Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều 15/1, Chính
phủ tổ chức họp Phiên thứ chín của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính
phủ về đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024;
phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hoà Bình –
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ
đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì.
Tham dự hội
nghị có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nội
vụ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ, ban,
ngành Trung ương.
Tham dự tại điểm
cầu tỉnh Nghệ An có đồng chí Bùi Thanh An – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó
Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; lãnh đạo
các Sở, ngành, UBND TP Vinh, các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Các Bộ,
ngành, địa phương đã tích cực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ
trong hệ thống hành chính nhà nước
Năm 2024, cải cách hành chính (CCHC) được xác định là
một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
trong đó, xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà
nước, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công
vụ và thủ tục hành chính (TTHC); tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới
Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, là giải pháp quan trọng nhằm
thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Thể chế được xác định là một trong ba đột phá chiến
lược để xây dựng, phát triển đất nước, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình;
Quốc hội, Chính phủ xác định điểm nghẽn thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm
nghẽn” cần khai thông. Từ đầu năm 2024
đến nay, Chính phủ tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, qua đó
kịp thời chỉ đạo, định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng pháp
luật, kịp thời chỉ đạo các Bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng…
Trong năm, có 05 Bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 125 quy định kinh doanh (QĐKD)
tại 47 văn bản quy pham pháp luật (VBQPPL); 13 bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản
hóa 420 QĐKD tại 36 VBQPPL, nâng tổng số QĐKD được các Bộ, cơ quan cắt giảm,
đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 QĐKD tại 281 VBQPPL trên tổng số
15.763 QĐKD, đạt 20,2% và vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn
2020 - 2025.
Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, đơn
giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, đến nay, đối với các Bộ,
ngành, trong năm đã công bố bổ sung 664 TTHC nội bộ, nâng tổng số TTHC nội bộ
được công bố là 1.968 TTHC.
Trong năm, có 14 Bộ, cơ quan thực thi phương án phân
cấp 191 TTHC tại 33 VBQPPL, nâng tổng số TTHC được phân cấp từ năm 2022 đến nay
là 350/699 TTHC tại 71 VBQPPL (đạt 49%).
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện
quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải
cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết
quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.
Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà
nước các cấp tại 63 tỉnh, thành phố đã tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng
và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức
phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; lũy kế đến nay, đã giảm 13 Sở và
tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương. Kết quả thực
hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của Bộ, ngành, địa phương theo quy
định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 16.149 người (trong đó, Bộ,
ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương
triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, mô
hình tốt, điển hình, như: Đà Nẵng, Bình Phước, Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ
Chí Minh...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa
phương đã nêu rõ những kết quả nổi bật trong Xây dựng và phát triển Chính phủ
điện tử, Chính phủ số; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia; kết quả sắp xếp các đơn
vị hành chính trong thời gian qua; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết
TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp… Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp
để thực hiện đạt kết quả nổi bật trong công tác CCHC thời gian tới, góp phần
phát triển kinh tế - xã hội.
Cương quyết
xử lý, điều chuyển vị trí công tác đối với những trường hợp có dư luận không
tốt trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Thanh An – Phó
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 03 VBQPPL để hoàn
thiện thể chế về hoạt động kiểm soát thực hiện quy định TTHC; ban hành Chỉ thị
về việc đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC,
cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để đôn
đốc giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và
khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giải quyết TTHC. Đồng thời, trình HĐND
tỉnh ban hành Nghị quyết giảm 40% phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực
tuyến đối với 41 TTHC (riêng nhóm TTHC ngành GD&ĐT đã tiết kiệm cho người
dân với số tiền 1,39 tỷ đồng/năm); Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối
với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp trên địa
bàn tỉnh để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên
tâm công tác, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hướng
dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đẩy mạnh phân
cấp trong các cơ quan hành chính nhà nước ở một số lĩnh vực như: Xây dựng, Nông
nghiệp, Nội vụ, Tài chính,... đồng thời, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, người
đứng đầu cơ quan chuyên môn giải quyết một số TTHC thuộc thẩm quyền của UBND
tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh
thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và giải quyết kịp thời, có hiệu quả
các công việc của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành,
địa phương đồng bộ 100% trạng thái hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống
thông tin giải quyết TTHC cấp Bộ, cấp tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Cấp uỷ, chính quyền đã quyết liệt chỉ đạo và sự sáng
tạo, bản lĩnh trong tổ chức thực hiện nên đến nay, các mục tiêu của Đề án 06
trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đạt được kết quả tốt, đồng thời khẳng định Đề án 06
là “điểm sáng” trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tiếp nhận, xử
lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phản ánh kiến nghị về quy định, TTHC; ban
hành văn bản chấn chỉnh việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC về đất đai của
UBND cấp huyện... Các Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập hoạt động có
hiệu quả, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ
tịch UBND tỉnh thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ
việc, rõ thời gian. Cương quyết xử lý, điều chuyển vị trí công tác đối với
những trường hợp có dư luận không tốt trong giải quyết TTHC cho người dân,
doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết, trong
quá trình thực hiện CCHC, tỉnh đã rút ra 03 bài học kinh nghiệm: Người đứng đầu
cấp ủy, chính quyền các cấp phải có quyết tâm chính trị cao, chọn việc trọng
tâm, hành động quyết liệt, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả Hệ thống
chính trị để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra,
đôn đốc thực hiện và gắn trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC, các
Tổ công tác cấp tỉnh với từng đơn vị, địa phương được phân công theo dõi để kịp
thời nắm bắt “điểm nghẽn”, tập trung chỉ đạo tháo gỡ.
Đồng thời coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền,
vận động, tạo sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác của người dân, đồng thời xác định
đặc điểm dân cư, trình độ nhận thức của người dân theo từng khu vực để xây dựng
nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng đối tượng, từng địa
bàn, đảm bảo người dân có thể tiếp thu và thực hiện, nhất là giá trị thiết thực
của dịch vụ công, tiện ích của Đề án 06 giúp người dân giảm chi phí, tiết kiệm
thời gian; phát triển công dân số thông qua Định danh điện tử tích hợp giấy tờ,
tài liệu trong giao dịch hành chính, dân sự.
Thực hiện
tốt việc xây dựng thể chế, tháo gỡ những nút thắt, trọng tâm là các thể chế
đang gây lực cản cho tăng trưởng
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoà Bình – Phó Thủ
tướng Thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đề nghị trong năm
2025, các Bộ, ngành, địa phương bám sát các chủ trương của Đảng, Chính phủ về
cải cách tư pháp, trong đó thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024
của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và
chuyển đổi số quốc gia, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, trong đó “phân công rõ
người rõ việc, đến từng người, từng Bộ, ngành, có nội dung, có thời hạn”.
Thực hiện tốt việc xây dựng thể chế, tháo gỡ những nút
thắt, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng; đổi mới tư duy
xây dựng pháp luật, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất,
khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá TTHC; tập
trung quyết liệt cho việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó, tập trung
triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo
đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính
sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ chính
sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đầy đủ, đồng bộ bảo đảm thực
hiện mục tiêu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Xây dựng chính quyền điện tử, nhất là các đơn vị đã có
nhiều mô hình hay, phổ biến cách làm để các địa phương, đơn vị học tập, rút
kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị sau cuộc
họp, thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ, giải pháp đã
thống nhất để đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là cải cách thủ tục gắn với chuyển đổi
số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, góp phần vào việc thực hiện hoàn
thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Kim Oanh