image banner

image advertisement image advertisement

Ngành Tài chính triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Sáng 13/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai thực hiện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ngành thuộc khối Tài chính.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước quyết liệt ngay từ đầu năm

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Với tình hình thực tiễn 6 tháng đầu năm, phát huy vai trò của chính sách tài khóa, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời, đã tham mưu, đề xuất ban hành và tổ chức triển khai các chính sách tài khóa, cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) quyết liệt ngay từ đầu năm. Ngành đã rà soát các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Công tác quản lý NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời, ngành đã tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trong năm 2023 với quy mô dự kiến khoảng 200  nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành.

Trong 6 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng. Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội. Tổng chi NSNN ước thực hiện 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán.

Ngành Tài chính đã tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững. Điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân; tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số được đẩy mạnh; sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện tốt công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Ngành Tài chính đã thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng tài sản công; thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN …

Tuy nhiên, thu NSNN 6 tháng giảm so với cùng kỳ. Tiến độ một số khoản thu, sắc thuế và thu NSNN trên địa bàn một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và cân đối ngân sách địa phương. Công tác triển khai dự toán chi NSNN, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công ở một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm, kéo dài…

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của ngành trong thời gian vừa qua. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn trong việc bán đấu giá đất và tài sản trên đất công; việc phân bổ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước…

Phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong năm 2023

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, ngành Tài chính đã rất quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính – NSNN đã đề ra; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Qua đó đã góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế vĩ mô. Phó Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những kết quả ngành Tài chính và các địa phương đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong những tháng cuối năm có rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi thời gian tới phải hết sức quyết tâm, nỗ lực, vì vậy ngành Tài chính phải bám sát chủ đề điều hành, các phương án chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Tài chính thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Tài chính nói riêng. Tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong năm 2023.

Phấn đấu thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo dự toán. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, các nghĩa vụ trả nợ dự phòng của NSNN, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sự dụng vốn vay. Thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Đồng thời, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành Tài chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…

PT

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image