image banner

image advertisement image advertisement

Thực hiện hiệu quả ngoại giao kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế, thực tiễn

Sáng 21/12, trong chương trình Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phiên họp.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự phiên họp có lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Anh-tin-bai

Quang cảnh phiên họp

Đổi mới, sáng tạo hơn, phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế

Phát biểu khai mạc và dẫn đề, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ đối với ngành ngoại giao trong thời gian qua đã khẳng định sự coi trọng cũng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ lớn lao đối với đội ngũ cán bộ ngoại giao để bền bỉ phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại vẻ vang của đất nước.

Trong thành tựu chung to lớn của đối ngoại, có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế (NGKT). Quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về “xây dựng nền NGKT phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, công tác NGKT đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Cụ thể, đã được tổ chức quán triệt, triển khai một cách đồng bộ và thống nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về NGKT. Đã phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: Vừa phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt chủ trương “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” trong các hoạt động NGKT. Triển khai NGKT có nhiều mặt được đổi mới, sáng tạo hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng của các ngành, các cấp.

Tại phiên họp, các đại biểu tham luận tập trung vào các nội dung gồm: Đánh giá cập nhật triển vọng kinh tế thế giới, xu thế đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ; kiến nghị các biện pháp nhằm cụ thể hóa nội hàm kinh tế của Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ; các tiêu chuẩn/qui định mới của Liên minh châu Âu về thương mại, đầu tư quốc tế; cơ hội và thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam. Triển vọng kinh tế Trung Quốc, các xu hướng điều chỉnh và tác động đến kinh tế Việt Nam; biện pháp làm sâu sắc hợp tác kinh tế Việt – Trung và tranh thủ các sáng kiến mới cho phát triển hạ tầng chiến lược. Thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư quốc gia khu vực Trung Đông, cơ hội và thách thức với Việt Nam. Kinh nghiệm tranh thủ các hiệp định thương mại tự do ở địa phương để “bứt tốc” xuất khẩu. Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, vai trò của Ngành ngoại giao trong kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng bán dẫn khu vực và toàn cầu...

Nghệ An tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài

Anh-tin-bai

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tỉnh Nghệ An luôn xác định NGKT là một nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác đối ngoại. Vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo, tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về công tác NGKT; Mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; Xây dựng NGKT phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; Nâng cao năng lực dự báo, tham mưu và năng lực đội ngũ cán bộ về NGKT.

Tỉnh đẩy mạnh tìm kiếm hợp tác trên nhiều lĩnh vực thông qua các buổi làm việc với Sứ quán các nước tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, Tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư... Đồng thời, tổ chức, tham gia các Hội nghị kết nối đầu tư tại các quốc gia: Hoa Kỳ, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...

Được sự quan tâm của Bộ Ngoại giao, tỉnh Nghệ An đã được Bộ Ngoại giao ban hành kết luận về việc Bộ Ngoại giao sẽ đồng hành và hỗ trợ tỉnh trong việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác tiềm năng, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vào hoạt động NGKT.

Tỉnh Nghệ An kết hợp song song giữa NGKT và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài đến tỉnh. Nhờ đó mà trong năm 2023, tỉnh Nghệ An đã thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt hơn 1,41 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14%, Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,11 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2022, vượt 8,5% kế hoạch năm. Hiện có khoảng hơn 75.000 người Nghệ An đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trong đó hằng năm có khoảng 24.000 người Nghệ An đi xuất khẩu lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài; có hơn 1.000 nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài như: Đại sứ quán các nước; các tỉnh có chung đường biên giới nước bạn Lào; các tổ chức, cơ quan quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tranh thủ tối đa các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và các hiệp định thương mại Việt Nam là thành viên để gắn Nghệ An vào chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế; chủ động thực thi các quy tắc và luật lệ chung về thương mại quốc tế. Tích cực xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác người Nghệ An ở nước ngoài.

Thực hiện các biện pháp ngoại giao hiệu quả, chân thành, tin cậy

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ đánh giá từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đến nay, NGKT đã đạt được 6 kết quả gồm: Tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về NGKT, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, các nước để tham mưu Đảng, Nhà nước xây dựng và thực hiện các chính sách về NGKT; Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, phát huy mạnh mẽ giữa lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá để huy động nguồn lực cho phát triển đất nước; Góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như đại dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...; Góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để chúng ta huy động nguồn lực xây dựng đất nước; Thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc chúng ta với tinh thần “Văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất dân tộc mất”, văn hóa có tính đại chúng, khoa học, có tính dân tộc; Thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với người dân, lấy “Doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ”, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương.

Chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc cần khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh thêm 4 bài học kinh nghiệm gồm: Thực hiện NGKT với quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; Phản ứng chính sách kịp thời hơn; Các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả, chân thành, tin cậy; bám sát yêu cầu trong nước, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, “phải làm cái người ta cần chứ không phải làm cái gì ta có”; Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính sách, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông về nghiệp vụ, hiểu biết về luật pháp, có tâm, có tầm.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, với tình hình thời cơ thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, NGKT cần thực hiện 6 nhiệm vụ gồm: Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra để đạt được mục tiêu đề ra; Có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế, thực tiễn để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra; Hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác đầy đủ, toàn diện, sát với tình hình thực tế, tổ chức thực hiện hiệu quả; Đa dạng hóa thị trường, đa dạng sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo; Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, các địa phương, thực sự “lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm”.

Kim Oanh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image