Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp số, công nghệ thông tin, số hóa kinh tế số, quản trị số
Chiều 28/12, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì phiên họp tại điểm cầu Nghệ An
Vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu quốc gia
Theo báo cáo tại phiên họp, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó: 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 81%.
Cơ quan nhà nước đã đưa vào vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia. Tỷ lệ các Bộ, tỉnh đã xác định danh mục CSDL đạt 64%. Số CSDL chuyên ngành tại các Bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 CSDL lên 2.087 CSDL. Việc công bố kế hoạch và danh mục dữ liệu mở tăng mạnh từ 9% lên 52% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số.
Về việc xoá các điểm lõm sóng, trong giai đoạn 2021 – 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng di động tại 2.433/ 2.853 vùng lõm sóng. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 620 thôn lõm sóng. Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15-30% so với năm 2022.
Chương trình, chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã xác định triển khai các nền tảng số là giải pháp để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chương trình phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia gồm 38 nền tảng (trong đó, 8 nền tảng cho Chính phủ số; 12 nền tảng cho kinh tế số; 11 nền tảng cho xã hội số và 7 nền tảng đa mục tiêu). Mỗi một nền tảng số do một Bộ, ngành chủ trì; tới nay đã đánh giá, công bố 8 nền tảng số quốc gia với tổng lượng người dùng thường xuyên vào khoảng 150 triệu người dùng/tháng.
Đến hết năm 2023, toàn quốc đã triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến, trong đó 48,5% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 38,3%; ước tính tiết kiệm được gần 37 triệu giờ làm việc của người dân so với việc thực hiện dịch vụ công theo cách truyền thống, tương đương với tiết kiệm được 1.274 tỷ đồng.
Kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần tăng GDP. Tuy nhiên, tốc độ tăng này được dự báo sẽ chậm lại trong một vài năm tới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định kinh tế số ngành, lĩnh vực là không gian mới, tiềm năng để tỷ trọng kinh tế số đạt 20% vào năm 2025, 30% vào năm 2030. Việt Nam có 5 ngành, lĩnh vực có tiềm năng gồm: Nông nghiệp, Du lịch, Dệt may, Logistics và Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chip, 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tỷ lệ người dân trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt trên 77%, tăng 51% so năm 2022. Các giao dịch thanh toán được thực hiện trên môi trường mạng đã tăng 66% về số lượng, tăng 4% về giá trị; giao dịch qua điện thoại di động tăng 63% về lượng và 8,8% về giá trị; giao dịch qua mã QR tăng 124% về lượng và 16% về giá trị…
Phải đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược trong chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã điểm lại những kết quả chuyển đổi số Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, sự tham gia, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác chuyển đổi số. Theo Thủ tướng Chính phủ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên quan trọng nhất là do người đứng đầu. “Người đứng đầu có quan tâm đến công tác chuyển đổi số hay không; có lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra giám sát công tác chuyển đổi số hay không…” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ thống nhất với chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp số, công nghệ thông tin, số hóa kinh tế số, quản trị số - Động lực tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu luôn phải đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược trong chuyển đổi số. Theo đó, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt với phương pháp khoa học bám sát thực tiễn và hiệu quả, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, tạo đột phát phát triển toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp đến cùng, nỗ lực đột phá, vươn lên trong phát triển kinh tế số ngang tầm khu vực và quốc tế.
Phát triển kinh tế số lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu; công nghệ số làm động lực, cốt lõi; hạ tầng số làm nền tảng quan trọng để đẩy nhanh công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi số. Huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế số; xây dựng cơ chế chính sách để tận dụng mọi nguồn lực nhằm phát triển mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng số, dữ liệu số đồng bộ hiện đại, có tính liên thông cao làm cơ sở cho phát triển thương mại điện tử, nâng cao chất lượng.
Phát triển kinh tế số phải tổng thể, toàn diện nhưng ưu tiên chất lượng hơn là đề cao số lượng. Tập trung ưu tiên phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động; ưu tiên quản trị số, dữ liệu số…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tích cực chủ động, kịp thời và hiệu quả hơn trong việc phối hợp với Bộ Công an khai thác toàn diện hiệu quả Cơ sở dữ liệu về dân cư phục vụ cho các thủ tục hành chính cho người dân, giảm chi phí đầu vào, giảm thời gian đi lại cho người dân,… góp phần làm cho cơ sở dữ liệu “đúng – đủ - sạch – sống”... Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện Chuyển đổi số.
PT