Xử phạt nghiêm minh với hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt lên mạng xã hội
Đó là thông tin được Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định tại phiên trả lời chất vấn nội dung công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Sáng 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn theo hình thức trực tuyến. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Huỳnh Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự phiên chất vấn. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn.
Quang cảnh phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội (ảnh: Quốc hội)
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An
Đ/c Thái Thị An Chung – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức hoạt động chất vấn. Để lựa chọn đúng và trúng lĩnh vực, vấn đề cần chất vấn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, trên cơ sở tổng hợp đề xuất nội dung chất vấn của 58 Đoàn đại biểu Quốc hội, các phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ đã biểu quyết lựa chọn chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu bám sát chủ đề chất vấn để đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao. Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không né tránh, đúng trọng tâm, đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài.
Trong phiên chất vấn sáng nay, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đăng đàn trả lời chất vấn nội dung công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại.
Giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán thông tin trên mạng xã hội
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) và đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) cùng đặt vấn đề về bảo vệ thông tin cá nhân. Các đại biểu cho biết, thời gian qua, nhiều thông tin cá nhân được rao bán trên các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội. Công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Tuy nhiên còn nhiều đối tượng chưa bị xử lý. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ trong thời gian tới để xử lý vấn đề này?
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn (ảnh st)
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm cho biết, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân hiện nay "đáng báo động", trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, ý thức người dân chưa cao.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện Bộ Công an đang xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn. Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự kiến năm 2024, Bộ Công an sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới, cũng nhiều nước có bộ luật tương đương. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân khi tham gia môi trường mạng; tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân.
Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo Bộ trưởng Tô Lâm đây là tài nguyên của quốc gia, phải được bảo đảm và quản lý rất nghiêm ngặt. Bộ Công an sẽ thực hiện đúng điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn mức độ 4 quốc gia; thực hiện nghiêm việc thu thập dữ liệu, phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương.
Bộ Công an cũng thường xuyên giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24h để phòng chống tấn công, đánh cắp dữ liệu hàng ngày, đối phó với hàng nghìn cuộc tấn công dữ liệu quốc gia về dân cư. "Nguy cơ là rất lớn, nhiều cuộc tấn công từ nước ngoài", Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Xử phạt nghiêm minh với hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt lên mạng xã hội
Một số đại biểu phản ánh thời gian qua trên các mạng xã hội, các thế lực thù địch đăng nhiều thông tin bịa đặt, mạo danh các cơ quan nhà nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin nhiều nội dung chưa được kiểm duyệt, gây mất niềm tin, hoang mang trong đảng viên và quần chúng nhân dân. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng cắt, ghép logo, nhạc hiệu thể hiện như bản tin thời sự của các đài truyền hình gây hiểu nhầm cho người xem. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp để tăng cường đấu tranh với tình trạng này, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.
Bộ cũng đã đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật.
Cùng với đó, phát huy vai trò Ban Chỉ đạo 35 các cấp về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.
Về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân.
Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về cung cấp, quản lý hồ sơ cá nhân, dữ liệu cá nhân và người dân, nhất là tâm lý sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ. Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị chủ trương ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; coi đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay.
Trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã trả lời các vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy, tín dụng đen, cá độ bóng đã, cá độ đua ngựa, đua chó; vấn đề cấp căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu...
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tài chính đã cùng tham gia trả lời, giải trình về những vấn đề có liên quan.
PQ