image banner

image advertisement

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Sáng 29/9, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần thứ 6 để nghe và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị

Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, phân bố không đồng đều, chất lượng giáo dục toàn diện đang đứng ở mức dưới trung bình so với mặt bằng chung của cả nước và vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, không đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt còn có sự chênh lệch khá lớn giữa vùng thuận lợi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; năng lực hội nhập quốc tế chưa cao.

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành báo cáo quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết

Quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa đồng bộ, khoa học, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, khu vực miền núi, vùng cao có quy mô nhỏ lẻ, nhiều điểm trường, lớp ghép; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập, thừa thiếu cục bộ, số giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi, giáo viên đạt chuẩn quốc tế chưa nhiều.

Cơ chế chính sách còn nhiều bất cấp, chưa đồng bộ. Công tác chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Từ thực tiễn đó, yêu cầu cần phải ban hành Nghị quyết, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững GD&ĐT với quy mô hợp lý; có đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất đạt chuẩn; xây dựng môi trường giáo dục tốt, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền; chất lượng giáo dục, đào tạo dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ; phấn đấu đến năm 2030, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Nghệ An thuộc tốp đầu cả nước; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: Sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, các trường ở địa bàn sáp nhập đơn vị hành chính, giảm điểm trường lẻ và lớp ghép, chuyển đổi 40 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và 09 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS; xây dựng 03 trường mầm non, 09 trường phổ thông công lập tự chủ chi thường xuyên ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi; xây dựng 03 trường mầm non, 04 trường tiểu học, 05 trường trung học tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế.

Đảm bảo đủ số lượng giáo viên mầm non và ít nhất 95% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 75% trên chuẩn. Phấn đấu đủ tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp đối với tiểu học (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đảm bảo đủ 1,5 giáo viên/lớp); cơ cấu giáo viên hợp lý ở các cấp học. 100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 10% giáo viên tiểu học, 25% giáo viên trung học đạt trên chuẩn; 30% giáo viên ngoại ngữ, tin học đạt chứng chỉ quốc tế (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phấn đấu đạt 10%).

Đến năm 2030, tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô trường lớp, chuyển đổi 05 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và 02 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS; xây dựng 20% số trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, 05 trường phổ thông quốc tế; ít nhất 3% số trường mầm non, 5% số trường tiểu học và 5% số trường trung học công lập tự chủ chi thường xuyên ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi.

Đảm bảo đủ số lượng giáo viên ở các cấp học, có cơ cấu hợp lý; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 90% giáo viên mầm non, 20% giáo viên tiểu học và 40% giáo viên trung học đạt trên chuẩn; 40% giáo viên ngoại ngữ, tin học đạt chứng chỉ quốc tế theo yêu cầu của cấp học (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt 25%)...

Để thực hiện mục tiêu, dự thảo Nghị quyết đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Anh-tin-bai

Đ/c Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị xây dựng mô hình trường dân tộc bán trú phù hợp để phát triển giáo dục toàn diện cho các em học sinh

Đồng tình với cách đặt vấn đề cũng như nội dung dự thảo Nghị quyết của cơ quan soạn thảo – Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị, các đại biểu đã tập trung cho nhiều ý kiến vào các giải pháp thực hiện và những nội dung cần quan tâm để bổ sung vào Nghị quyết.

Từ thực tiễn cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại phòng Giáo dục các huyện miền núi bố trí chưa đủ, chủ yếu cử cán bộ biệt phái, các đại biểu đề nghị cần quan tâm bố trí cán bộ quản lý của phòng Giáo dục các huyện để đảm bảo chất lượng; bố trí đặc thù giáo viên tiếng Anh, Tin học cho vùng dân tộc, miền núi; giải quyết tình trạng giáo viên thừa và thiếu cục bộ với lộ trình giảm biên chế hợp lý.

Anh-tin-bai

Đ/c Trương Minh Cương – Bí thư huyện ủy Quế Phong phát biểu

Theo ý kiến của một số đại biểu, việc sáp nhập các điểm trường lẻ để tập trung đầu tư sẽ hiệu quả hơn. Việc tổ chức hệ thống trường dân tộc bán trú cần phải thực hiện tốt để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Tuy nhiên, khi xây dựng mô hình trường học bán trú, cần chú trọng đào tạo kỹ năng sống - tổ chức vừa học vừa làm, vừa chăm sóc sức khỏe vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng để các em được phát triển toàn diện. Để làm được, cũng cần phải quan tâm đến việc quy hoạch trường bán trú, nhất là phải dành quỹ đất để nhà trường xây dựng khu vực để cho các cháu học sinh được tham gia các hoạt động.

Cùng với đó, hướng đến mô hình trường liên thông vừa đào tạo văn hóa vừa phân luồng, hướng nghiệp để đào tạo, dạy nghề sớm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, đây cũng chính là giải pháp để đào tạo lao động có tay nghề - giải pháp thoát nghèo bền vững cho người dân.

