image

Nghệ An sẽ triển khai thí điểm xã nông thôn mới thông minh
Chương trình xây dựng nông thôn mới là "không có điểm dừng”, do vậy, sau khi về đích nông thôn mới là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nấc thang mới là nông thôn mới thông minh. Tới đây, Nghệ An sẽ triển khai mô hình điểm về xã nông thôn mới thông minh.

Tín hiệu ở cơ sở

Ngồi làm việc với chúng tôi tại trụ sở UBND xã, nhưng Chủ tịch UBND xã Lăng Thành (Yên Thành) Nguyễn Hồ Sơn thỉnh thoảng vẫn phải xử lý công việc qua điện thoại di động khi có thư báo đến. Anh giải thích, rất nhiều công việc liên quan đến quản lý địa bàn xã hiện nay được thực hiện qua điện thoại, chẳng hạn như việc theo dõi hệ thống camera công cộng, điều hành qua nhóm công việc...

“Hiện nay, địa phương đã đầu tư lắp đặt 32 camera tại các ngã ba, ngã tư để theo dõi tình hình an ninh, trật tự và các hoạt động khác của các xóm. Tới đây, nhiều công việc khác của địa phương cũng áp dụng công nghệ số để quản lý, điều hành. Đây cũng là tiền đề để địa phương thực hiện xã nông thôn mới thông minh”, ông Nguyễn Hồ Sơn chia sẻ.

Thực tế đã cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đa phần cán bộ cấp xã, thôn, xóm đã sử dụng điện thoại thông minh, thiết lập nhóm zalo để trao đổi, điều hành giữa cán bộ xã với cấp thôn, xóm. Đây là những việc làm có thể triển khai trên diện rộng, nên càng có cơ sở để triển khai những việc làm khác theo các chỉ tiêu của nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh.

Anh-tin-bai

Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ tự động trong nhà kính trên địa bàn xã Tăng Thành (Yên Thành). Ảnh: Xuân Hoàng

Rõ nét nhất là tiêu chí phát triển sản xuất theo đúng định hướng của nông thôn mới thông minh đang sôi động khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Phải kể đến là, nhiều chủ trang trại tổng hợp, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các yếu tố nông nghiệp thông minh, hiện đại. Công nhân chỉ cần đổ các bao thức ăn vào một máng lớn phía ngoài khu trại nuôi, hệ thống máy móc tự động sẽ chuyền thức ăn đến từng khu vực chuồng. Đây cũng là cách để cách ly đàn vật nuôi, tránh tiếp xúc với những mầm bệnh do con người mang đến.

Một số trang trại quy mô lớn đã áp dụng hệ thống chăm sóc cảm biến, chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh. Trong các khu nhà lưới, việc sản xuất các loại rau, củ, quả cũng được các nhân công thực hiện một cách thông minh, bằng cách: Lắp hệ thống tưới tự động; việc bón phân cũng được cập nhập vào phần mềm quản lý.

Còn rất nhiều ví dụ điển hình trong sản xuất thông minh đáp ứng tiêu chí nông thôn mới thông minh, trong đó, có camera giám sát công cộng, đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QRCode gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu, tự động hóa trong canh tác, chăm sóc đàn vật nuôi, phát triển thị trường sản phẩm trên không gian mạng...

Tuy nhiên, để nói đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh một cách đúng nghĩa, cần có sự đầu tư một cách đồng bộ, theo từng nội dung cụ thể và có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn.

Sẽ thí điểm xã nông thôn mới thông minh trong năm nay

Đến nay, Nghệ An đã có 309 xã nông thôn mới, 53 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là lợi thế để Nghệ An triển khai thực hiện xã nông thôn mới thông minh. Xã nông thôn mới thông minh là xã thực hiện phát triển sáng kiến số cho cộng đồng sử dụng các kết nối, giải pháp, tài nguyên số và các sáng tạo về nông nghiệp, nông thôn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của xã dựa trên 3 trụ cột: thiết chế, con người, công nghệ, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, hiện nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đang xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình xã nông thôn mới thông minh để trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, mô hình xã nông thôn mới thông minh đầu tiên của Nghệ An sẽ được chọn thực hiện tại một xã trên địa bàn huyện Nam Đàn.

Theo ông Hằng, để triển khai được mô hình xã nông thôn mới thông minh, cần đồng bộ nhiều giải pháp như: "Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các chủ thể phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, phục vụ cho quá trình ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số ở nông thôn… Chính sự hoàn thiện đồng bộ nhằm tạo ra sự kết nối, chia sẻ giữa các cấp, các đơn vị để phục vụ công tác quản lý, giám sát đánh giá quá trình xây dựng và đưa xã nông thôn mới lên tầm cao mới".

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau: Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 (hoặc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016 - 2020, nhưng đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025). Xã có khả năng áp dụng các công nghệ thông tin và công nghệ số và trong lĩnh vực nổi trội (tối thiểu 50% số hộ dân có kết nối internet và có thể vận động, huy động đơn vị cung cấp dịch vụ số).

Xã có cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đảm bảo điều kiện và trình độ để ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và các nền tảng số; 100% cán bộ, công chức của xã sử dụng điện thoại thông minh, có sử dụng hộp thư điện tử công vụ và văn phòng điện tử để phục vụ cho công tác điều hành, chỉ đạo, chia sẻ thông tin và giải quyết nhiệm vụ chuyên môn.

Xã có tỷ lệ dân số theo độ tuổi lao động có thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt tối thiểu 50% đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; tối thiểu 80% đối với các xã còn lại; Chính quyền địa phương sẵn sàng bố trí nguồn lực và cam kết triển khai mô hình xã nông thôn mới thông minh.

Một xã nông thôn mới thông minh cần triển khai thực hiện 6 nhóm chủ đề: Chính quyền điện tử định hướng chính quyền số; hạ tầng số; dịch vụ nông thôn số; kinh tế nông thôn; quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Theo đó, mỗi nội dung đều có những tiêu chí cụ thể.


Xuân Hoàng

Nguồn: Báo Nghệ An (8/6/2023)