Làm rõ các nội dung cử tri quan tâm tại phiên thảo luận tại hội trường
Tiếp tục
chương trình kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh khóa XVIII, chiều nay (9/7), HĐND tỉnh
tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó
Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh
uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường
Tại phiên thảo luận tại hội trường vào chiều nay, các
đại biểu tiếp tục tập trung cho ý kiến vào Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6
tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2025; cho ý kiến vào các
dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.
Nhiều vấn đề
cử tri quan tâm đã được lãnh đạo các sở, ngành làm rõ
Các đồng chí chủ trì phiên thảo luận tại hội trường
Tại phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu và cử
tri quan tâm phương án bố trí cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị họp trực
tuyến, nhân lực cho các xã mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; các
Sở, ngành cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ
công chức cấp xã về điều hành chính quyền 02 cấp, tiếp cận công nghệ AI cho cán
bộ trẻ; xây dựng kênh thông tin để phản hồi đánh giá giữa 02 cấp tỉnh – xã để kịp
thời điều chỉnh bất cập, khó khăn trong quá trình vận hành; có văn bản hướng
dẫn cụ thể, chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực để dễ tiếp cận thực hiện
nhiệm vụ, giảm thiểu sự chồng chéo, phiền hà, nhất là thực hiện các thủ tục
hành chính.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị quan tâm hỗ trợ cơ
sở vật chất cho Trung tâm phục vụ hành chính công, nhất là tại các xã vùng sâu,
vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương
trình MTQG gắn với việc hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn trong năm 2025; điều
chỉnh hỗ trợ xi măng cho các xã tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông nông
thôn, các công trình hạ tầng dân sinh. Tăng cường quản lý nhà nước về buôn lậu,
hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh môi trường, nhất là khi các xã mới đi
vào hoạt động; sắp xếp các cơ sở y tế theo mô hình chính quyền 02 cấp; quản lý
nhà nước về Phật giáo khi vận hành chính quyền địa phương 02 cấp…
Đại biểu Trần Khánh Linh – Tổ đại biểu số 1 nêu ý kiến
Đại biểu Nguyễn Công Văn – Tổ đại biểu số 4 nêu ý kiến
Đại biểu Nguyễn Công Văn băn khoăn nội dung dự thảo
Nghị quyết số 11 về việc phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước, trong đó có
nguồn thu tiền sử dụng đất được điều chỉnh từ xã đến tỉnh (huyện cũ 40%, tỉnh
60%); hiện cấp xã mới thành lập nhiều khó khăn chồng chất, nguồn thu của xã mới
hạn chế, khó khăn, đề nghị nghiên cứu xem xét cân đối phân chia tăng nguồn thu
cho các xã để tạo điều kiện hoạt động các xã hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải trả lời
Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải
cho biết, thực hiện việc phân bổ theo nguyên tắc cộng gộp, hiện nội dung này
thực hiện theo hướng dẫn cụ thể phân cấp nguồn thu của Trung ương nên vẫn giữ
nguyên theo tỷ lệ cũ. Tới đây, Sở Tài chính sẽ thiết kế lại định mức mới của
cấp xã cho giai đoạn 2026 – 2030. Sở Tài chính cam kết sẽ đáp ứng được yêu cầu của
chính quyền địa phương cấp xã về nguồn lực.