Một số ý kiến cho rằng mặc dù có phát triển nhưng tốc độ phát triển giáo dục miền núi hiện đang rất chậm, mục tiêu Nghị quyết cần đi thẳng vào mục tiêu phát triển giáo dục miền núi, dân tộc thiểu số. Chỉ tiêu dự thảo Nghị quyết đề ra rất cao cho các huyện miền núi, trong khi thực tế thời gian qua, một số chỉ tiêu như tuyển dụng giáo viên bộ môn Ngoại ngữ, Tin học rất khó khăn nhất là giáo viên Ngoại ngữ. Tỷ lệ học sinh mầm non được tiếp cận ngoại ngữ cũng không đạt được. Do đó, cần đưa ra chỉ tiêu phù hợp để dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, góp ý vào nội dung phát triển giáo dục toàn diện, có ý kiến cho rằng: Quan điểm nâng cao giáo dục toàn diện đòi hỏi 3 yếu tố - Trí, thể, mỹ. Tuy nhiên cơ bản nội dung của Nghị quyết mới chỉ tập trung vào Trí, chưa thể hiện việc đầu tư vào giáo dục thể chất và thẩm mỹ. Vì vậy, đề nghị có giải pháp cụ thể và chú trọng vào 2 yếu tố còn lại.

Để xây dựng được các mục tiêu của Nghị quyết, theo các đại biểu cần thiết và quyết định phải có cơ chế đặc thù ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, nhất là vùng miền núi, dân tộc thiểu số do vậy các địa phương đề nghị bổ sung giải pháp nguồn lực để có cơ sở phân bổ nguồn lực hàng năm dành cho nội dung này. Cùng với nguồn ngân sách của nhà nước, cần đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục...

Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị cần phải có giải pháp để tạo sự phát triển hài hòa giữa các trường công lập với các trường dân lập, tư thục...

Anh-tin-bai

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận

Qua nghe ý kiến của các đại biểu, nghiên cứu nội dung dự thảo Nghị quyết, phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định: Giáo dục là vấn đề lớn, rất quan trọng; giáo dục toàn diện là vấn đề mà chúng ta đang theo đuổi.

Do đó, tại Nghị quyết này chỉ đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, và trong phần thực hiện Nghị quyết sẽ giao cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án phát triển giáo dục khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nội dung sâu hơn, giải pháp mạnh hơn để tập trung nguồn lực xây dựng; dễ thực hiện và đánh giá.

Nhắc lại khái niệm về giáo giáo dục toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong giải pháp cần phải thật cụ thể cho từng nội dung giáo dục kiến thức, phẩm chất, lý tưởng, kỹ năng sống... và cần có sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục toàn diện. Nội dung dự thảo Nghị quyết đang nặng về kiến thức, nên cần nghiên cứu để nhấn mạnh đi sâu vào nội dung giáo dục kỹ năng sống, đạo đức. Một số chỉ tiêu cần thảo luận thống nhất để đưa vào hợp lý.

Nhấn mạnh về vấn đề xã hội hóa, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phải hiểu xã hội hóa trong pham vi rộng và ở tất cả các cấp học. Vừa qua, xã hội hóa giáo dục mới chủ yếu tập trung vào bậc học mầm non và những vùng phát triển. Xã hội hóa chính là để có thêm nguồn lực từ trong dân, trong các đơn vị, tổ chức...  để xây dựng cơ sở vật chất. Việc xã hội hóa không phải chỉ dừng ở việc xây dựng được bao nhiêu trường dân lập, trường tư thục... Xã hội hóa là để cả xã hội cùng chung tay về nguồn lực để đầu tư vào cơ sở vật chất và các nội dung khác của giáo dục; khuyến khích xã hội hóa giáo dục tại các khu vực tập trung đông dân cư, có điều kiện phát triển.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu là cần phải xác định nguồn lực triển khai thực hiện Nghị quyết, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phải nghiên cứu rõ hơn các nguồn lực từ đâu để dễ triển khai và thực hiện Nghị quyết hiệu quả.

Đối với việc xây dựng Đề án phát triển giáo dục và đào tạo tại khu vực miền núi và dân tộc thiểu số, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị các huyện miền núi cần chuẩn bị tâm thế xây dựng mô hình trường bán trú, trong đó quan tâm đến vấn đề quy hoạch dành quỹ đất phù hợp để có không gian cho các em học sinh vừa học, vừa làm, vừa tham gia các sinh hoạt tập thể, cộng đồng... Đây là giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện thực tiễn tại các huyện miền núi để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của khu vực này. Các huyện cần phải chủ động nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương để xây dựng. Vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ các địa phương phải rà soát lại, phải giải quyết trên góc độ khoa học, khách quan. Trước khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên ở bộ môn Ngoại ngữ và Tin học, các huyện miền núi cần đưa vấn đề này ra bàn thảo và có lộ trình cụ thể cùng với cơ chế của tỉnh để đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy cho bộ môn này.

Phan Quỳnh


 
 
 
 
 
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image