Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, chiều 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát. Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An
Cần nghiên cứu lộ trình, giải pháp để đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ các cấp
Tại phiên chất vấn, các đại biểu tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát. Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, vụ án nào có vấn đề nhạy cảm phải chờ giám định. Những vụ án bình thường có thể xác định được hậu quả, nhưng những vụ án phức tạp bắt buộc trong quy trình tố tụng phải có cơ quan chuyên môn xác định hậu quả. Ảnh Quốc hội
Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, chủ trì trong việc xây dựng pháp luật. Từ thực tiễn các vụ án, bên cạnh xử lý nghiêm, cũng cần xử lý nhân văn. Các cơ quan chức năng cũng quán triệt quan điểm này, nhưng để chủ trương thành thực tiễn cần cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kiến nghị Quốc hội xem xét, giao cơ quan có thẩm quyền chủ trì soạn thảo.
Về việc thay thế tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, theo quy định của pháp luật, biện pháp bảo lãnh đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam, với những điều kiện chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, điều kiện, sự xác nhận của chính quyền. Căn cứ quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng cần thận trọng, khách quan trong việc xem xét, quyết định việc áp dụng hình thức bảo lãnh hoặc đặt tiền để đảm bảo việc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn. Với các trường hợp thực hiện bảo lãnh nhưng sau đó đối tượng bỏ trốn hoặc phạm tội khác, cần lưu ý làm rõ quy trình xem xét, quyết định, thực hiện có đúng quy định của pháp luật hay không; xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý nghiêm minh đúng theo quy định của pháp luật.
Về giải pháp hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung, đây cũng là một chế định được quy định trong luật Tố tụng hình sự để kiểm soát oan sai, hạn chế bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, cần có kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện này để đảm bảo không xảy ra tình trạng lạm dụng. Thực tế, với các vụ án lớn, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là biện pháp kỹ thuật để đảm bảo công tác điều tra được diễn ra kỹ càng, toàn diện, đúng người, đúng tội. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, không nên coi việc này như một hạn chế, tuy nhiên cũng phải đảm bảo việc áp dụng thực hiện ở tỷ lệ, mức độ phù hợp.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, cần tổ chức đào tạo trực tuyến toàn ngành để tất cả các kiểm sát viên đều có khả năng tiếp cận với các chuyên đề cần thiết, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng công tác của nhân sự trong ngành kiểm sát.
Về vấn đề chống chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, tạo cơ chế để không thể, không muốn, không dám tham nhũng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, cần có cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định chế tài quản lý Nhà nước thật tốt để người có quyền không dám lợi dụng quyền lực, bên cạnh đó cần nghiên cứu để có lộ trình thay đổi cơ chế, chính sách đảm bảo cán bộ an tâm công tác.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng kiến nghị, hiện nay chế độ chính sách cho cán bộ các cấp vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều khó khăn. Cần nghiên cứu lộ trình, giải pháp để đảm bảo chế độ để cán bộ yên tâm công tác. Đảm bảo giảm bớt khó khăn cho người cán bộ tâm huyết, muốn giữ gìn sự trong sáng, đạo đức nghề nghiệp.
Về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, đây là chủ trương xuyên suốt của ngành, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ. Tuy nhiên, hai yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau trong thực tế giữa đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và không để lọt tội phạm là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhấn mạnh đây là yêu cầu rất cao và ngặt nghèo, do đó thời gian qua, Ban Cán sự và Viện trưởng kiểm sát tối cao yêu cầu toàn ngành là phải quán triệt nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với kiểm sát viên là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đặc biệt đã có một chỉ thị chuyên đề chuyên về chống oan sai, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cụ thể...
Xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh Quốc hội
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vấn đề được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án bảo đảm tranh tụng trong xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp, chấp hành nghiêm thời hạn xét xử được luật định. Xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Chú trọng công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án để giảm bớt các vụ án phải mở phiên tòa xét xử và góp phần giải quyết triệt để hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; tăng hiệu quả giải quyết đối với một số loại án nhất là án hành chính; chỉ đạo các tòa án có biện pháp khắc phục khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, chấp hành nghiêm thời gian tố tụng; khắc phục triệt để việc xảy ra một số trường hợp oan. Việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hiện quyền công tố. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục có giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra để hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần...
Kim Oanh