image banner

image advertisement image advertisement

Thảo luận tổ 2: Cần xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp phù hợp, phát huy hiệu quả

Tiếp tục nội dung kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, sáng nay (06/12), các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ 2 có các đại biểu: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh cùng đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các đơn vị: Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ. Tham dự phiên thảo luận còn có lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan.

Anh-tin-bai

Quang cảnh phiên thảo luận tổ 2

Anh-tin-bai

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn điều hành phiên thảo luận

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp phải thực sự phù hợp

Anh-tin-bai

Đại biểu Dương Đình Chỉnh – Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc đặt câu hỏi

Trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu đã đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh, trong đó tập trung thảo luận cho ý kiến về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp thời gian qua.

Bày tỏ trăn trở, băn khoăn về tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang lớn, đại biểu Dương Đình Chỉnh – Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc đề nghị Sở NN&PTNT có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Chỉnh cũng cho biết, mặc dù các tỉnh đã có chính sách hỗ trợ các mô hình kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên chính sách hỗ trợ còn manh mún, không dài hơi do đó việc duy trì và nhân rộng mô hình khó khăn và phát huy hiệu quả chưa cao; cần phải có tiêu chuẩn trong việc hỗ trợ để lựa chọn đối tượng phù hợp; đồng thời đề nghị UBND tỉnh đánh giá lại chính sách hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao.

Mặt khác, theo đại biểu Chỉnh diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp dẫn đến việc triển khai nông nghiệp công nghệ cao khó; bên cạnh đó, việc giao đất nông nghiệp cũng đang gặp vướng về thủ tục dẫn đến việc kêu gọi thu hút đầu tư khó khăn.

Ngoài ra, chất lượng nông sản và vấn đề đầu ra cho sản phẩm đang gặp nhiều thách thức. Bởi hiện nay đầu ra sản phẩm chưa có hướng đi rõ ràng, mặc dù thời gian gần đây việc giới thiệu các sản phẩm OCOP được các ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh.

Nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đại biểu Chỉnh đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong thực hiện giao đất. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam thực hiện Quy hoạch 2 bên sông Cấm để huyện tổ chức sản xuất.

Đối với những vùng nông nghiệp, bên cạnh các khu công nghiệp, người dân không thể sản xuất được do hệ thống kênh mương thủy lợi bị ảnh hưởng, đại biểu Chỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi đất những khu vực này.

Liên quan đến xây dựng NTM nâng cao, đại biểu Chỉnh cho hay, tiêu chí xây dựng NTM nâng cao Trung ương đề ra còn bất cập, khó khăn, bởi vậy đạt NTM nâng cao ở cấp xã là rất vất vả. Hiện nay, việc hỗ trợ xi măng trong thực hiện NTM nâng cao nếu áp dụng cho các địa phương xây dựng mới đường giao thông là không phù hợp vì cơ bản đường giao thông nông thôn đã được xây dựng ổn định khi xây dựng NTM trước đó. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh xem xét để có hình thức hỗ trợ phù hợp cho các xã xây dựng NTM nâng cao như xây dựng những công trình phúc lợi khác, hỗ trợ chuyển đổi số, tiêu thụ sản phẩm...

Tại diễn đàn này, đại biểu Chỉnh cũng đề nghị cần thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn. Theo đại biểu Chỉnh, rất cần phải thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nghề cho lao động; doanh nghiệp và chính quyền cần phối hợp để tổ chức đào tạo nghề cho lao động địa phương.

Phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn như tại bãi rác Nghi Yên... đại biểu Chỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành quan tâm phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn huyện.

Anh-tin-bai

Đại biểu Lê Đức Cường – đơn vị Quỳnh Lưu phát biểu

Cùng quan tâm đến giải pháp khắc phục tình trạng diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày cành nhiều, theo đại biểu Lê Đức Cường (đơn vị bầu cử Quỳnh Lưu) cơ cấu mùa vụ hiện nay “đang có vấn đề”. Đại biểu Lê Đức Cường đề xuất nên chăng thực hiện thí điểm việc chuyển đổi từ hai vụ lúa như hiện nay để tập trung cho vụ Đông Xuân thật sự hiệu quả.

