image banner

image advertisement image advertisement

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để công tác chuyển đổi số chuyển biến tích cực, thực chất

Chiều 21/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 586/KH-UBND của UBND tỉnh về chuyển đổi số. Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Lê Bá Hùng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ngành; thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá

Anh-tin-bai

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đặt vấn đề trước khi bước vào hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá trong thời gian qua, cấp ủy chính quyền các cấp cũng như các Sở, ngành đã có nhiều nỗ lực thực hiện nội dung của 2 Văn bản: Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc thực hiện chuyển đổi số cũng đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Chỉ số Chuyển đổi số năm 2022 (DTI) của tỉnh xếp thứ 52/63 tỉnh, thành, rất thấp trong khi đó mục tiêu đặt ra là đứng thứ 30-32 trong toàn quốc. Do vậy cần phải thẳng thắn nhìn nhận để tìm ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, với quan điểm chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu và động lực của chuyển đổi số là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Công tác chuyển đổi số phải được triển khai thực hiện liên tục, thường xuyên, kiên trì, không dàn trải và phải hiệu quả.

Thực tế với địa bàn có nhiều khó khăn, chúng ta phải lựa chọn hình thức đầu tư hạ tầng số phù hợp với điều kiện và phát huy hiệu quả. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số phải theo nguyên tắc có bước đi vững chắc và gắn với đổi mới sáng tạo; phù hợp với thực tiễn trong từng năm, từng giai đoạn và từng ngành, địa phương. Chuyển đổi số phải gắn với cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Với quan điểm, mục tiêu đặt ra và kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết số 09 và Kế hoạch 586, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hội nghị cần phải nhìn nhận, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan vào thực trạng, những hạn chế, tồn tại, từ đó có giải pháp thực hiện để công tác chuyển đổi số của Nghệ An chuyển biến tích cực thực chất.

Trong Nghị quyết số 09 và Kế hoạch 586 đã nêu rất rõ trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số thuộc trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời đề nghị Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chuyển đổi số để từ đó lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến người dân, cộng đồng doanh nghiệp.  

Chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành, địa phương

Thực hiện Nghị quyết số 09 và Kế hoạch số 586, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cũng đã chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành, địa phương mình. Đến nay, 100% các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số. Các Sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, học tập, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, người dân về tính cấp thiết và sự cần thiết của chuyển đổi số.

Về phát triển hạ tầng số, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 75,7%. Có 3.743/3.806 thôn, bản được phủ sóng băng rộng di động. Hiện đang thí điểm triển khai internet 5G tại thành phố Vinh. Phấn đấu trước năm 2025, 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh được phủ sóng thông tin di động.

Việc phát triển nhân lực chuyển đổi số được quan tâm. Toàn tỉnh đã thành lập được 460 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 5.221 người tham gia; 3.793 Tổ cấp thôn, xóm với 18.093 người tham gia.

Về xây dựng chính quyền số, đã tiến hành số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung, hệ thống thông tin do Bộ, ngành triển khai. Tổ chức nâng cấp, bổ sung chức năng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Việc quản trị, vận hành hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh bước đầu có tác dụng hỗ trợ cho lãnh đạo như hệ thống camera giám sát giao thông và hệ thống xử lý phản ánh tương tác hiện trường tại IOC thành phố Vinh.

Về phát triển kinh tế số, xã hội số theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính tỷ trọng kinh tế số/GRDP tỉnh Nghệ An năm 2022 đạt 7,38%, đứng thứ 32/63 tỉnh/thành phố. Đóng góp cho kinh tế số hiện nay tại Nghệ An chủ yếu vẫn là kinh tế số ICT (khoảng 50-58%).

Anh-tin-bai

Lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo về kết quả thực hiện chuyển đổi số qua việc triển khai thực hiện Đề án 06

Tại hội nghị lãnh đạo các Sở, ngành: Công an tỉnh, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và các địa phương: Thành phố Vinh, Thanh Chương, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai đã báo cáo cụ thể kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế cần khắc phục, bài học kinh nghiệm; những mô hình hay trong quá trình triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thời gian qua; đồng thời đề xuất một số nội dung để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.

Công tác chuyển đổi số phải được triển khai thực hiện liên tục, thường xuyên, kiên trì, không dàn trải và phải hiệu quả

Anh-tin-bai

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu thực hiện công tác chuyển đổi số phải liên tục, thường xuyên, kiên trì mang lại hiệu quả thực chất

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá sau 01 năm thực hiện Nghị quyết 09 và Kế hoạch 586 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Điểm qua những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã chỉ rõ những nguyên nhân và lưu ý cần phải được khắc phục trong thời gian tới. Đó là nhận thức về chuyển đổi số ở một số Sở, ngành, địa phương chưa thực sự rõ ràng, chưa định hình được nội dung triển khai chuyển đổi số; người đứng đầu một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số.

Tỉnh chưa thu hút được các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị.

Việc phát triển hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, do thiếu điện lưới, địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Mặt khác, kinh phí dành cho chuyển đổi số chưa tương xứng với các nhiệm vụ đặt ra.

Thực tế Hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý và điều hành ở một số địa phương, ngành chưa có sự kết nối liên thông và chia sẻ. Các nhiệm vụ về xây dựng đô thị thông minh, trung tâm IOC vẫn chưa đạt được yêu cầu. Ngoài ra, kinh tế số của tỉnh đạt được kết quả khá khiêm tốn.

Một lần nữa nhấn mạnh về nguyên tắc: Công tác chuyển đổi số phải được triển khai thực hiện liên tục, thường xuyên, kiên trì, không dàn trải và phải hiệu quả, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 09 đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là tiếp tục bám sát các văn bản, chủ trương của Trung ương; tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh;  triển khai công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về chuyển đổi số.

Đối với việc phát triển chính quyền số, cần tập trung số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ưu tiên chỉ đạo các ngành, lĩnh vực quan trọng có đóng góp lớn cho GRDP như: Công thương, Du lịch, Nông nghiệp, logistic, Thông tin và truyền thông…

Về hạ tầng số, cần mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng dữ liệu số bảo đảm tập trung, kết nối, liên thông.

Về kinh tế số, xã hội số, cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, các cửa hàng bán lẻ, hộ sản xuất kinh doanh và người dân. Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số.

Mặt khác, rà soát, kiện toàn các quy chế, quy trình về quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức đánh giá và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp thống nhất toàn tỉnh.

Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực chuyển đổi số. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao kết quả đánh giá Chuyển đổi số (DTI). UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo triển khai phát sóng chuyên mục riêng về chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh cơ sở của địa phương.

Rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số, trong đó người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải là Trưởng Ban; xây dựng, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số hàng năm và giai đoạn 2022-2025. Đối với những Sở, ngành UBND cấp huyện chưa ban hành Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn và hàng năm cần phải quan tâm thực hiện.

Đồng thời, cần tập trung số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, Kho dữ liệu các ngành: Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Văn hóa; Nội vụ; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công Thương; Giao thông vận tải.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số Sở, ngành.

Phan Quỳnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image