image banner
Tập trung giữ vững và bảo vệ thành quả chống dịch, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh

Chiều 28/9, Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An có buổi làm việc để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy Trưởng Trung tâm Chỉ huy chủ trì buổi làm việc.

Anh-tin-bai

Quang cảnh cuộc họp

Tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.823 bệnh nhân mắc COVID-19 ở 21 địa phương. Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 1.751 bệnh nhân; 17 bệnh nhân tử vong; 55 bệnh nhân hiện đang điều trị.

Đề nghị tạm dừng hoạt động bệnh viện Dã chiến số 1, số 2, số 4, số 5, số 6

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành Y tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã tạm thời ổn định, các ổ dịch đã cơ bản được khống chế. Các địa phương trên toàn tỉnh đã chuyển trạng thái sang thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc, nguy cơ xuất hiện ca nhiễm xâm nhập từ các địa phương khác và bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất cao, đặc biệt đối với thành phố Vinh.

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh báo cáo công tác phòng, chống dịch thời gian qua

Trong thời gian tới, lãnh đạo ngành Y tế đề nghị tiếp tục quán triệt toàn diện công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương; tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, không buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch. Thường xuyên cập nhật các chủ trương, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống dịch của từng cơ quan, đơn vị sát với tình hình thực tế; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Khẩn trương cập nhật các phương án, kế hoạch cho việc thích ứng an toàn, đáp ứng với dịch trong tình hình mới với phương châm “4 tại chỗ” và chủ trương mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sỹ” là chủ thể trong phòng, chống dịch...

Riêng đối với thành phố Vinh, ngành Y tế đề nghị cần thần tốc hơn nữa trong việc điều tra, truy vết triệt để các trường hợp có yếu tố tiếp xúc với ca bệnh COVID-19. Đánh giá các yếu tố nguy cơ từ đó xác định nguồn lây để mở rộng điều tra dịch tễ liên quan, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An cơ bản đã được kiểm soát, một số Bệnh viện Dã chiến không còn bệnh nhân COVID-19, Ngành y tế đã chỉ đạo tập trung số bệnh nhân COVID-19 còn lại chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 tỉnh Nghệ An tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh nghề nghiệp Giao thông 4 thị xã Cửa Lò nhằm tránh lãng phí nguồn lực; đồng thời xây dựng hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng với quy mô 150 giường bệnh ICU. Ngành Y tế đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định tạm dừng hoạt động bệnh viện Dã chiến số 1, số 2, số 4, số 5, số 6. Chuyển đổi Bệnh viện Dã chiến số 4, số 5, số 6 thành khu vực cách ly tập trung của tỉnh, giao Bộ chỉ huy quân sự chủ trì quản lý.

Đề xuất tổ chức các chuyến bay thương mại để đón công dân Nghệ An từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ trình bày kế hoạch đón công dân

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tổng số công dân Nghệ An sinh sống, học tập và làm việc ngoại tỉnh đã trở về quê do dịch COVID-19 thời gian qua khoảng trên 84.275 người. Trong đó, theo Kế hoạch số 396/KH-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh từ ngày 03/8 đến ngày 21/8/2021, tỉnh Nghệ An đã thực hiện 10 chuyến bay đón 2.121 công dân về quê; tổ chức đón công dân bằng đường bộ 82.154 người (trong đó công dân di chuyển tự do về quê 81.967 người).

Thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tạo điều kiện trong việc trao đổi, liên hệ và thống nhất phương án sớm tổ chức đưa số công dân về quê theo nguyện vọng, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch (Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu,...) 

Bên cạnh đó, có một số công dân vào thăm thân, chữa bệnh bị kẹt lại TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và học sinh cấp 2, cấp 3, sinh viên có nhu cầu về quê để đi học, phụ nữ có thai, trẻ em, gia đình có khả năng và nguyện vọng thiết tha muốn trở về địa phương bằng kinh phí tự túc... Việc trở về địa phương là nguyện vọng cấp thiết của nhiều bà con. Nhiều người đã và đang tiếp tục đi về bằng đường bộ khi đường hàng không chưa được kết nối lại. Trong thời gian tới, dự kiến số công dân, người lao động quê Nghệ An đang tạm trú các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai và các tỉnh giáp ranh tự phát đi về quê bằng phương tiện xe máy tiếp tục gia tăng.

Trước tình hình đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất UBND tỉnh cho phép vận chuyển hàng không và cách ly tập trung cho công dân Nghệ An tự trả 100% chi phí từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương tần suất 1-2 chuyến bay/tuần, mỗi chuyến bay hơn 200 khách, trong đó quan tâm ưu tiên đối tượng là phụ nữ có thai, trẻ em, học sinh, người đi thăm thân, công tác, chữa bệnh... bị mắc kẹt ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam bằng đường hàng không.

Về tổ chức đón công dân về bằng đường bộ, tiếp tục chốt chặn ở Cầu Bến Thủy, các điểm giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh,... để đón công dân về tự phát; phối hợp với các tỉnh để đón công dân tập trung (như với tỉnh Bắc Giang, Bình Thuận, Bình Phước).