Về bố trí hệ thống trực tuyến cho các xã, Sở Tài chính
sẽ cân đối, theo nguyên tắc ưu tiên; hiện cần khoảng hơn 1.700 tỷ đồng để thực
hiện chi thường xuyên như sửa chữa, nâng cấp hệ thống… cho các xã, hiện Sở Tài
chính đang thực hiện phân bổ nguồn của Trung ương. Tới đây Sở sẽ tham mưu UBND
tỉnh trên cơ sở sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ chi cấp thiết để bố
trí nguồn lực đảm bảo các xã hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Hồng Quang trả lời
Trả
lời, làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Hồng
Quang cho biết để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giải tỏa vi
phạm, chống tái lấn chiếm hạ tầng hành lang an toàn giao thông (HLATGT) đường
bộ, đường sắt trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Xây dựng đã ban hành Công văn đề nghị
UBND các phường, xã thành lập Ban Chỉ đạo giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm
HLATGT cấp xã, phân công nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực
hiện của từng thành viên. Đồng thời xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế
hoạch giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT, trong đó đặc biệt quan tâm
đến việc chống tái lấn chiếm HLATGT, nhất là khu vực đô thị, khu vực đông dân
cư. Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm theo thẩm
quyền và tiến hành cưỡng chế, giải tỏa theo quy định...
Về
cấp nước sạch, Giám đốc Sở Xây dựng đã làm rõ một số nguyên nhân việc giải
quyết cấp nước sạch cho các hộ dân mới còn chậm do số lượng hộ dân đăng ký cấp
nước trong thời gian qua tăng nhiều trong khi ở một số khu vực dân cư, hệ thống
đường ống cấp nước chưa có. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các địa phương,
Sở, ngành liên quan đôn đốc nhà đầu tư các dự án khu đô thị sớm hoàn thiện hệ
thống hạ tầng nói chung bao gồm cả hệ thống hạ tầng cấp nước để đảm bảo cấp nước
cho người dân. Đồng thời có Văn bản đề nghị Công ty CP cấp nước Nghệ An tập
trung nguồn lực để giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng nước máy của người dân…
Để chủ động tham mưu và tháo gỡ khó khăn cho xe điện
hoạt động tại phường Cửa Lò, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở sẽ tiếp tục làm
việc với phường Cửa Lò và các cơ quan chức năng để tìm giải pháp phù hợp vừa
đảm bảo quy định pháp luật vừa phù hợp với thực tế địa phương…
Về vấn đề thiếu hạ tầng công nghệ thông tin, Giám đốc
Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quý Linh cho rằng, bộ máy chính quyền 02 cấp
đang hoạt động theo tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng nên hệ thống hạ tầng công
nghệ thông tin còn thiếu là thực tế. Đến nay, các Trung tâm phục vụ hành chính
công đã đảm bảo các thiết bị tối thiểu; hiện Sở đang tham mưu UBND tỉnh báo cáo
Bộ Khoa học và Công nghệ để đầu tư trang thiết bị đảm bảo yêu cầu. Sở đã yêu
cầu 2 nhà mạng cử cán bộ để hỗ trợ các Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động;
đồng thời sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp xã theo hình thức
cầm tay chỉ việc và sẽ tiếp tục tập huấn theo phong trào Bình dân học vụ số.
Về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và tài sản trong
lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho biết, hiện Sở đang xây
dựng đề án gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Sở đang chờ chỉ đạo và
hướng dẫn của Trung ương để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án sắp xếp
phù hợp, hiệu quả.
Về thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất
lượng, có tay nghề cao, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cho
biết, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề được Sở quan tâm bằng việc xây dựng
chiến lược phát triển của các trường đào tạo nghề, định hướng cho các trường
trung cấp, cao đẳng nghề đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; ban hành lại quy trình
đào tạo, thực tập nghề nghiệp cho sinh viên theo hướng hiện đại. Về quy hoạch
mạng lưới các trường nghề, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trên cơ sở
hệ thống quy hoạch trước đây, nay chuyển sang chính quyền 2 cấp thì cần điều
chỉnh quy hoạch phù hợp, tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Trong thời gian tới, Sở
sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quy hoạch mạng lưới trường lớp.
