Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025
Ngày 21/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công
tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm
2025. Các đồng chí Tỉnh uỷ viên: Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó
Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và
phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh; Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Môi trường, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh chủ trì
hội nghị.
Quang cảnh hội nghị
Công tác phòng, chống thiên tai được triển khai quyết
liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường
Hoàng Quốc Việt phát biểu
Trên địa bàn
tỉnh, năm 2024 là một năm thiên tai diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các hiện
tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại, không khí lạnh, nắng nóng, mưa
lớn; chịu ảnh hưởng của 16 đợt Không khí lạnh, 02 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt
nắng nóng, nắng nóng gay gắt; 36 trận lốc, mưa đá, sét, mưa lớn. Thiên
tai đã làm chết 07 người; bị thương 02 người; 74 nhà bị sập, thiệt hại trên
70%; 2.005 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 201 nhà phải di dời khẩn cấp. Gây ra nhiều
thiệt hại về sản xuất nông lâm nghiệp và các công trình hạ tầng,…; ước tính
thiệt hại về kinh tế khoảng 486 tỷ đồng. Trên biển, đã xảy ra 31 vụ tai nạn, sự
cố tàu thuyền, làm chết 15 người, mất tích 01 người, bị thương 08 người, chìm
06 tàu cá, cháy 02 phương tiện; 13 phương tiện bị hư hỏng.
Nhận thức
được tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ, cấp ủy
chính quyền các cấp đã hết sức quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết
liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả
nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản, từng bước xây dựng xã
hội an toàn trước thiên tai.
Thực hiện
tốt công tác chuẩn bị, triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai, nhất là công
tác tổ chức, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh; giao nhiệm vụ cụ
thể cho các Sở, ngành, địa phương, sửa chữa các công trình hư hỏng do thiên
tai, công trình ách yếu, công trình duy tu đê để tăng khả năng ứng phó với
thiên tai.
Quán triệt
phương châm “4 tại chỗ”, công tác phòng, chống thiên tai đã được các ngành, các
cấp, người dân, doanh nghiệp trong tỉnh thường xuyên quan tâm. Người dân đã chủ
động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống, góp phần hạn chế thiệt hại
do thiên tai, sự cố gây ra. Các lực lượng PCTT-TKCN đã phát huy vai trò nòng
cốt, ứng phó kịp thời; lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai từng bước
được củng cố; công tác tuyên truyền, giáo dục về kiến thức phòng, chống thiên
tai đã được triển khai có hiệu quả; công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, chính
xác hơn đã góp phần hỗ trợ công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng chống thiên tai; sự
chủ động từ tỉnh đến cấp huyện, xã ngày càng nâng cao. Đến ngày
30/11/2024, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng đội
xung kích phòng chống thiên tai, với tổng số gần 30.000 thành viên.
Công tác
khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, sinh hoạt được chú trọng, khẩn trương,
hiệu quả. Ngay sau khi xảy ra bão, mưa lớn, ngập lụt, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN
và UBND các địa phương đã khẩn trương thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt
hại, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho người dân vùng bị
ảnh hưởng. UBND tỉnh đã tận dụng tối đa
các nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình phòng chống thiên
tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai. Ngoài ra, năm 2024,
UBND tỉnh đã bố trí được 121,547 tỷ đồng cho công tác phòng chống thiên tai.
Tỉnh đã chỉ đạo sửa chữa các tuyến giao thông bị hư hỏng, nhất là ở miền núi; hỗ
trợ thu hoạch và ổn định sản xuất nông nghiệp; sửa chữa các công trình thủy
lợi, giao thông nông thôn, đê điều, cải thiện vệ sinh môi trường và nước sinh
hoạt.
Các phương
tiện thông tin đại chúng đã thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết, các đợt
thiên tai; tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống giảm nhẹ thiên tai
cũng như kết quả ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai…
Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn khu
vực Bắc Trung Bộ Lê Văn Cương kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí thực
hiện xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ công tác
phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Vương Đình
Nhuận tham luận về công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo an toàn giao thông khi
xảy ra thiên tai
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn
Xuân Dinh đề nghị chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình cầu,
tràn, hồ đập; bổ sung cọc tiêu, biển báo tại các cầu tràn xung yếu để chủ động
phòng chống trước mùa mưa bão
Trước tác
động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường và
có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn, đặt ra thách thức lớn cho tỉnh Nghệ
An. Nên ngay từ bây giờ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đã chỉ đạo các Sở,
ban, ngành, địa phương, đơn vị tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất,
xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu về
phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng
kế hoạch thu, chi có hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định. Tiếp
tục huy động và triển khai nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2024...
Cần xây dựng kịch bản ứng phó với các loại hình thiên
tai, các sự cố có thể diễn ra sát với thực tế để không bị động, bất ngờ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ
phát biểu
Kết luận hội
nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu để ứng phó với
tình hình thời tiết, thiên tai năm 2025, các Thành viên Ban Chỉ huy
PCTT-TKCN&PTDS tỉnh; các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục
xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, ứng dụng các công nghệ hiện đại để dự báo thời
tiết, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai. Tập trung tối đa các nguồn lực để
xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao khả năng chống chịu khi thiên tai xảy ra.
Đồng thời tăng
cường công tác diễn tập, tập huấn; các địa phương, đơn vị cần xây dựng kịch bản
ứng phó với các loại hình thiên tai, các sự cố có thể diễn ra sát với thực tế
để không bị động, bất ngờ. Đối với phương án sơ tán dân trong thiên tai, cần
sẵn sàng phương án vị trí, phương tiện, lực lượng để triển khai sơ tán dân khi
có sự cố. Đầu tư công nghệ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai để có thể quan
sát, chỉ đạo xử lý khi địa bàn bị chia cắt. Tăng cường hợp tác quốc tế trong
công tác dự báo cũng như phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tăng cường công
tác quản lý rủi ro và đánh giá nguy cơ thiên tai. Tiến hành rà soát những vị
trí, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai để chủ động trong công tác
phòng ngừa, sơ tán dân…
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn
Văn Đệ trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 5 cá nhân và 5 tập thể vì đã có thành
tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024
trên địa bàn tỉnh
Kim Oanh