Kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
Sáng
30/8, đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Tổ trưởng Tổ công tác số 2 về giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ đã chủ
trì Hội nghị trực tuyến với một số Bộ, cơ quan, địa phương về việc kiểm tra, đôn
đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Theo
báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước
năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 cơ quan thuộc phạm vi
kiểm tra của Tổ công tác số 2 là 231.665,947 tỷ đồng; số vốn đã phân bổ chi tiết
là 228.566,571 tỷ đồng, đạt 98,66% (18 cơ quan đã phân bổ hết kế hoạch vốn được
Thủ tướng Chính phủ giao).
Tổng số
vốn đã giải ngân của 29 cơ quan là 87.072,786 tỷ đồng, đạt 37,59% (cao hơn mức
bình quân chung của cả nước là 34,68%). Một số cơ quan sử dụng vốn lớn có kết
quả giải ngân cao: Bộ Giao thông Vận tải (30.127 tỷ đồng), Thanh Hóa (7.081 tỷ
đồng), Nghệ An (4.583 tỷ đồng)… Có 21/29 cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp hơn
bình quân cả nước, đặc biệt còn 05 cơ quan giải ngân rất thấp, phải thực hiện
thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 được giao.
Nguyên
nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chậm do: Vướng mắc trong công tác giải phóng
mặt bằng, tái định cư; vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư; nguyên
nhân liên quan tới công tác phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;
vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; vướng mắc
liên quan đến cân đối ngân sách địa phương; khó khăn trong việc đảm bảo nguồn
cung vật liệu xây dựng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An chủ
trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Tại Nghệ An, nhờ sự
chủ động trong công tác giao kế hoạch và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kết
quả giải ngân 7 tháng đầu năm 2024 của tỉnh khá tích cực,
tính đến ngày 20/8, đã giải ngân 4.583 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch, cao hơn so với
cùng kỳ năm 2023 (đạt 40,2%) và cao hơn bình quân cả nước (ước đạt 34,68%), xếp
thứ 3/29 Bộ, ngành, địa phương thuộc Tổ 2. Một số nguồn giải ngân đạt khá như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (đạt 67,13%), vốn nước ngoài (đạt 73,74%), ngân sách địa phương (đạt 50,15%)…
Các dự án thuộc Chương
trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng cơ bản bảo đảm tiến độ, tính
đến ngày 20/8 đã giải ngân 121 tỷ đồng, đạt 46,1% KH 2024; nếu tính luỹ kế cả
KH năm 2023, đã giải ngân 599 tỷ đồng/tổng nguồn vốn của chương trình 748 tỷ
đồng, đạt 80,08%. Dự kiến hết năm sẽ hoàn thành các dự án thuộc chương trình
đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.
Quán triệt giải ngân
vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành, của
từng cơ quan, đơn vị năm 2024, trong các tháng còn lại của năm, tỉnh Nghệ An sẽ
tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai
quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục
tiêu giải ngân trên 95%, trong đó tập trung: Chỉ đạo quyết liệt giải quyết các
khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là dự án thuộc các Chương trình mục
tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để
thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; xác định công tác bồi thường, giải phóng
mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án. Đôn đốc khẩn trương
hoàn thiện thủ tục các dự án khởi công mới để sớm triển khai thi công. Đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính, trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công. Cá thể
hóa trách nhiệm từng cá nhân trong việc chậm trễ thực hiện và giải ngân kế
hoạch vốn năm 2024 được giao…
Phát
biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tưởng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ,
ngành, địa phương rà soát, phân loại nguyên nhân chậm, trách nhiệm của từng dự
án cụ thể; các chủ dự án phải có cam kết cụ thể về tiến độ giải ngân nguồn vốn,
báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương rà soát các
quy định của pháp luật để kịp thời đề xuất tháo gỡ các vướng mắc.
Đối với
các cơ quan giải ngân chưa đạt yêu cầu, đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập
trung bám sát tình hình thực hiện các dự án để kịp thời báo cáo cấp có thẩm
quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, bù
tiến độ đã chậm từ đầu năm.
Các Bộ,
ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, cần tiếp tục phát huy và duy trì tỷ
lệ giải ngân cao, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 được Thủ tướng
Chính phủ giao.
PT