Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ
Chiều 03/02, diễn ra Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo; Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cùng chủ trì phiên họp.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Nghệ An
Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2022, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...
Phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 699 TTHC trên 100 lĩnh vực
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo. Ảnh TTXVN
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh Chính phủ
Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 09 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua đối với 12 dự án luật; 06 nghị quyết. Các Bộ, ngành đã ban hành khoảng 403 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 131 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định.
Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022, các Bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.358 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý. Trong năm, đã cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, gồm: 488 TTHC, 8 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 46 yêu cầu, điều kiện; 21 chế độ báo cáo và 478 sản phẩm, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 699 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13.47%) thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Về triển khai thực hiện Đề án 06: Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức đối với 12 đơn vị Bộ, ngành; 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương. Theo thống kê, đến nay đã cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu được giao tại Đề án.
Tại địa phương, năm 2022, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Lũy kế đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc giải quyết nhân sự dôi dư sau khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính từ năm 2019 đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến nay, cấp huyện dôi dư sau sắp xếp là 706 người, đã giải quyết được 361 người, đạt 51,10. Cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 9.705 người, đã giải quyết được 6.657 người, đạt 68,60%. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 8.448 người, đã giải quyết được 7.956 người đạt 94,20%.
Thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh Chính phủ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đảng ta đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược, bởi đây là lĩnh vực còn nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm tư. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính.
Năm 2023, sau khi ban hành Nghị quyết 01 của Chính phủ vào đầu tháng 1 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03 chỉ đạo, đôn đốc thúc đẩy công việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, 3 đột phá chiến lược để thực hiện. Các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt chủ đề điều hành năm 2023 của Chính phủ là "Đoàn kết kỷ cương - Bản lĩnh linh hoạt - Đổi mới sáng tạo - Kịp thời hiệu quả".
Nhấn mạnh ý nghĩa của công tác CCHC; nêu bài học kinh nghiệm, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, và nguyên nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Năm 2023 xác định là năm dữ liệu số, do đó cần phải triển khai đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương để tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu.
Về quan điểm, yêu cầu CCHC, Thủ tướng nêu rõ, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó. CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thông suốt, quyết tâm hành động từ Trung ương xuống địa phương theo tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, đi đầu trong cải cách.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC. Phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm nghiêm minh.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nhiệm vụ bao trùm là: "Tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội khối Nhà nước, quy định kinh doanh, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ. Các địa phương kiện toàn các Ban chỉ đạo CCHC do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; Bộ Nội vụ hướng dẫn để thực hiện thống nhất.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong công tác CCHC, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban hành kế hoạch CCHC năm 2023 của các Bộ, cơ quan, địa phương trước ngày 15/2/2023.
Phan Quỳnh