Hội thảo khoa học “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”
Sáng 20/5,
tại TX Cửa Lò, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng
Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”.
Các đồng
chí: Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng; Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trung tướng Trịnh Văn Quyết - Ủy viên
Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung
tướng Nguyễn Doãn Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4; Thiếu
tướng Nguyễn Hoàng Nhiên – Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự đồng chủ trì hội
nghị.
Tham dự hội
nghị, về phía nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào có các đồng chí: Sẻng Phết
Hung Bun Nhuông - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam; Nò Bi Hả Đông Giao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Xiêng Khoảng.
Về phía
tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh
ủy; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực
HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường
trực UBND tỉnh.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh – Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Hội thảo khoa học “50 năm Chiến dịch phòng ngự
Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm” là dịp để ôn
lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, tinh thần quốc tế
vô sản trong sáng và cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện thắng lợi
phương châm “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” trong thực hiện
nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí
tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào hôm nay và mai sau.
Chiến thắng Cánh Đồng
Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 - biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến
đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân
ủy Trung ương hai nước Việt Nam và Lào, liên quân Việt Nam - Lào tiến hành và
giành được thắng lợi to lớn trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng
Khoảng. Thắng lợi của Chiến dịch đã đánh bại một bước quan trọng chiến lược
“Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng
có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Lào, tạo thế phối hợp trong cuộc tiến
công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam Việt
Nam. Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 trở thành biểu
tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt
Nam. Đây là lần đầu tiên ta và bạn tiến hành một chiến dịch phòng ngự hoàn
chỉnh trên chiến trường Lào, để lại nhiều bài học quý về lý luận và thực tiễn
phát triển của nghệ thuật chiến dịch.
Đại tá Ngô Doanh – Nguyên Tiểu đoàn
trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 335 tham gia chiến dịch, nhân chứng lịch sử tham
luận tại hội thảo
Đầu năm 1972, thực hiện quyết tâm mở cuộc tiến công chiến
lược trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân
ủy Trung ương ta quyết định tập trung lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và
vũ khí trang bị tổ chức tiến công địch trên 3 hướng: Đông Nam Bộ, Trị - Thiên
và Tây Nguyên. Đồng thời, phát huy thế liên hoàn chiến trường, Trung ương Đảng,
Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam và Lào thống
nhất: Ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường Sủi mùa
khô 1971 - 1972, ta và Bạn chủ động tổ chức
phòng ngự, kiên quyết không để địch tái chiếm địa bàn chiến lược quan trọng
Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, giữ vững thế chiến lược của
cách mạng Việt Nam và Lào ở Thượng Lào, bảo vệ “sườn phải” cho hai chiến dịch
của ta diễn ra ở Bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên.
Thực hiện chủ trương đề ra, đầu tháng 4
năm 1972, Quân ủy Trung ương ta và Bạn quyết định mở Chiến dịch phòng ngự Cánh
Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Lực lượng tham gia chiến dịch: Về phía Việt Nam, gồm
có 5 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu
đoàn pháo và súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công
binh; phía Lào, gồm có 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo
binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội địa
phương.
Đại tá Vông Xây In Tha Khăm – Trưởng phòng Tùy viên
Quốc phòng, Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam tham luận
Dựa vào thế trận phòng ngự được ta và Bạn
chuẩn bị khoa học, vững chắc, có chiều sâu, bằng cách đánh mưu lược, sáng tạo,
trải qua 179 ngày đêm (21/5 – 15/11/1972) liên tục chiến đấu, liên quân Việt
Nam - Lào đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn, có tính chất chiến lược của
địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum. Liên quân Việt Nam
- Lào đã đánh tổng cộng 244 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 5.759 tên địch; đánh
bại 8 binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn quân Thái Lan, bắn rơi 38 máy bay, thu 859
súng các loại…
Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng
Khoảng mùa mưa 1972 đánh dấu bước trưởng thành lớn về nhận thức, tư tưởng, kỹ
thuật, chiến thuật và cách đánh trong điều kiện phòng ngự kéo dài suốt mùa mưa,
khả năng tiếp tế khó khăn. Việc tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giữ
vững Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trong mùa mưa năm 1972 đã làm thay đổi cục
chiến trường có lợi cho cách mạng Lào, tạo thế phối hợp hiệu quả với chiến
trường miền Nam Việt Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.
Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 đã
giáng đòn nặng nề vào chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc
Mỹ ở Lào, làm thất bại một bước quan trọng âm mưu kéo dài và mở rộng chiến
tranh của Mỹ ở Đông Dương. Chiến thắng đó in đậm mốc son trong dòng chảy lịch
sử cách mạng Việt Nam, một trong những biểu tượng sinh động của tình đoàn kết
chiến đấu đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam
- Lào, Lào - Việt Nam. Đây là thắng lợi của một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh
được ta và Bạn tổ chức trên chiến trường Lào, với nhiều cách đánh sáng tạo,
linh hoạt, hiệu quả, để lại nhiều kinh
nghiệm quý, góp phần làm phong phú lý luận về nghệ thuật chiến dịch.
Nghệ An là hậu phương trực tiếp cung cấp sức người, sức của cho các chiến
trường trên nước Bạn Lào.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư
Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định, giá trị, sức lan tỏa của Chiến dịch phòng
ngự Cánh đồng Chum - Xiêng khoảng đã vượt ra khỏi giới hạn về không gian và
thời gian, để lại nhiều bài học quý báu trong việc xây dựng mối quan hệ hữu
nghị đặc biệt Việt - Lào, đúc kết nhiều kinh nghiệm, làm phong phú thêm nghệ
thuật quân sự Việt Nam trong tổ chức, bố trí, sử dụng và phối hợp xây dựng thế
trận phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Trong những thắng lợi cách mạng đó, có đóng góp không nhỏ về sức người, sức của
của quân và dân Nghệ An.
Nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung
Bộ, có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài
nhất cả nước, hơn 468km, tỉnh Nghệ An có vị trí quan trọng, mang tính nền tảng,
đặc thù trong quan hệ Việt Nam – Lào. Trong những năm tháng kháng chiến,
Nghệ An là hậu phương trực tiếp cung cấp sức người, sức của cho các chiến
trường trên nước Bạn Lào. Riêng trong chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng
năm 1972, Nghệ An đã huy động 02 tiểu đoàn, 01 trung đội, 03 đại đội vũ trang
địa phương cùng hơn 4.000 dân công hỏa
tuyến và thanh niên xung phong để phối hợp với quân, dân tỉnh Xiêng
Khoảng tổ chức phòng ngự, tiêu diệt phỉ, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng
trên nước bạn Lào; phối hợp với Quân khu 4 chuyển
5.000 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men và bảo đảm giao thông liên lạc phục
vụ Chiến dịch. Tỉnh Nghệ An đã đón nhận, cưu mang hàng ngàn đồng bào Xiêng Khoảng phải tản cư trong chiến tranh như những người
thân trong gia đình. Hàng vạn con em Nghệ An đã tình nguyện sang chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đất
nước Bạn và đã được nhân dân các bộ tộc Lào nuôi
dưỡng, bảo vệ. Nghệ An cũng là
địa phương được chọn làm nơi yên nghỉ của hơn 13.000 anh hùng, liệt sỹ trong cả
nước đã hy sinh trên đất bạn Lào trong các cuộc kháng chiến.
Bước vào thời kỳ hội nhập, mở cửa,
thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, Đảng bộ, chính
quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã duy trì, phát
triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp với nhiều địa phương của nước bạn
Lào, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới, trong đó có tỉnh Xiêng Khoảng. Các
hoạt động giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Nghệ
An và tỉnh Xiêng Khoảng đã được duy trì thường xuyên, có chiều sâu, ngày
càng hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Bên
cạnh công tác đối ngoại, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh
Nghệ An nỗ lực thực hiện
và đạt kết quả khá toàn diện.
Thành công của
Chiến dịch để lại nhiều bài học quý, góp phần làm phong phú thêm lý luận về
nghệ thuật chiến dịch Việt Nam
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh tham luận nội dung: Phát
huy mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai tỉnh Nghệ An và
Xiêng Khoảng trong hợp tác và phát triển hiện nay
Tại Hội thảo, các tham luận đã khẳng định chiến thắng
Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 - Một thành công xuất sắc trong
lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ
Chính trị và Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam – Lào. Chiến thắng Cánh Đồng
Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 đánh bại thêm một bước cơ bản Học thuyết
Níchxơn ở Lào, tạo ra thế và lực thuận lợi thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước giành thắng lợi quyết định. Thắng lợi Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng
Chum - Xiêng Khoảng đánh dấu bước phát triển nghệ thuật chiến dịch, góp phần
làm phong phú thêm lý luận về nghệ thuật quân sự của Quân đội ta…
Thượng tướng Lê Huy Vịnh – Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu bế mạc hội thảo
Phát
biểu bế mạc hội thảo, Thượng tướng Lê huy Vịnh khẳng định, tại Hội thảo các bài tham luận, với nội dung phong
phú, chất lượng cao, góp phần khẳng định và làm sáng tỏ thêm tầm vóc, ý nghĩa
và những nhân tố chiến thắng trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng của liên quân Việt - Lào trong mùa mưa năm
1972, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, giữ vững thế chiến lược của ta ở Bắc
Lào và bảo vệ sườn phải cho Chiến dịch tiến công Trị - Thiên và Chiến dịch bắc
Tây Nguyên trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.
Thành công của Chiến dịch để lại nhiều bài học quý
góp phần làm phong phú thêm lý luận về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, đặc biệt
là với loại hình chiến dịch phòng ngự để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chiến thắng Cánh Đồng Chum
- Xiêng Khoảng năm 1972 khẳng định liên minh chiến đấu Việt - Lào trong cuộc
đấu tranh giải phóng dân tộc được hình thành một cách tự nhiên như chính yêu
cầu của lịch sử, ngày càng được củng cố bền chặt. Đây cũng chính là thắng lợi đặc biệt
của liên minh chiến đấu đặc biệt, thể hiện tình đồng chí, đồng bào của hai nước
Việt - Lào, sát cánh bên nhau trong cùng chiến hào chiến đấu chống kẻ thù chung, tô thắm thêm những trang
lịch sử hào hùng về mối quan hệ của hai dân tộc Việt - Lào anh em.
Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị, sau Hội thảo, Ban Tổ chức tiếp tục sưu tầm, cung
cấp thêm tư liệu, sự kiện liên quan tới
Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum -
Xiêng Khoảng năm 1972 nói riêng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói
chung để có cái nhìn khách quan, đúng đắn, đầy đủ hơn về nghệ thuật quân sự
Việt Nam trong chiến tranh chống xâm lược, làm cơ sở phục vụ nghiên cứu lâu
dài. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhằm đưa kết quả nghiên
cứu vào thực tiễn; trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng
vũ trang cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ;
góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong
tình hình mới.
PT