image banner

image advertisement image advertisement

Nhiều nội dung liên quan đến người dân được giải trình, làm rõ tại phiên thảo luận tại hội trường

Sáng 13/7, Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tiếp tục phiên làm việc tại hội trường. Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp.

Tham dự Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Anh-tin-bai

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Trong phiên thảo luận sáng nay, lãnh đạo các ngành đã trả lời, làm rõ những nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của các địa phương ở lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, chất lượng nước sinh hoạt; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công; các giải pháp phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngành cũng đã làm rõ một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết được đại biểu quan tâm cho nhiều ý kiến.

Đề nghị UBND tỉnh thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành làm rõ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn TP Vinh

Về ý kiến của đại biểu đề nghị quan tâm đến vấn đề sử dụng nước sạch cho các huyện miền núi, cơ chế kiểm định nước sạch cần cụ thể, chất lượng hơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Đệ cho biết, đến hết năm 2021, tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại Nghệ An mới đạt 86%; tỷ lệ dân nông thôn dùng nước sạch theo quy chuẩn mới chỉ đạt hơn 50%. Trên địa bàn nông thôn tỉnh Nghệ An đã được đầu tư đưa vào sử dụng 517 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với tổng công suất thiết kế 63.961 m3/ngày đêm, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 110.000 hộ dân trên địa bàn 160 xã. Trong đó, có 29 công trình hoạt động bền vững, 174 công trình hoạt động tương đối bền vững, 187 công trình hoạt động không bền vững, 127 công trình ngừng hoạt động.

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Đệ giải trình các vấn đề liên quan

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030 trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn nói chung và cho các huyện miền núi nói riêng đến năm 2030.

Kết quả điều tra, đánh giá giám sát chất lượng nước sạch tại các Nhà máy nước sạch khu vực nông thôn vùng đồng bằng ven biển trong những năm qua cơ bản đạt QCVN 02:2009/BYT. Đối với công trình cấp nước nông thôn với quy mô nhỏ, manh mún, đặc biệt là công trình miền núi hầu hết mới chỉ đáp ứng QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế (nước hợp vệ sinh), do các công trình chủ yếu tự chảy, lắng lọc qua bể, chứ không có công nghệ để xử lý như các công trình cấp nước tập trung khác.

Làm rõ nội dung phản ánh của cử tri đối với vấn đề cấp nước sạch sinh hoạt tại thành phố Vinh trong tháng 6/2022 có hiện tượng đục, màu ố vàng tại các hộ gia đình ở một số phường, xã trên địa bàn thành phố Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan như: Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Tài chính đã thực hiện kiểm tra tại thực địa hệ thống từ nhà máy đến các hộ nhà dân từ ngày 20-28/6.

Qua báo cáo kết quả sơ bộ bước đầu, nước đầu vào sông Đào và sông Lam không có biến động nhiều so với các năm trước, có một vài chỉ số không đạt yêu cầu. Về nước sạch đầu ra, qua kết quả xét nghiệm của Sở Y tế cho tổ chức kiểm tra theo định kỳ thì cũng phát hiện từ 1-3 chỉ số chưa đạt. Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng nước tại nhà máy và chất lượng các hộ nhà dân là có sự chênh lệnh về chỉ số xét nghiệm hóa học cả chỉ số về vật lý. Tại nhà máy chất lượng nước sạch cơ bản đảm bảo nhưng một số khu vực tại nhà dân nước có hiện tượng đục, thậm chí rất đục.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy nước sản xuất cung cấp trên địa bàn thành phố Vinh có 3 nhà máy: Nhà máy nước Hưng Vĩnh, Nhà máy nước Cầu Bạch, Nhà máy nước Hưng Nguyên. Qua kết quả xét nghiệm không phải các khu vực nước đều đục. Về nguyên nhân bước đầu xác định là do trong quá trình vận chuyển từ nhà máy đến các hộ gia đình.

Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo trong thời gian qua thuộc về Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An không kịp thời báo cáo UBND tỉnh và các cấp phản ánh tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, chất lượng nước cơ bản đã được đảm bảo, các sở, ngành đã vào cuộc để xét nghiệm các chỉ số nước thô đầu vào, nước đầu ra. Sở xây dựng đã báo cáo UBND tỉnh kiến nghị các giải pháp tìm ra nguyên nhân sự cố vừa rồi, đồng thời đề xuất các sở, ngành tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác này. Trong đó, Sở TN&MT tăng cường quản lý kiểm tra chất lượng nước thô đầu vào. Sở Tài chính và Y tế kiểm tra chất lượng nước đầu ra; Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường, làm rõ các nội dung Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An kiến nghị; Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra công nghệ đánh giá xử lý nước. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng và Công an tỉnh đề nghị UBND tỉnh thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành do Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành làm rõ các nội dung, chất lượng nguồn nước sinh hoạt, nguyên nhân sự cố vừa qua.

Làm rõ các nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa – xã hội

Tại phiên thảo luận, đại biểu Chu Đức Thái – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đề nghị làm rõ tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh giải trình

Về nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tương đối ổn định, chỉ thiếu một số loại thuốc đông y và thuốc điều trị ung thư. Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng bệnh nhân tăng; bất cập trong việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế; do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các chuỗi sản xuất thuốc bị đứt gãy; các doanh nghiệp e ngại trong việc cung ứng thuốc và vật y tế; tâm lý e ngại và năng lực của các đơn vị y tế trong đấu thầu.

Lãnh đạo Sở Y tế đã đưa ra các giải pháp để xử lý tình trạng trên gồm: Tổ chức đấu thầu tập trung tại Sở Y tế; thành lập các tổ hỗ trợ để hỗ trợ cho các đơn vị y tế tiến hành đấu thầu; tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc đấu thầu.

Còn nguyên nhân về việc thiếu trang thiết bị y tế, Giám đốc Sở Y tế cho biết nguồn lực mua sắm các trang thiết bị y tế có hạn. Công tác xã hội hóa y tế gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục làm tốt công tác quản lý; kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp. Lãnh đạo ngành Y tế cũng kiến nghị UBND tỉnh thành lập Trung tâm đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc…

Liên quan đến ý kiến tại phiên thảo luận tổ cho rằng, Dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, một số xóm mới sáp nhập vào thị trấn thì phải đóng mức đóng học phí như thị trấn, gây khó khăn cho người dân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cho biết mức thu học phí được xây dựng theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí. Mức thu học phí được chia theo từng vùng, các vùng được phân chia theo mức độ tương đồng về tình hình kinh tế - xã hội. Đặc biệt mức thu học phí mới được đề xuất là mức thấp nhất so với quy định khung học phí (mức sàn, mức trần) của Chính phủ.

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình kết luận phiên thảo luận tại hội trường

Phát biểu kết luận phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trân trọng cảm ơn sự tham gia ý kiến rất trách nhiệm và chất lượng của các đại biểu. Tại phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo các Sở, ngành giải trình, trao đổi về các nội dung đại biểu quan tâm, băn khoăn. Sau phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Thường trực và các ban HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan chủ trì soạn thảo các nội dung trình kỳ họp khẩn trương hoàn chỉnh các báo cáo, dự thảo Nghị quyết.

Từ chiều ngày 12/7 đến sáng nay (13/7), thông qua đường dây nóng, HĐND tỉnh nhận được 39 ý kiến của 32 lượt cử tri. Trong đó, có 8 ý kiến liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 08 ý kiến liên quan đến công tác giao thông, quản lý đô thị; 03 ý kiến ở lĩnh vực nông nghiệp; 09 ý kiến thuộc lĩnh vực nội vụ, chế độ chính sách; 03 ý kiến thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; 01 ý kiến lĩnh vực khác.

NPV

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image