Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Chiều 18/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp
ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đồng
chí Thái Thị An Chung - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật
của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo
các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Quang cảnh
hội nghị
Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông
qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009. Luật
Tần số vô tuyến điện có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý hoạt động và phát
triển lĩnh vực vô tuyến điện, đánh dấu mốc quan trọng về sự nỗ lực của
ngành Thông tin và truyền thông nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực
thông tin vô tuyến điện của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, bên
cạnh những kết quả đã đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần
được điều chỉnh, sửa đổi.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung lần này nhằm bảo đảm tính
thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, với những nội dung cụ
thể như: Quy định về quy hoạch băng tần để làm rõ trong quy hoạch băng tần cho
hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng có quy định giới hạn tối đa tổng
độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép để tránh độc quyền, tránh tích
tụ băng tần; sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến
điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cũng
phải bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá
giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép sử dụng.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định băng tần được sử dụng để
thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng thì đấu giá; chỉ thi tuyển
trong trường hợp cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng, trong thời gian
nhất định hoặc cần thúc đẩy cạnh tranh; quy định khi tham gia đấu giá, thi
tuyển hoặc được cấp lại giấy phép băng tần, tổ chức phải cam kết triển khai
mạng viễn thông và nộp tiền bảo đảm thực hiện cam kết kèm theo chế tài xử lý
khi vi phạm cam kết. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp giấy phép băng
tần thông qua đấu giá, thi tuyển và cấp lại như: Đã hoàn thành các nghĩa vụ tài
chính trước đó về viễn thông, tần số vô tuyến điện; có cam kết triển khai mạng
viễn thông…
Đại diện chi
nhánh Viettel Nghệ An phát biểu
Đồng chí Hồ
Trung Đông – đại diện Sở TT&TT phát biểu
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cần phải sửa đổi,
bổ sung Luật này vì đến nay, tình hình đất nước có nhiều thay đổi, đối tượng có
nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện trong phát triển kinh tế - xã hội ngày
càng nhiều; đồng thời, cùng đặt ra nhiều vấn đề mới về công tác an ninh quốc
phòng. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này là phù hợp với tình hình
thực tiễn và cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý,
sử dụng tần số vô tuyến điện; góp phần tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh
trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền
tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Các đại biểu kiến nghị cần quy định rõ ràng và cụ thể
về hình thức cấp phép băng tần hướng tới đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch
trong thực tiễn triển khai; tăng thời gian sử dụng giấy phép gia hạn băng tần
cho đến khi có sự thay đổi, điều chỉnh về thông tin; cần quy định cụ thể trong
dự thảo Luật về các tiêu chí, điều kiện đối với băng tần, kênh tần số được cấp
giấy phép trực tiếp; quy định về nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện việc phân
bổ các khối băng tần theo quy hoạch...
Một số ý kiến cho rằng, cần mở rộng thêm phạm vi sửa
đổi Điều 14, 15. Trong đó, tại Điều 14 cần làm rõ quyền và trách nhiệm của Bộ
KH&CN trong việc quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện vì Bộ KH&CN là cơ
quan quản lý nhà nước về KH&CN trong đó có lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt
nhân. Tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 có quy định các thiết bị đưa vào sử dụng
phải thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý tương thích điện tử và
thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng đấu hợp quy, tuy
nhiên tại Dự thảo Luật này chỉ thấy quy định đối với các thiết bị do Bộ
KH&CN ban hành danh mục nhưng không thấy có quy định đối với các thiết bị
do Bộ TT&TT ban hành danh mục. Nên bỏ khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20 và
khoản 2 Điều 21 về các điều kiện để được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện
cho các tổ chức và cá nhân xin cấp phép vì có thể sẽ giúp tăng thêm các đơn vị
tham gia đấu giá, giúp cuộc đấu giá trở nên cạnh tranh và lành mạnh hơn.
Tại các Điều 6, 13, 17, 29, 30 cần quy định cụ thể hơn
quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện;
quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi gây thiệt hại và chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại; quy
định cụ thể thời hạn trước khi thu hồi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối
với đối tượng bị thu hồi.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung phát biểu
Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cảm ơn các đại
biểu đã dành thời gian nghiên cứu dự thảo Luật. Xoay quanh các vấn đề
quan tâm, đa số ý kiến khẳng định việc sửa đổi Luật là cần thiết, phù hợp với
tình hình thực tiễn hiện nay. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu, tổng
hợp các ý kiến và sẽ tham gia góp ý tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV tới.
Kim Oanh