kênh mương tưới tiêu, trường lớp, chợ nông thôn, Trạm Y tế… được hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho người dân cải thiện sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Nhiều cách làm hay, sáng tạo về chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và xây dựng các mô hình sản xuất, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Thời gian qua, nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến mạnh. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, một số nhu cầu thiết yếu như: Nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm… được đáp ứng giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tiếp tục được cải thiện và nâng lên; giảm dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Công tác điều phối, phối hợp và phân cấp trong quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã được UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình thực hiện, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan Thường trực Chương trình MTQG, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan luôn trao đổi, phối hợp kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất với cấp trên những vấn đề vượt thẩm quyền. Trách nhiệm và tính chủ động của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Chương trình được nâng lên. Các Bộ, ngành Trung ương đã hướng dẫn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình thực hiện, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình tiếp tục được tăng cường. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời phối hợp cùng các địa phương, cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Chương trình đảm bảo đúng mục tiêu, đạt kết quả theo kế hoạch; đồng thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tính đến hết năm 2022, số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 55.348 hộ, chiếm tỷ lệ 6,41%; số hộ cận nghèo là 53.571 hộ, chiếm tỷ lệ 6,20%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực dân tộc miền núi giảm còn 24,16% (giảm 3,63%/năm so với năm 2021). Mức giảm hộ nghèo đạt 1,39%/KH 1-1,5%; trong đó vùng miền núi giảm 2,45% (từ 17,24% xuống còn 14,79%), các huyện nghèo giảm 4,94%...

Đến hết năm 2023, dự kiến có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 319/411 xã; có thêm 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao toàn tỉnh lền 88/319 xã; có thêm 06 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn tỉnh lên 12 xã…

Tổng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 -2025 đã giao 1.740 dự án/4.931.108 triệu đồng cho 03 Chương trình MTQG. Trong đó, đã giao trong giai đoạn 2021 -2023 là 1.220 dự án/2.214.521 triệu đồng, đã giải ngân 521.866 triệu đồng, đạt tỷ lệ 23,56%.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện Chương trình MTQG giữa các vùng, miền; một số địa phương còn nặng về hình thức, mới quan tâm đến mục tiêu, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng các tiêu chí; nhiều tiêu chí, kết quả thực hiện vẫn còn kém bền vững. Một số nội dung như phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình MTQG chưa đáp ứng yêu cầu; mô hình giảm nghèo chưa nhiều, quy mô còn nhỏ, mức đầu tư thấp…

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo tiến độ và chất lượng theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo thông qua Ban Chỉ đạo các cấp đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan tổ chức có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách, giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình theo đúng quy định quản lý đầu tư công, quản lý ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan để hoàn thành mục tiêu của từng chương trình đặt ra trong giai đoạn 2023 -2025. Tiếp tục thực hiện việc theo dõi, giám sát, đánh giá Chương trình thường xuyên tại các đơn vị, địa phương…

PT (Tổng hợp)

(Nguồn: Báo cáo số 324/BC-UBND ngày 15/4 về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 -2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 – 2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2016 -2030 tỉnh Nghệ An)