Anh-tin-bai

Đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa  - đơn vị huyện Diễn Châu phát biểu

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, phản ánh tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa (đơn vị Diễn Châu) đề nghị ngành NN&PTNT có biện pháp, giải pháp dập dịch để đảm bảo phát triển chăn nuôi, đáp ứng nguồn hàng thực phẩm nhất là trong dịp Tết tới đây. Thực tế, lâu nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ nên đề nghị Ngành NN&PTNT  cần có chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại.

Anh-tin-bai

Đại biểu Hoàng Lân – đơn vị huyện Diễn Châu phát biểu

Đại biểu Hoàng Lân (đơn vị Diễn Châu) đề nghị UBND tỉnh rà soát lại chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đồng thời đề xuất việc xây dựng chính sách hỗ trợ nên tập trung theo hai hướng: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến chế biến sâu; Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo đại biểu Lân, hiện tại, các địa phương đều đã có quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất, tuy vậy cần phải quan tâm đến quy hoạch những mảng khác để đáp ứng nhu cầu thị trường như quy hoạch vùng trồng cây cảnh, cây hoa vào dịp Tết...

Liên quan đến việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa trong xây dựng NTM mới, đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh (đơn vị Nam Đàn) đề nghị cần phải quan tâm đến việc xây dựng thiết chế văn hóa, nhất là tại các thôn xóm sau sáp nhập; xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa tại các vùng nông thôn.

Rà soát, quản lý tốt công tác xã hội hóa giáo dục

Anh-tin-bai

Đại biểu Chu Đức Thái - đơn vị huyện Quỳnh Lưu phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Chu Đức Thái (đơn vị huyện Quỳnh Lưu) cho biết, qua giám sát, tình trạng xã hội hóa diễn ra tràn lan đã gây gánh nặng cho phụ huynh, nhất là những phụ huynh có 3 đến 4 người con đi học. Bởi vậy đề nghị các địa phương phải rà soát, thẩm định để những trường học nào thật sự cần để tiến hành xã hội hóa, không để tạo nên dư luận xấu về công tác xã hội hóa như gần đây.

Đại biểu Thái đề nghị cần tăng cường công tác quản lý tài sản xã hội hóa, lâu nay câu chuyện phụ huynh đặt câu hỏi “năm nào Nhà trường cũng mua điều hòa, rèm cửa...” cứ lặp đi lặp lại.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Thái đề nghị ưu tiên cho doanh nghiệp và các hộ dân có tầm nhìn trên địa bàn để có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về pháp lý và quỹ đất để phát triển sản xuất.

Phiên thảo luận tổ sáng nay, một số ý kiến của đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp căn cơ lâu dài cho các hộ, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh tuyên truyền, định hướng và tạo đồng thuận trong thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính; đẩy nhanh tiến độ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân...

Tập trung triển khai thực hiện tốt Đề án sản xuất nông nghiệp

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh giải đáp những vấn đề đại biểu băn khoăn

Trước những ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh thừa nhận, tình trạng bỏ đất sản xuất mà đại biểu Chỉnh phản ánh, tuy nhiên thực trạng này chỉ xảy ra tại vụ Hè Thu và vụ Đông do thời tiết không thuận lợi, mặt khác do dịch chuyển lao động cũng dẫn đến tình trạng này.

