Tìm phương án giải quyết các xung đột, biến bất lợi thành giá trị riêng của tỉnh
Sáng
19/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến vào Quy
hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Nguyễn
Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi
làm việc có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;
các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ngành; lãnh đạo một
số địa phương.
Quang
cảnh cuộc họp
Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050 được xây dựng trên 05 quan
điểm. Quy hoạch hướng đến mục tiêu chung phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An trở
thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; là
trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học –
công nghệ, y tế, công nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ; có hệ thống kết
cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được
nâng cao; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; bảo đảm vững chắc quốc
phòng, an ninh.
Đại
diện đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050
Để đạt được mục tiêu trên, cần phát huy tối đa các nguồn
lực để phát triển 02 khu vực động lực tăng trưởng, 03 đột phá chiến lược, 04
hành lang kinh tế, 05 lĩnh vực trụ cột; 06 trung tâm đô thị.
Quy hoạch cũng đã đưa ra phương án phát triển các ngành,
lĩnh vực quan trọng; phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội;
phương án đối với các hoạt động quốc phòng, an ninh; phương án tổ chức không
gian kinh tế - xã hội, các khu chức năng; phương án quy hoạch hệ thống đô thị,
nông thôn; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; đề xuất
danh mục dự án trọng điểm; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và
đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài
nguyên; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy
hoạch cũng đã xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch...
Đây là lần thứ 2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức họp nghe và
cho ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Các thành viên dự họp tiếp tục bàn sâu nhiệm vụ Quy hoạch và tập trung cho ý
kiến vào phương án phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và định hướng phát
triển đô thị - nông thôn, khu chức năng, vùng huyện, liên huyện.
Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đề nghị nghiên cứu để có định hướng phát triển
khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy
Theo các đại biểu, Nghệ An không nằm trong cực tăng trưởng
của quốc gia, vị trí địa lý của tỉnh cũng gây khó khăn trong xây dựng hạ tầng
logistics... Bên cạnh phát huy tiềm năng thế mạnh, cần nghiên cứu để có giải
pháp biến những khó khăn, bất lợi để tạo nên giá trị riêng cho tỉnh. Đồng thời
đề nghị, đơn vị tư vấn quan tâm và có giải pháp giải quyết xung đột giữa phát
triển không gian kinh tế với không gian hành chính không chỉ trong nội tỉnh mà
còn giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh bạn; giải quyết được mối quan hệ giữa phát triển
không gian đô thị và địa giới hành chính. Trong phương án phát triển đô thị cần
phải tính toán để phát triển không phải là việc mở rộng cơ học.
Một số ý kiến cho rằng, cần có cách tiếp cận và tư duy khác
để tỉnh có Quy hoạch đột phá phát triển trong thời gian dài. Tại cuộc họp, các
đại biểu cũng đã cho nhiều ý kiến về định hướng phát triển kinh tế biển; phương
án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh...
Chủ
tịch UBND tỉnh cho rằng trong xây dựng Quy hoạch cần nhìn nhận đầy đủ, trung
thực, khách quan về không gian và điều kiện phát triển
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, Quy hoạch tỉnh là
một vấn đề rất lớn, hết sức quan trọng và cũng hết sức khó, chưa có tiền lệ. Đặc
biệt là theo tinh thần của Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh phải tích hợp được
quy hoạch của các ngành, lĩnh vực và của các địa phương. Như vậy, đối với Nghệ
An, Quy hoạch tỉnh phải tích hợp được quy hoạch của 28 ngành, lĩnh vực và quy
hoạch của 21 huyện, thành phố, thị xã.
Hiện chúng ta đang xây dựng Quy hoạch tỉnh trong bối cảnh
quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng chưa có. Việc xây dựng Quy hoạch không đơn
giản hóa, không xem nhẹ nhưng cũng không cầu toàn. Trong thời gian qua, các
ngành và các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để có bản
thảo về Quy hoạch tỉnh. Nội dung Quy hoạch được kỳ vọng rất nhiều nhưng phải
đặt trong các quy định của Luật Quy hoạch, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật
Quy hoạch và Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Nghệ An của Thủ tướng
Chính phủ để thực hiện.
