Phát huy lợi thế chiến lược, nắm bắt vận hội lớn để phát triển nhanh, bền vững

Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy


Ngày 30/7/2013, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề về một tỉnh. Cổng Thông tin điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy, thể hiện trách nhiệm, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong việc tập trung mọi lợi thế, nguồn lực, vận dụng thời cơ, vận hội quan trọng có tính lịch sử đang mở ra với Nghệ An để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các đồng chí lãnh đạo tỉnh

kiểm tra tiến độ thi công Đại lộ Vinh - Cửa Lò. Ảnh: Hữu Nghĩa.


Những lợi thế cơ bản để trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung bộ


Nghệ An là một tỉnh có nhiều thế mạnh về điều kiện tự nhiên và xã hội, có tiềm năng và vị trí chiến lược để trở thành một trung tâm liên kết phát triển của vùng Bắc Trung bộ. Có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (16.500 km2); dân số đứng thứ 4 của cả nước (3,2 triệu người); đường biên giới giáp Lào dài nhất cả nước (419 km); có 6 dân tộc và 83% diện tích là miền núi, có rừng quốc gia Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt, tạo thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á; có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và giá trị như vàng, thiếc, mang gan, đá trắng, đất sét, đá vôi… và vùng nguyên liệu rộng lớn để phát triển công nghiệp, vật liệu xây dựng.


Nghệ An hiện có 21 đơn vị hành chính, trong đó có 1 đô thị loại I (Thành phố Vinh), 1 đô thị loại III (Thị xã Cửa Lò), có 2 thị xã trẻ: Thái Hòa và Hoàng Mai, và 17 huyện. Cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ: có 6 quốc lộ chạy qua, có sân bay Vinh, cảng biển quốc tế Cửa Lò, có cửa khẩu quốc tế, quốc gia gắn kết Lào, Thái Lan, Myanma với Nghệ An tạo hành lang kinh tế Đông - Tây, có đường tàu Bắc - Nam và nhà ga tại trung tâm tỉnh lỵ. Có thế mạnh về nguồn nhân lực với đội ngũ trí thức đông đảo ở khắp các lĩnh vực và lực lượng lao động dồi dào. Nghệ An là địa phương có truyền thống văn hóa đặc sắc và chiều dày lịch sử với nhiều danh nhân, danh tướng, di tích lịch sử văn hóa lâu đời, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Hiện dân ca ví dặm xứ Nghệ đang được đề nghị UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại.


Nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã nỗ lực phấn đấu để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Đặc biệt sau 10 năm thực hiện Kết luận số 20 KL/T.Ư ngày 2/6/2003 của Bộ Chính trị khóa XIX về “Một số chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2005 và 2010”, kinh tế - xã hội tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc: Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm 2006-2010 đạt 9,75%, bình quân giai đoạn 2011-2012 tăng trưởng 8,18%; GDP bình quân năm 2012 đạt 20,23 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2002; Thu ngân sách năm 2012 đạt: 5.692 tỉ đồng, gấp 3,62 lần 2003 (1.570 tỷ đồng). Đã hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm, 1 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp…


Dấu ấn phát triển trong 10 năm được thể hiện cụ thể trên nhiều phương diện: Miền Tây Nghệ An có sự chuyển biến rõ nét về kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống nhân dân, Thành phố Vinh phát triển thành đô thị loại 1, Thị xã Cửa Lò đã được công nhận là đô thị loại 3, thành lập mới 2 thị xã Thái Hòa và Hoàng Mai; giáo dục phát triển mạnh mẽ, thành tích giáo dục vào tốp đầu của cả nước, thành lập thêm 5 trường đại học, 8 trường cao đẳng và trung cấp nghề; đã thu hút 34 ngân hàng thương mại với vốn huy động 6 tháng đầu năm 2013 đạt trên 86.000 tỷ đồng… Sân bay Vinh tăng trưởng nhất cả nước năm 2012 (đạt 26% trong khi cả nước 5.8%).


Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh và ngày càng đồng bộ, nhiều bệnh viện mới được xây dựng như: Bệnh viện 700 giường, Bệnh viện Chấn thương, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Ung bướu, các bệnh viện Tây Bắc, Tây Nam Nghệ An…; nhiều dự án lớn được triển khai thu được hiệu quả như Nhà máy bia Sabeco, Habeco, bao bì, khách sạn 5 sao, sân gôn, Nhà máy sữa TH True milk... 3 nhà máy thủy điện lớn: Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố... phát huy hiệu quả. Đang tích cực triển khai các hạng mục dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Tân Thắng.