Tại cuộc họp, lãnh đạo các ngành cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; đồng thời tập trung cho ý kiến vào phương án quản lý tài sản sau khi dừng hoạt động các bệnh viện dã chiến; việc kiểm soát người và phương tiện tại các chốt kiểm soát; phương án tổ chức đón các công dân trở về từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam bằng các chuyến bay thương mại; công tác tiêm phòng vắc xin; công tác truyền thông về phòng chống dịch. Vấn đề mở lại và quản lý hoạt động các chợ dân sinh; kiểm soát hoạt động vận tải; kiểm soát lao động tại các công trường; quản lý di biến động dân cư... được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch; quản lý chợ dân sinh, lao động tại các công trường

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề nghị Công an tỉnh và ngành Giao thông vận tải sớm thông báo điểm dừng nghỉ trên tuyến đường Quốc lộ 1A từ Nghệ An đến Thanh Hóa

Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phương châm mới

Anh-tin-bai

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá: Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, từng bước ổn định; tỷ lệ các ca nhiễm giảm sâu.

Để giữ và bảo vệ những thành quả đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tập trung thực hiện các biện pháp chống dịch cao hơn, chủ động hơn, tập trung hơn; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo các chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Y tế của tỉnh trên tinh thần trạng thái mới “thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả”.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục cập nhật các phương án phòng chống dịch, có kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình mới. Tổ chức đánh giá các mức độ nguy cơ dịch theo các cấp độ. Ngành Y tế trên cơ sở các văn bản hướng dẫn cụ thể hóa thành các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Chủ động các điều kiện về nguồn lực, nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ”...

Cùng với đó, đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ các địa bàn, di biến động dân cư theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, theo phương châm làng giữ làng, huyện giữ huyện”; tuy nhiên không được gây ách tắc. Cần phát huy vai trò của chính quyền cấp cơ sở, Tổ COVID cộng đồng trong việc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng; triển khai việc quản lý sức khỏe theo hộ gia đình.

Tiếp tục tổ chức các điểm chốt, triển khai ứng dụng các phần mềm quản lý dân cư, không tạo ra phiền hà nhưng vẫn kiểm soát được việc đi lại của người dân. Việc quản lý phương tiện đi qua trên địa bàn tỉnh rất khó, do đó cần khuyến cáo các địa phương phải tham gia hoạt động kiểm soát các phương tiện đi qua trên địa bàn. Các ngành Công an tỉnh, Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương để quản lý chặt chẽ các phương tiện nhưng không tạo ra ách tắc.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tiếp tục triển khai các phương án khoanh vùng, phong tỏa, xét nghiệm khi phát hiện F0 theo hướng nhanh nhất, tập trung nhất, hẹp nhất, hiệu quả nhất. Tiếp tục quan tâm đến việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, chú ý lựa chọn địa bàn, đối tượng, lĩnh vực để tổ chức xét nghiệm theo tần suất quy định.

Triển khai phương án tiêm chủng an toàn, hiệu quả sớm nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”; ưu tiên tiêm cho các đối tượng đã được quy định như lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, tiểu thương, lái xe... trong điều kiện được phân bổ vắc xin chưa nhiều.

Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của Sở Y tế về dừng các Bệnh viện Dã chiến 1, 2, 4, 5, 6. Tập trung xây dựng, hoàn thiện Bệnh viện Dã chiến tại khu B Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Triển khai xây dựng 150 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát để trưng dụng các Bệnh viện Dã chiến đã dừng hoạt động để làm các cơ sở cách ly tập trung.

Để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là các cơ sở tập trung đông người, có nguy cơ lây nhiễm theo tinh thần đột xuất, bất ngờ.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Xây dựng phương án tổ chức các chợ dân sinh đảm bảo an toàn.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để cảnh báo nguy cơ và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 để người dân chủ động phòng chống dịch và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để mỗi người dân tự ý thức+5K+vắc xin để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng; khuyến khích người dân có thể tiến hành tự xét nghiệm cho bản thân.

Về việc đón công dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về, hiện nay nhu cầu trở về của người dân rất lớn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh để xin ý kiến về việc tổ chức các chuyến bay thương mại để đón công dân trở về. Đối với các trường hợp người dân gặp khó khăn, không có điều kiện, Trung tâm Chỉ huy sẽ có tính toán phương án hỗ trợ, báo cáo Ban chỉ đạo xem xét để có sự hỗ trợ phù hợp trong điều kiện khả năng của tỉnh.  

Đối với nhóm công dân về tự do, các ngành quan tâm, bố trí các điểm cách ly tập trung để khi có công dân về đảm bảo các điều kiện cách ly.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy kết quả phòng chống dịch trong thời gian qua, thực hiện có hiệu quả các biện pháp trong thời gian tới để người dân sớm quay lại cuộc sống “bình thường mới” an toàn và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng như cả nước.

Quỳnh - Thúy

 
 
 
 
 
 
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image