image banner

image advertisement image advertisement

Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển

Sáng 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Khái – Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp nhà nước.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thanh An – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành; các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Anh-tin-bai

Các đại biểu tưởng niệm các nạn nhân đã tử vong

Trước khi bước vào hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong do lũ quét tại Lào Cai đêm 12/9, rạng sáng 13/9. 

Cơ bản các doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) (trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%) nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn với hơn 3,8 triệu tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước).

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp các thành phần kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hoạt động của khu vực doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi, khu vực DNNN vẫn đạt được những điểm sáng. Cơ bản các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. Một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước...  Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSSS là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023.

Các DNNN đã áp dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty đã đi đầu trong các công nghệ mới, công nghệ 4.0... Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

Anh-tin-bai

Các đồng chí chủ trì tại điểm cẩu Nghệ An

Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước đã báo cáo cụ thể về tình hình cũng như nêu lên những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể: Do tình hình căng thẳng trong quan hệ kinh tế, chính trị trên thế giới và khu vực ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực; giá nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh. Hệ thống pháp luật về DNNN còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN. Cơ chế, chính sách chưa kịp thời điều chỉnh để gỡ bỏ rào cản hành chính, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới...

Các doanh nghiệp, tập đoàn đề nghị Chính phủ tăng số vốn điều lệ cho doanh nghiệp; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách pháp luật cho các doanh nghiệp, tổng công ty; trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhà nước; cần xây dựng được mô hình Đảng trong các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh...

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 26 DNNN do UBND tỉnh làm chủ sở hữu hoặc đại diện phần vốn nhà nước, trong đó có 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 9 doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ. Các DNNN do UBND tỉnh làm chủ sở hữu hoặc đại diện phần vốn nhà nước đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu hoạt động các lĩnh vực thiết yếu, phục vụ an sinh xã hội hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không đầu tư như công ích thủy lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp, cấp thoát nước... Thời gian qua, các DNNN trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Tăng cường lãnh đạo, quản lý để xây dựng DNNN trở thành tiên phong, dẫn dắt, chủ lực trong phát triển kinh tế

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp của các DNNN trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức của các DNNN trong sản xuất, kinh doanh.

Theo Thủ tướng Chính phủ, các DNNN phải chung sức đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo. Đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp, nhà nước; không nói không, không nói khó, không nói không làm. Đồng thời, các doanh nghiệp phải theo dõi sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước; tháo gỡ những khó khăn đã tích tụ nhiều năm để kịp thời đưa ra những giải pháp có tính khả thi và hiệu quả cao, sát thực tế.

“DNNN đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt, tiên phong, mở đường… vì phải huy động tối đa các nguồn lực của các DNNN. Các DNNN phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành cùng các doanh nghiệp. Phát huy tinh thần dân tộc, bản lĩnh dân tộc, bản lĩnh kinh doanh, tinh thần tự lực tự cường, truyền thống văn hóa, lịch sử để phát triển. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân để xây dựng DNNN trở thành tiên phong, dẫn dắt, chủ lực trong phát triển kinh tế” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho các DNNN hoạt động, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển. Việc hoàn thiện pháp luật phải trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Các DNNN phải xây dựng chương trình, kế hoạch để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp sát với tình hình thực tế; tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân. Các doanh nghiệp phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn các chương trình, dự án của nhà nước.

Các DNNN kịp thời phản ánh với các cấp chính quyền về những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết; đồng thời đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh.  Đề cao đạo đức doanh nhân và đạo đức xã hội; chăm lo cải thiện đời sống cho công nhân.

Cùng với đó, phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu quốc gia. Khai thác hiệu quả các quan hệ chính trị tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới. Các DNNN phải cùng nhau chia sẻ với nhau những khó khăn; giúp nhau khi gặp khó khăn, thách thức; cạnh tranh lành mạnh....

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chia sẻ khó khăn, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp; xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp vi phạm. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chia sẻ với các doanh nghiệp, trở thành bệ đỡ cho các doanh nghiệp...

PT

 

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image