Về giải pháp, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh cho biết, trước mắt các địa phương cần tập trung thực hiện Đề án sản xuất hàng năm. Lãnh đạo địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo dõi những vùng sản xuất nào thường xuyên bỏ hoang cần phải có giải pháp để thu hồi, thực hiện tích tụ ruộng đất và quy hoạch lại.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an ninh lương thực, Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát để xác định và giữ quy hoạch vùng sản xuất lúa trên địa bàn cũng như khu vực để thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên chế biến sâu, tìm đầu ra cho sản phẩm hoặc đầu tư bằng hình thức liên kết giữa các hộ dân.

Về dịch tả lợn Châu Phi, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện đang có 108 hộ trên địa bàn tỉnh có dịch tập trung ở các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn, Yên Thành... Tuy nhiên, so với năm 2019 thì số lượng lợn nhiễm bệnh ít hơn. Ngành Thú y cũng đã khuyến cáo các hộ dân nên tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các sản phẩm người dân làm ra đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử; kết nối với các doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp chế biến sâu để có sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường.

Khẳng định các chính sách hỗ trợ nông nghiệp lâu nay đa phần phát huy hiệu quả, mặc dù vẫn còn một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết tới đây ngành sẽ rà soát để tham mưu chính sách phù hợp.

Tiếp thu ý đầy đủ nội dung của các đại biểu trao đổi để tiếp tục có giải pháp giải quyết các vấn đề được nêu

Anh-tin-bai

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã phân tích cụ thể về tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm nay cũng như đã khái quát lại những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 và những nhiệm vụ trọng tâm lớn tỉnh đã hoàn thành.

Những hạn chế, tồn tại về thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai dự án đầu tư tạ tầng chiến lược là cảng nước sâu Cửa Lò và mở rộng nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chỉ rõ.

Năm 2024, dự báo có nhiều khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2023, mục tiêu, chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế đăt ra rất cao, do đó cần hết sức nỗ lực, quyết tâm thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, thống nhất.

Trong đó, tập trung hiện thực hóa Nghị quyết 39 của Bộ Chính về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh. Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, trong đó chú trọng cho công tác giải phóng mặt bằng. 

Mặt khác, tập trung thực hiện mở rộng khu kinh tế Đông Nam; mở rộng địa giới thành phố Vinh; thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính; tập trung cải cách hành chính để thu hút đầu tư.

Về các nội dung thảo luận chuyên sâu hôm nay, đối với chính sách hỗ trợ nông nghiệp, trong điều kiện khó khăn nhưng tỉnh đã cố gắng dành nguồn lực thực hiện. Thực tế chính sách hỗ trợ nông nghiệp hiện nay còn thực hiện trên diện rộng, đối tượng thụ hưởng nhiều. Thời gian tới, Sở NN&PTNT cần phải rà soát, khi xây dựng chính sách cần lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm để chính sách phát huy hiệu quả.

Về chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp rất khó, phải có cả quá trình, phải tổng hợp được nhiều yếu tố. Về điều chỉnh quy hoạch sản xuất, đầu tư cho hệ thống thủy lợi; thời gian qua có sự đầu tư tuy vậy do nguồn lực có hạn nên việc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu.

Liên quan đến xây dựng NTM, tính đến hết năm nay, toàn tỉnh có 319 xã NTM, 88 xã NTM nâng cao, 12 xã NTM kiểu mẫu. Những xã chưa đạt chuẩn đều có điều kiện rất khó khăn. Đối với những xã xây dựng NTM nâng cao, tiếp tục có chính sách hỗ trợ, và ngành NN&PTNT cần rà soát để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Trong điều kiện chưa cân đối nguồn lực, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các ngành cần rà soát để có sự đầu tư ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

Về vấn đề lao động đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là câu chuyện được tỉnh quan tâm và rất muốn thực hiện mục tiêu này...

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và tiếp thu đầy đủ nội dung của các đại biểu, các ngành và các địa phương trao đổi để chỉ đạo các ngành tiếp tục có giải pháp để giải quyết các vấn đề được nêu tại phiên thảo luận hôm nay. Đồng thời mong muốn các đại biểu, các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phan Quỳnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image