Nhiều lĩnh vực đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ cao, đã và đang hình thành Trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ. Một số lĩnh vực đang trên đà vươn lên mạnh mẽ, đã và đang trở thành vị trí hàng đầu của khu vực như: Thương mại – du lịch; tài chính, ngân hàng; khoa học - công nghệ; y tế, giáo dục và đào tạo; văn hóa - thể thao; công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…


Con người, truyền thống văn hóa cách mạng và tiềm năng thế mạnh đang là nguồn lực mạnh mẽ để Nghệ An hội nhập và phát triển.

Thời gian qua lĩnh vực quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững, ổn định; công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị được tăng cường và phát huy. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng và hoạt động đúng hướng, hiệu quả.


Khó khăn, thách thức trong hành trình phát triển


Bên cạnh những thế mạnh và thuận lợi cơ bản, con đường phát triển của Nghệ An vẫn đang gặp những khó khăn, thách thức, những trở ngại và lực cản không nhỏ cần phải nhanh chóng vượt qua. Nghệ An vẫn trong tình trạng một tỉnh nghèo với thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tăng trưởng thấp và chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa và sức lao động thấp… Một số chủ trương chưa đạt yêu cầu; một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đặt ra; nhiều dự án, công trình trọng điểm chậm phát huy hiệu quả. Thu hút đầu tư chưa xứng với tiềm năng. Chưa có dự án lớn mang tính đột phá và làm động lực cho phát triển kinh tế.


Trong đời sống xã hội vẫn còn một số vấn đề nảy sinh, bức xúc kéo dài, chưa được giải quyết kịp thời, triệt để. Tệ nạn buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy còn phức tạp; các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn còn nhiều; tỷ lệ người sinh con thứ 3 cao; việc giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường còn nhiều tồn tại, thiếu đồng bộ và một số nơi còn gây nhức nhối.


Công tác tư tưởng, định hướng dư luận chưa kịp thời; tình hình phát triển đảng viên vùng đặc thù, khu vực nông thôn còn khó khăn; việc nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng có lúc, có nơi còn nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, ngay trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn có lúc tính cộng sự, hợp lực chưa cao.


Sở dĩ còn có những khó khăn, yếu kém nói trên là bởi một số nguyên nhân khách quan và chủ quan chính như sau: Nghệ An đất rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, diện tích miền núi lớn; khí hậu khắc nghiệt, lắm thiên tai, chịu ảnh hưởng rõ rệt của các tác động về biến đổi khí hậu như tình trạng hạn hán, lụt lội, lũ ống, lũ quét, ngập mặn diễn biến bất thường…; dân số đông và trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế.


Cùng với đó là điểm xuất phát thấp; tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bảo thủ, ngại khó… còn nặng nề, còn do dự trong đổi mới, tiếp cận cách làm ăn mới, cá biệt còn có bộ phận thiếu ý thức chủ động để thoát nghèo. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì tinh thần đoàn kết, cộng sự, tính thống nhất có lúc chưa cao; cải cách hành chính, thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu. Hoạt động đối ngoại, hợp tác đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế.


Để đưa Nghệ An bước lên con đường phát triển mới phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi có tính lịch sử, cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp có trách nhiệm lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Cổ vũ năng lực sáng tạo, ý chí vượt khó của con người Nghệ An, phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết, cộng sự, quyết tâm đổi mới quyết liệt để giành thắng lợi trên mọi lĩnh vực. Có như thế mới thực sự khơi dậy được sức mạnh nội lực và thu hút được sức mạnh ngoại lực, tạo đà bứt phá mạnh mẽ cho Nghệ An trên đường phát triển.


Thời cơ, thuận lợi có ý nghĩa


Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 là một nghị quyết vô cùng quan trọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt, quyết tâm chính trị của Bộ Chính trị đối với Nghệ An. Đồng thời đây cũng là văn kiện có tính lịch sử trong việc khẳng định Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ về chủ trương, hỗ trợ cụ thể bằng cơ chế, chính sách, sẵn sàng đầu tư nguồn lực phù hợp để giúp Nghệ An phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.


Đây là vinh dự đặc biệt và cơ hội chỉ riêng có của Nghệ An, cổ vũ tinh thần và đồng thời cũng đặt ra yêu cầu toàn thể Đảng bộ, nhân dân Nghệ An phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thật sự xứng đáng với sự quan tâm, trách nhiệm mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ đã dành cho Nghệ An. Vì vậy, đòi hỏi thời gian tới Nghệ An tiếp tục vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đặc biệt là Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020, tập trung mọi nguồn lực, sức mạnh, để thực hiện mục tiêu tổng quát là xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía bắc vào năm 2015, đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, là trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ.


