image banner

image advertisement image advertisement

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu thực hiện 7 nhiệm vụ trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới

Sáng 8/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia). Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Hường - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cùng các thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm 2024

Thời gian qua,  Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt, yêu cầu các đơn vị, lực lượng thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình địa bàn, đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Các lực lượng chức năng tích cực, chủ động tiến hành biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đúng theo thẩm quyền, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp tổ chức đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố đạt hiệu quả cao. Nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật; không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác thông tin, tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin được lan tỏa rộng rãi đến nhiều lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 172,28% so với cùng kỳ); 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 9,7 so với cùng kỳ); 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 8,55% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.066,792 tỷ đồng (giảm 7,53% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 650 vụ (giảm 44,25% so với cùng kỳ), 1.913 đối tượng (giảm 18,82% so với cùng kỳ).

Trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyên trái phép thuốc lá, xăng dầu, đường cát, vàng, ngoại tệ...

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, An Giang... đã tham luận tập trung làm rõ những bài học kinh nghiệm và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh đối với các hoạt động vi phạm về lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm, hàng lậu qua cảng hàng không, biên giới, cửa khẩu quốc tế...

Các đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên địa bàn toàn quốc một cách đồng bộ, thống nhất tạo sức mạnh trong toàn xã hội đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kiểm soát các khu vực nhạy cảm và đối tượng có nguy cơ cao; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là các kỹ năng liên quan tới thẩm quyền, xác minh, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng vi phạm trên môi trường mạng, internet; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đạt được kết quả tích cực hơn trong thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, xử lý 4.233 vụ vi phạm hành chính

Anh-tin-bai

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Văn Hường chủ trì hội nghị

Tại tỉnh Nghệ An, các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, UBND tỉnh triển khai và thực hiện tốt công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nội dung kiểm tra khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đối tượng kiểm tra được mở rộng, đi sâu thanh tra, kiểm tra một số lĩnh vực mới như thương mại điện tử, vi phạm sở hữu trí tuệ... các mặt hàng, lĩnh vực, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, các mặt hàng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng.

Đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác, qua đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể. Mặt khác thường xuyên theo dõi, nắm chắc đối tượng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, theo dõi sát diễn biến về cung cầu, về giá cả hàng hóa trên thị trường để có các giải pháp xử lý kịp thời, qua đó góp phần ổn định thị trường, ổn định sản xuất và tiêu dùng, chú trọng kiểm tra, giám sát mặt hàng xăng dầu không để tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, ngừng bán hàng không có lý do chính đáng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 4.233 vụ vi phạm hành chính, khởi tố hình sự 896 vụ/1.163 đối tượng. Tổng giá trị thu nộp ngân sách nhà nước hơn 115 tỷ đồng.

Thực hiện tốt 7 nhiệm vụ về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá trong 6 tháng đầu năm, công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cơ bản ổn định, không có vụ việc nổi cộm, gay gắt. Bên cạnh các mặt hàng vi phạm có tính chất truyền thống có một số mặt hàng mới như thương mại điện tử, vi phạm bản quyền, mặt hàng khoáng sản... Bên cạnh đó, ma túy vẫn là vấn đề nhức nhối, có nhiều thủ đoạn tinh vi được sử dụng, các đối tượng vi phạm lợi dụng khoảng trống trong thực hiện Luật và các văn bản liên quan; tranh thủ ứng dụng kỹ thuật số và công nghệ thông tin để thực hiện các hành vi phạm tội...

Dự báo tình hình 6 tháng tới nhu cầu mua sắm tăng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt 7 nhiệm vụ gồm: Các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ thực hiện tốt các giải pháp về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt nêu cao vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp trong thực thi nhiệm vụ, cung cấp thông tin. Tăng cường kiểm tra, giám sát, từ đó phát hiện lỗ hổng, sai sót, tăng cường thực thi đạo đức công vụ, thường xuyên tập huấn bổ sung năng lực làm việc.

Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức người tiêu dùng, để người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông minh; cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình hiện nay. Các đơn vị, địa phương rà soát tham mưu điều chỉnh lại các quy định còn bất cập; giao 3 Bộ: Tư pháp, Công thương, Tài chính xử lý theo thẩm quyền, nội dung vượt thẩm quyền thì tham mưu Chính phủ xử lý. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để đối phó với các vi phạm, thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có các giải pháp tốt hơn trong thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Kim Oanh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image