image banner

image advertisement image advertisement

Thảo luận tổ 1: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính

Trong chương trình kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng nay (06/12), các đại biểu tiến hành thảo luận tổ. Tại tổ 1 có sự tham gia của các đại biểu được bầu từ các đơn vị: TP Vinh, TX Cửa Lò, TX Hoàng Mai, huyện Hưng Nguyên, huyện Đô Lương. Đồng chí Nguyễn Hữu An – Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai chủ trì phiên thảo luận tại tổ 1.

Tham dự tại tổ 1 có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

Anh-tin-bai

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 1

Cắt giảm các TTHC rườm rà, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự thảo luận tại tổ 1

Thảo luận tại tổ 1, các đại biểu tập trung đánh giá vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính (CCHC), thực hiện chuyển đổi số. Thống nhất cao với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu đánh giá năm 2023, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, sự điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, nhìn chung, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, với 25/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Trong đó, điểm sáng trong phát triển kinh tế năm 2023 là thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, hai năm liên tiếp nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với số vốn đăng ký và tăng thêm năm 2023 là 1.298 triệu USD.

Theo các đại biểu, điều đáng ghi nhận là các hoạt động xúc tiến đầu tư được đổi mới, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến các nước có nền kinh tế phát triển, xây dựng, giới thiệu các ấn phẩm xúc tiến đầu tư... vì vậy số lượng dự án FDI tăng mạnh, vốn đầu tư vượt mục tiêu đề ra, địa bàn thu hút đầu tư chuyển dịch mạnh sang sản xuất công nghiệp; địa bàn thu hút đầu tư tập trung vào khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp là động lực tăng trưởng của tỉnh... Đây cũng là tiền đề cho tăng trưởng trong những năm sau khi các dự án trên địa bàn đi vào hoạt động.

Anh-tin-bai

Đại biểu Nguyễn Duy Cần – TP Vinh nêu ý kiến

Bày tỏ băn khoăn khi thu ngân sách đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022; thị trường bất động sản gặp khó khăn nên tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chưa đạt kế hoạch; số thu tiền đất 10 tháng đạt 2.786,78 tỷ/3.020 tỷ bằng 92,3%, chỉ có huyện Đô Lương đạt khá, đại biểu Nguyễn Duy Cần đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo đại biểu Cần, trong thời gian qua, công tác CCHC được chỉ đạo quyết liệt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến CCHC chỉ đạo một cách toàn diện, sâu rộng, đầy đủ kịp thời. Chỉ số CCHC được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, một số thủ tục hành chính (TTHC) ở một số lĩnh vực vẫn còn chồng chéo. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn rườm rà, cán bộ địa chính ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng gây phiền hà, hướng dẫn thủ tục không đầy đủ, người dân phải đi lại nhiều lần. Cử tri mong muốn có bước đột phá vì hiện nay chỉ số CCHC của tỉnh mới ở mức trung bình khá và mức khá so với các địa phương trong cả nước.

Anh-tin-bai

Đại biểu Trần Phan Long – Đơn vị TX Cửa Lò nêu ý kiến

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trên một số lĩnh vực, theo đại biểu Trần Phan Long, phần đánh giá nguyên nhân chủ quan đang còn chung chung, không rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị nào, không có địa chỉ cụ thể. Đề nghị cần đánh giá lại nguyên nhân chủ quan, làm rõ trách nhiệm cụ thể, rõ người, rõ việc để quy trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị nào.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đối với nội dung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đề nghị tỉnh cần chú trọng nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, các dự án, chương trình, kế hoạch theo nội dung, lộ trình đề ra; thường xuyên rà soát việc thực hiện các Thông báo kết luận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có cơ sở đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân; qua đó, kịp thời đánh giá rút kinh nghiệm và có giải pháp thực hiện tạo sự chuyển biến, hiệu quả hơn.

Về nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, đối với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đề nghị tỉnh cần có chiến lược phát triển cụ thể, tập trung cho những sản phẩm có chất lượng, nhu cầu thị trường đang hướng đến, không nhất thiết chạy đua về số lượng sản phẩm. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đầu ra để tiêu thụ sản phẩm vì hiện có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận nhưng đầu ra đang gặp nhiều khó khăn.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, cần quan tâm chỉ đạo các địa phương làm du lịch xây dựng, kết nối tour, tuyến trong tỉnh và ngoài tỉnh, nghiên cứu tổ chức các sự kiện mang tính khác biệt, chuyên nghiệp so với các năm. Đồng thời, tỉnh cần có giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách.

Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh cần chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát đánh giá từng chương trình, dự án xem xét rõ đâu là nguyên nhân, đâu là khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị, địa phương nào để có biện pháp chỉ đạo, thực hiện.

Về nhiệm vụ, giải pháp huy động nguồn lực xã hội, đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện xã hội hóa chương trình, kế hoạch, đề án thuộc chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân.

Anh-tin-bai

Đại biểu Phan Thị Hoan – TP Vinh băn khoăn về chỉ số PCI tăng nhưng một số tiêu chí thành phần còn thấp như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, gia nhập thị trường, lao động việc làm

Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo sớm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở xóm 18, xã Nghi Phú; quan tâm, giải quyết phụ cấp công vụ đối với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã nghỉ hưu ở một số địa phương. Đề nghị tỉnh quan tâm, chỉ đạo để sớm hoàn thiện thủ tục đấu giá thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án Khu lâm viên phía đông đường Bình Minh; đẩy nhanh tiến độ, phương án thi công dự án Kè biển đảm bảo an toàn môi trường biển, cảnh quan du lịch...

Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang trả lời các nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công

Làm rõ về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang cho biết, hiện so với mặt bằng chung của cả nước, tỉnh Nghệ An đạt trên mức trung bình, tuy nhiên vẫn còn chậm. Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do thực hiện các chương trình MTQG; trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giao vốn chậm, đến tháng 10/2022 mới giao vốn. Đối với 2 chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, giao vốn chậm, trong đó phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới cho nên các văn bản hướng dẫn, các quy định thường xuyên thay đổi nên việc triển khai còn lúng túng, đến thời điểm này vẫn còn rất khó khăn. Quốc hội cũng nhìn nhận được vấn đề này, nên đã cho kéo dài nguồn vốn 2022, 2023 đến 31/12/2024. Tuy nhiên, về nội dung này, tỉnh cũng đã chủ động, quyết tâm chỉ đạo, quyết liệt điều hành từ sớm, kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Dự kiến, đến ngày 31/1/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh sẽ đạt khoảng trên 95,5%.

Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp để thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 39-NQ-TW và Quy hoạch tỉnh. Tỉnh sẽ thành lập Tổ công tác về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành quyết liệt trong xây dựng cơ chế, chính sách trên cơ sở của Nghị quyết 39 và các Chương trình hành động để thực hiện...

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng trả lời các nội dung về công tác CCHC

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu về công tác CCHC, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt và đặt ra yêu cầu đối với từng ngành, từng địa phương về tăng cường đẩy mạnh CCHC, tập trung chuyển đổi số.

Về TTHC còn chồng chéo, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tỉnh đã công bố 40 Quyết định với tổng số lượt TTHC được công bố là 780 thủ tục; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, huyện đã được xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử. Theo thống kê báo cáo của các ngành, địa phương, hiện các thủ tục được rà soát đầy đủ, kiểm soát chặt chẽ, với sự phối hợp giữa các Sở, ngành trong thực hiện các TTHC, không còn hiện tượng TTHC chồng chéo. Vì vậy, Giám đốc Sở Nội vụ mong muốn các đại biểu chỉ rõ các TTHC nào còn chồng chéo để trên cơ sở đó kiến nghị các ngành xử lý.

Về thủ tục đất đai còn rườm rà, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, ngày 3/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1906/QĐ-UBND công bố đầy đủ các TTHC thuộc lĩnh vực đất đai cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Việc giải quyết TTHC về đất đai đã được thực hiện trên phần mềm và trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và được hệ thống hóa bằng quy trình điện tử. Tuy nhiên, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thực tế còn nhiều phức tạp vì vấn đề lịch sự, đất đai, tranh chấp, nhiều lô đất phải tiến hành kiểm tra xác minh thực địa, cần nhiều loại hồ sơ chứng minh nên cần thời gian. Mặt khác, cán bộ Tài nguyên môi trường ở cấp xã tâm lý e ngại, sợ sai, áp lực nên xử lý còn chậm...

Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho biết, trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành rà soát, đề xuất xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, mong muốn các đại biểu chỉ tên những cán bộ, công chức vi phạm để có biện pháp xử lý nghiêm, minh bạch.

Anh-tin-bai

Đại biểu Nguyễn Hữu An – Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai điều hành phiên thảo luận tổ sẽ tiếp thu đầy đủ các nội dung đại biểu kiến nghị, tổng hợp báo cáo Kỳ họp

Kim Oanh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image