Nghệ An ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
Ngày 21/6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn
Đức Trung đã ký ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về xây dựng kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2025 phải xây dựng trên cơ sở đánh
giá tình hình, kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH các
năm 2021- 2023, ước thực hiện năm 2024 và dự báo tình hình quốc tế, trong nước;
dự báo khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025; trên cơ
sở đó, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH
năm 2025.
Năm 2025 là năm
cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Các mục tiêu, chỉ
tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các
cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Các nhiệm vụ, giải pháp phải cụ thể về nội dung, thời
gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp. Cân đối,
huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch
phát triển KTXH và kế hoạch đầu tư công; quyết tâm thực hiện hoàn thành cao
nhất các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Việc đề xuất các
chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê
quốc gia; bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định
kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên
cứu. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, có khả năng so sánh với dữ liệu các năm
trước; bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện
các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Xây dựng chỉ tiêu cơ bản đảm bảo phù hợp và khả thi
Các Sở, ban,
ngành, địa phương căn cứ Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025;
trên cơ sở phân tích tình hình thực tế và dự báo các yếu tố liên quan để xây
dựng một số chỉ tiêu cơ bản của tỉnh, ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo phù
hợp và khả thi.
Các định hướng,
nhiệm vụ chủ yếu bảo đảm thống nhất với các mục tiêu chung, đồng thời phải phù
hợp với điều kiện thực tiễn; bám sát các nội dung theo Chỉ thị số 17/CT-TTg
ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển
KTXH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025.
Trong đó, tiếp
tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch
thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm
2021-2025; triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ và của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch
của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính
trị, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực
hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được
Quốc hội thông qua.
Đẩy mạnh
cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất,
chất lượng, hiệu quả. Cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ theo hướng hiện
đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế tập
thể; kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Huy động và sử
dụng có hiệu quả nguồn lực, ưu tiên ngân sách cho phát triển hạ tầng. Tiếp tục
phát triển cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án
trọng điểm. Tập trung triển khai các dự án hạ tầng chiến lược: Cảng biển nước
sâu Cửa Lò, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh và dự án LNG Quỳnh Lập. Thực
hiện quyết liệt, chủ động để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đẩy mạnh cải
cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Tập trung hỗ trợ, giải
quyết khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh
nghiệp. Tích cực hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ về thủ tục, triển khai thực hiện các
dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công
nghiệp, các dự án trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê
duyệt Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.
Nâng cao chất
lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng
cao. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở
vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo; phát triển đội ngũ
nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất
là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ.
Quan tâm chăm lo
các lĩnh vực văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe
của nhân dân. Tập trung phát triển lĩnh vực văn hoá; đẩy mạnh phát triển thể
thao. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách
an sinh xã hội, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, chính sách dân tộc, tôn giáo,
nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa,
biên giới. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động
mất việc làm. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí
hậu.
Tiếp tục hoàn
thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển
đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số. Đẩy mạnh phân
cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi cấp dưới gắn với trách nhiệm người
đứng đầu. Thực hiện chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, khắc phục tình
trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công
chức. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí,
lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Bảo đảm quốc
phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tích cực, chủ động triển khai đồng
bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên
truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, sắc thuế theo chế
độ
Căn cứ khả năng
thực hiện dự toán NSNN năm 2024, định hướng kế hoạch phát triển KTXH năm 2025,
các ngành, địa phương, đơn vị phân tích, dự báo tình hình kinh tế và nguồn thu
ngân sách năm 2025 đối với từng ngành, lĩnh vực, năng lực và hiệu quả hoạt động
sản xuất, kinh doanh của từng đối tượng nộp thuế, những nguồn thu mới phát sinh
trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, sắc thuế
theo chế độ.
Tính toán các
yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về
thu, quản lý thu, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế,
phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế. Đẩy mạnh các biện pháp tăng
cường quản lý thu, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh
doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát
sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử; kiểm tra thuế,
chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, kiểm
soát chặt chẽ hoàn thuế.
Phấn đấu dự toán
thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền
bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế bình quân tăng
khoảng 5-7% so với ước thực hiện năm 2024. Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều
kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của từng địa bàn. Dự
toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4-6% so với ước
thực hiện năm 2024.
Toàn bộ số thu
từ sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất), số thu từ cho thuê
quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ
tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có
liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy
định. Thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển
nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh
nghiệp được thực hiện theo đúng quy định.
Lập dự toán chi NSNN theo đúng các quy định pháp luật về chế độ, tiêu
chuẩn, định mức chi
Xây dựng
dự toán chi NSNN năm 2025 đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu
chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN; đáp ứng yêu
cầu cơ cấu lại ngân sách gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh
giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương
mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có
công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Bảo đảm nguồn lực để tiếp tục triển
khai chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo quy định.
Căn cứ vào nguồn
thu ngân sách địa phương (NSĐP) được hưởng theo phân cấp, tỷ lệ phần trăm phân
chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách, số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên
cho ngân sách cấp dưới, trên cơ sở mục tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH năm
2025; thực tế thực hiện các nhiệm vụ thu - chi ngân sách của địa phương năm
2024 để xây dựng dự toán chi NSĐP năm 2025, chi tiết từng lĩnh vực chi theo quy
định của Luật NSNN. Đối với việc xây dựng kế hoạch vay và trả nợ (cả gốc và
lãi) thì thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.
Tập trung nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính
sách,... Các ngành và địa phương cần quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch
và yêu cầu thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ,
đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai
phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN. Lập dự toán chi NSNN theo đúng các quy định
pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN.
Rà soát để bãi
bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các chính sách chồng
chéo, trùng lặp, kém hiệu quả để dành nguồn lực cho các chính sách an sinh xã
hội thực sự cấp thiết. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới khi
thực sự cần thiết và cân đối được nguồn thực hiện. Chủ động dự kiến đầy đủ nhu
cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm
quyền quyết định. Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, tăng cường quản lý, sử
dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp tục thực
hiện cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng cường quản lý nợ công. Cải thiện cân đối
NSNN, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay. Thực hiện
nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi NSNN chỉ được sử dụng cho đầu tư phát
triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; bội chi NSNN chỉ được sử dụng để đầu
tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND tỉnh quyết định
theo đúng quy định...
PQ (tổng hợp)