Ý kiến các
đại biểu sâu sát, phù hợp với thực tiễn và phản ánh đúng kiến nghị, nguyện vọng
của cử tri toàn tỉnh gửi đến kỳ họp
Phó Bí thư
Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu kết luận phiên thảo
luận tại hội trường
Thay
mặt chủ tọa Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng
Nghĩa Hiếu cảm ơn các vị đại biểu đã tích
cực, chủ động tham gia và có những ý kiến sâu sát, phù hợp với thực tiễn và
phản ánh đúng ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri toàn tỉnh đến với kỳ
họp.
Đa
số các ý kiến phát biểu đều đồng tình các báo cáo, dự thảo nghị quyết mà UBND
tỉnh trình tại kỳ họp, thống nhất với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết
quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 đặc biệt là trong điều
kiện tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tình hình trong
nước, trong tỉnh có những thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen. Cùng với đó,
các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng thời với nhiệm vụ
sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02
cấp theo chỉ đạo của Trung ương với yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ, nhưng
dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự đồng hành phối hợp chặt chẽ của HĐND tỉnh; chỉ
đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả của UBND tỉnh; nỗ
lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương, sự vào cuộc đồng bộ của cả
hệ thống chính trị, nhìn chung tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
đã đạt được nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện trên các ngành, lĩnh vực. Các
đại biểu cũng đồng tình, nhất trí với đánh giá về một số tồn tại, hạn chế trong
việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Các
đại biểu thống nhất với 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp UBND tỉnh đã đề ra. Qua thảo
luận tại tổ và thảo luận tại hội trường, các đại biểu đề nghị sau khi Nghị
quyết về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 được HĐND tỉnh thông qua, đề
nghị UBND tỉnh đề ra kế hoạch cụ thể triển khai 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp này
theo lộ trình phù hợp, khoa học để tổ chức thực hiện; đầu tư nguồn lực phù hợp
để thực hiện phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra. Đồng thời, thường
xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành trong việc thực hiện các
chỉ tiêu này.
Các
ý kiến thảo luận ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm,
trọng điểm cụ thể, kịp thời của UBND tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chủ
động kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, kịp thời hướng dẫn hoạt động của bộ
máy chính quyền cấp xã để kịp thời xử lý tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bất
cập, các vấn đề mới phát sinh, nhất là trong thời gian đầu vận hành mô hình bộ
máy cấp xã mới, bảo đảm bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tiếp
tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước,
trong việc giải quyết dứt điểm, trả lời kiến nghị cử tri cần phải tập trung hơn
về chất lượng và hiệu quả.
Các
ý kiến thảo luận đều thống nhất đánh giá cao kết quả, sự đổi mới về nội dung,
phương pháp hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh. Đề nghị
HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, quan tâm nâng cao
chất lượng các kỳ họp, chất lượng ban hành các Nghị quyết của HĐND tỉnh và tăng
cường giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết đã ban hành, giám sát
việc thực hiện các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực; giám sát việc
triển khai thực hiện việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Các
đại biểu thống nhất với 16 dự thảo Nghị quyết. Riêng qua thảo luận tại tổ có ý
kiến đối với 03 dự thảo Nghị quyết cụ thể là: Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ
6 tháng cuối năm 2025; Nghị quyết điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước
trên địa bàn, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa
phương năm 2025 sau khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây
dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Nghị quyết ban hành quy
định phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương
và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách các cấp chính quyền
địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2025. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cơ quan chủ
trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết, cơ quan thẩm tra thống nhất, nghiên cứu ý
kiến của đại biểu để chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết, phục vụ cho
việc biểu quyết và thông qua tại phiên họp vào chiều ngày mai…
Trong phiên họp ngày 9/7 có 14 lượt ý kiến của cử tri
phản ánh, kiến nghị qua đường dây điện thoại trực tuyến với 14 vấn đề, thuộc 03
lĩnh vực, cụ thể: Lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, bồi thường, giải phóng mặt bằng có
05 ý kiến; lĩnh vực
quản lý xây dựng có 03 ý kiến; lĩnh vực chế độ,
chính sách có 04 ý kiến.
|
NPV