Nội dung dự thảo Quy hoạch đã được Hội đồng quy hoạch tỉnh,
UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương; 5 tỉnh và 18/19 Bộ, ngành Trung ương cho
ý kiến. Các cơ quan, địa phương cũng đã phối hợp tốt với đơn vị tư vấn để
giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong nội dung của bản Quy hoạch.
Một bản quy hoạch không thể hài hòa tuyệt đối với lợi ích
của các ngành, địa phương, chắc chắn sẽ có xung đột về phát triển không gian
kinh tế với phạm vi địa giới hành chính nên cần phải lựa chọn phương án để đạt
hiệu quả tối ưu nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng trong xây dựng Quy hoạch cần nhìn
nhận đầy đủ, trung thực, khách quan về không gian và điều kiện phát triển; phải
có cách tiếp cận để làm sao khắc phục được những bất lợi, biến bất lợi của tỉnh
thành lợi thế, tiềm năng của tỉnh
Trong định hướng lựa chọn ưu tiên phát triển, với điều kiện
nguồn lực hạn chế phải ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, gồm: Hạ tầng giao
thông (hạ tầng giao thông trọng yếu cảng biển và cảng hàng không);
hạ tầng số (xây dựng lộ trình để xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số);
hạ tầng năng lượng.
Đối với định hướng phát triển các ngành ưu tiên, theo Chủ
tịch UBND tỉnh muốn phát triển nhanh, đột phát thì cần tập trung vào ngành công
nghiệp dịch vụ; hình thành được hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
sẽ tạo được môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn; mở rộng Khu kinh tế Đông Nam;
có thể định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.
Trong phát triển hệ thống đô thị, phải có lựa chọn để đầu
tư. Tỉnh xác định thành phố Vinh là đô thị động lực của tỉnh cũng như là trung
tâm của vùng Bắc Trung bộ cần phải được ưu tiên tập trung đầu tư.
Phó
Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông yêu cầu bản Quy hoạch cần có giải
pháp để biến bất lợi trở thành giá trị riêng của tỉnh
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
Nguyễn Văn Thông ghi nhận sự chuẩn bị trong việc lập Quy hoạch tỉnh của các cơ
quan, đơn vị liên quan. Về cơ bản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đồng tình cao
với cách tiếp cận của bản Quy hoạch lần này, đảm bảo bao quát toàn diện chức
năng, nhiệm vụ của một bản quy hoạch cấp tỉnh theo Luật Quy hoạch. Những vấn đề
lâu nay được quan tâm như khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đô thị hóa...
đã được nêu rõ.
Quan điểm và tư duy phát triển được trình bày chi tiết, tuy
nhiên trong đó cần có phần giải quyết những vấn đề bất lợi của Nghệ An về địa
lý, địa hình, hạ tầng logistics, xuất phát điểm... Tỉnh không chỉ có tiềm năng,
lợi thế mà còn có những bất lợi, khó khăn trong thực tiễn chúng ta cần phải đối
mặt, vượt qua, không thể né tránh.
Trong việc lựa chọn ưu tiên phát triển, đồng tình với cách
tiếp cận không chọn một hoặc một vài lĩnh vực để đầu tư phát triển mà trong
từng lĩnh vực chọn một số nhiệm vụ cụ thể để ưu tiên đầu tư.
UBND tỉnh, đơn vị tư vấn cần quan tâm, có phương án giải
quyết xung đột giữa không gian kinh tế với không gian hành chính, cùng với đó
giải quyết xung đột giữa việc mở rộng địa giới hành chính với phát triển đô thị.
Nếu đưa ra nhiều phương án cần chỉ rõ ưu, nhược điểm của từng phương án để có
lựa chọn khoa học, đúng đắn.
UBND tỉnh, Hội đồng Quy hoạch tỉnh, đơn vị tư vấn cần tiếp
thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện lại bản Quy hoạch tỉnh thời kỳ
2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Phan Quỳnh