image banner

image advertisement image advertisement

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Chiều 5/8, Đoàn giám sát của Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội đã có buổi làm việc với Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nghệ An. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH Việt Nam cùng các thành viên đoàn giám sát.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

Anh-tin-bai

Quang cảnh buổi làm việc

Tập trung chỉ đạo giải ngân hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch các nguồn vốn

Trong thời gian qua, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cũng như Phòng giao dịch cấp huyện đã tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) các cấp.

Về kết quả thực hiện Tín dụng chính sách đến, đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn đạt 10.549 tỷ đồng, tăng 867 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 8,9%. Về sử dụng vốn, doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 1.956 tỷ đồng, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước; doanh số thu nợ đạt 1.104 tỷ đồng, giảm 163 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đến 30/6/2022, tổng dư nợ đạt gần 10.522 tỷ đồng/22 chương trình tín dụng chính sách, tăng 851 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 8,8%...

Kết quả giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP: Từ ngày 27/4/2022 đến ngày 30/6/2022, Chi nhánh đã giải ngân nguồn vốn của 04/5 chương trình cho 8.913 khách hàng với số tiền 250,2 tỷ đồng, hoàn thành 78,4%. Chi nhánh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để xử lý, thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Nhờ đó, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên, nợ quá hạn và nợ khoanh giảm so với đầu năm…

Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 116.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhờ đó, tín dụng chính sách đóng góp rất lớn vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương; góp phần vào bảo đảm an toàn trật tự, an ninh biên giới.

Tuy nhiên, hiện nay, các đối tượng đã thoát nghèo, đối tượng có thu nhập trung bình sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp... rất cần vốn cho sản xuất nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng thương mại, trong khi họ cũng không thuộc đối tượng để tiếp tục thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách. Hiện nguồn vốn này Trung ương và ngân sách địa phương chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, mở rộng và duy trì việc làm của người lao động nhất là nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19 là rất lớn. Nguồn vốn giải ngân chương trình Dân tộc và miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP đã được cấp, nhưng hiện nay chưa thực hiện giải ngân được do đang chờ văn bản hướng dẫn và danh sách phê duyệt đối tượng thụ hưởng…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, nêu lên những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách tại Nghệ An. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với nhóm đối tượng hộ gia đình có thu nhập trung bình sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này thoát nghèo bền vững; đồng thời, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu, điều chỉnh nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo phù hợp với giá cả vật liệu và chi phí thực tế đầu tư các công trình nước sạch, công trình vệ sinh hiện nay. Nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tương đương với mức cho vay tối đa của chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đồng thời, quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm để NHCSXH thực hiện tốt hơn nhu cầu của người lao động, nhất là tạo sinh kế, phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19 và quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay…

Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy tối đa hiệu quả, đề nghị các tổ chức hội Trung ương tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn cho hội viên về chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, giúp hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả. Đồng thời, có các chương trình hỗ trợ người dân tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm thiểu rủi ro cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong khâu sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp thoát nghèo nhanh, bền vững.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội

Anh-tin-bai

Ủy viên HĐQT NHCSXH Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đánh giá Ban Đại diện HĐQT NHCSXH Nghệ An đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH Việt Nam đánh giá cao hoạt động của Ban Đại diện HĐQT NHCSXH Nghệ An. Trong đó, Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện đã tập trung tham mưu địa phương quan tâm bố trí nguồn ngân sách để thực hiện hỗ trợ vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần tạo việc làm, sinh kế ổn định, thoát nghèo bền vững, nâng cao thu nhập người dân...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị trong thời gian tới, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến HĐND tỉnh dành một phần kinh phí thực hiện những chương trình đặc thù về dân sinh đối với những đối tượng đặc thù Ngân hàng chính sách chưa quy định để sớm giải quyết vấn đề này; quan tâm kinh phí cho vay để phát triển kinh tế tập thể, HTX, đoàn viên mong muốn khởi nghiệp.

Đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo cũng đề nghị từng thành viên Hội đồng Quản trị tăng cường công tác giám sát đối tượng vay trước và sau khi giải ngân; đồng thời đánh giá cụ thể hiệu quả nguồn vốn vay nhằm góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Đối với các đơn vị nhận ủy thác, cần chủ động thực hiện đầy đủ các nội dung nhận ủy thác; tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra hoạt động ủy thác theo kế hoạch; làm tốt vai trò hướng dẫn, định hướng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu

Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các nội dung kết luận của Đoàn giám sát. Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của Đoàn, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ khắc phục hạn chế, phát huy các mặt mạnh để thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo đúng kế hoạch nhằm nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng chính sách để có các biện pháp chỉ đạo phù hợp hoặc đề xuất, kiến nghị cấp, ngành liên quan.

Kim Oanh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image