image banner
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiệm vụ năm 2023

Sáng nay (13/1), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị

Anh-tin-bai

Các đồng chí chủ trì hội nghị

Tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp cao nhất từ trước tới nay

 Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường toàn cầu bị đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, giá vật tư đầu vào tăng cao nhưng ngành Nông nghiệp đã vượt qua để phục hồi và phát triển toàn diện, đạt được nhiều kết quả mới. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36%, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%, trong đó thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với kế hoạch năm 2022. Tính tới tháng 12/2022, có 6.009/8.225 xã (đạt tỷ lệ 73,06%) đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 937 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu;...

Trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng chuyển đổi hiệu quả hơn, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là đối với cây trồng chủ lực. Hiệu quả sản xuất trên 01 đơn vị diện tích không ngừng tăng qua các năm, trong đó giá trị 01 ha đất trồng trọt năm 2022 đạt 104,2 triệu đồng, tăng 0,6% so với năm 2021.

Lĩnh vực chăn nuôi có nhiều chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo chuỗi sản xuất sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt 7,05 triệu tấn, trong đó thịt lợn tăng 5,9%, gia cầm tăng 4,5% so với năm 2022,... Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 8,6%. Đồng thời, ngành Nông nghiệp thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,03 triệu tấn, tăng 2,7%; trong đó sản lượng khai thác đạt trên 3,86 triệu tấn, giảm 1,8%sản lượng nuôi trồng đạt 5,16 triệu tấn, tăng 6,3%.

Cùng với đó, công tác phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng; tỷ lệ giống được kiểm soát 90%. Thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, diện tích rừng trồng mới tập trung 300 nghìn ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thu trên 3.600 tỷ đồng (tăng 500 tỷ đồng so với năm 2021)…

Anh-tin-bai

Năm 2022, cả nước có 110 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu (Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu vào tháng 11/2022)

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế. Việc khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất...

Tại Nghệ An, năm 2022, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đạt 4,78%, tiếp tục cao nhất vùng Bắc Trung Bộ. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 1,2 triệu tấn. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản đạt trên 487,5 triệu USD. Việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, và các chương trình xóa đói giảm nghèo được triển khai có hiệu quả...

Tại Hội nghị, các đại biểu dự họp và lãnh đạo các địa phương đã thảo luận các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm 2023.

Tiếp tục khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những kết quả mà ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được trong năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phát huy và kế thừa những kết quả đã đạt được; đồng thời bứt phá mạnh mẽ hơn để đạt được những kết quả tốt nhất trong năm 2023.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để tạo không gian, khơi thông các nguồn lực phát triển… với các giải pháp đồng bộ để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu phát triển ngành.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.

Các địa phương tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi... Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác xã, hỗ trợ hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, hướng dẫn và có định hướng cho địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu thị trường. Thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thực phẩm.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành. Thực hiện hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình xây dựng nông thôn mới; gắn kết cơ cấu lại ngành nông nghiệp với phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững

T.H

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image