Cùng với mục tiêu tổng quát trên, Nghệ An xác định một số định hướng lớn cho các ngành, lĩnh vực chủ yếu như sau:


Trước hết, xác định tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, tài nguyên; công nghiệp tạo sản phẩm chủ lực tăng trưởng nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm đạt từ 16 -17% năm, giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 khoảng 45000 tỷ đồng, chiếm 60% giá trị tăng trưởng trong toàn tỉnh.


Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, tập trung vào 4 lĩnh vực: tài chính – ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực, y tế, thương mại - du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng tốt, hiện đại như sân bay quốc tế, cửa khẩu Thanh Thủy, cảng Cửa Lò, Đông Hồi, ga Vinh, hệ thống quốc lộ, đô thị và khu kinh tế, công nghiệp.


Thứ ba là, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và kinh tế biển. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng, chế biến; phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để tăng giá trị hàng hóa và sức cạnh tranh của sản phẩm; mở rộng diện tích thâm canh, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; phát triển kinh tế biển gắn với công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp đóng tàu và sửa chữa cơ khí vận tải biển.


Thứ tư là, phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội; phát triển giáo dục – đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ, lao động việc làm xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh và truyền hình. Về định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội, hoạch định không gian phát triển kinh tế theo hướng: Trung tâm là Thành phố Vinh – Cửa Lò và 3 vùng động lực phát triển là: Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An gắn vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai – Đông Hồi gắn vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An và vùng Tây Nghệ An.


Để thực hiện các mục tiêu, định hướng lớn nói trên, thời gian tới Nghệ An sẽ tập trung chỉ đạo thực hiệt tốt các giải pháp, chính sách một cách quyết liệt, đồng bộ. Cụ thể như sau:


Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tạo sự chuyển biến tích cực, thông suốt về nhận thức, đổi mới về tư duy trong Đảng bộ và nhân dân. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng đô thị để phù hợp với phát triển bền vững. Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, dự án, cơ chế, chính sách để thực hiện nghị quyết. Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân quyết tâm nỗ lực thực hiện vì sự giàu mạnh của tỉnh nhà.


Hai là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng phát triển để đảm bảo mục tiêu phát triển cao, đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tăng cường thu hút, xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh tế chặt chẽ với các tỉnh để tạo liên kết vùng cùng phát triển. Tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế một cách hiệu quả và bền vững. Đặc biệt là thu hút nhiều dự án FDI công nghệ hiện đại, vốn lớn.


Ba là, tập trung phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là một thế mạnh, là lợi thế mang tính “đối ứng” của Nghệ An đối với các nhà đầu tư. Quan tâm công tác đào tạo nghề để cung ứng nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn, trong khu vực và quốc tế. Hình thành và phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao, trước mắt là công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp, công nghiệp sạch.


Bốn là, tập trung phát triển văn hóa. Huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa – xã hội bằng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp. Hình thành và phát triển một số cơ sở trọng điểm chất lượng cao về giáo dục, y tế, khoa học đóng vai trò trung tâm của tỉnh, của vùng.


Năm là, có giải pháp xây dựng công trình chống biến đổi khí hậu và chăm lo bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về môi trường đối với mọi người dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nức về môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường.


Sáu là đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt là cửa khẩu Thanh Thủy, cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi, sân bay quốc tế, quốc lộ, tỉnh lộ và hạ tầng các khu công nghiệp; xây dựng Thành phố Vinh và 3 thị xã trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh, tạo lan tỏa lớn. Triển khai quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cả tỉnh. Lựa chọn một số công trình quan trọng nhằm tạo sự đột phá lớn để tập trung đầu tư. Tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ của Chính phủ, tích cực vận động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các tổ chức quốc tế và các chính phủ trên thế giới.


Bảy là đẩy mạnh liên kết vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ và vùng Nam Nghệ - Bắc Hà. Chủ động sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy lợi thế riêng có của tỉnh, của vùng; thiết lập cơ chế phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.


Tám là tiếp tục cải cách hành chính, đổi mới chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ phân cấp quản lý điều hành cho các huyện, ngành. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức năng động, hiệu quả, giám nghĩ, giám làm vì dân, giám chịu trách nhiệm. Có cơ chế, chính sách để thúc đẩy năng lực sáng tạo, nâng cao năng suất lao động. Huy động nguồn lực con em Nghệ An thành đạt, xa quê đầu tư về tỉnh nhà.


Chín là tăng cường các giải pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Chủ động đối phó với mọi tình huống, không để bất ngờ xảy ra.


Mười là tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, hiêu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển của tỉnh. Đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, tổ chức thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Trên đây là một số nhiệm vụ, giải pháp cần huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả vì sự phát triển, giàu mạnh của tỉnh nhà.

Nguồn: Báo Nghệ An (7/8/2013)

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập