image banner

image advertisement image advertisement

Giám đốc Sở y tế: Ngành sẽ tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao sự hài lòng của người bệnh, giảm bớt tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Tiếp tục nội dung kỳ họp thứ 25, sáng nay (6/12), HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung đăng đàn trả lời các nội dung thuộc chức năng quản lý của ngành, trong đó trả lời về tình hình cung ứng thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, nhất là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và bệnh nhân nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Anh-tin-bai

Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng điều hành Kỳ họp (Ảnh: Thương Huyền)

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung trả lời chất vấn (Ảnh: Thương Huyền)

Giải quyết tình trạng “cò thuốc” trong bệnh viện

Anh-tin-bai

Đại biểu Lê Văn Lương – đơn vị Tương Dương nêu ý kiến chất vấn (Ảnh: Thương Huyền)

Đại biểu Lê Văn Lương – huyện Tương Dương đặt câu hỏi: Trong báo cáo của ngành có đưa ra nhận định còn tình trạng một số cơ sở y tế không cung ứng kịp thời, đầy đủ một số loại thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là vật tư y tế kỹ thuật cao, vật tư linh kiện thay thế độc quyền. Tuy nhiên theo phản ánh của cử tri và nhân dân, tại một số bệnh viện, nhà thuốc của bệnh viện thiếu một số thuốc và vật tư y tế cơ bản như găng tay, băng dính, kim chuyền... thậm chí có tình trạng “cò thuốc” vào tận bệnh viện chèo kéo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để mua thuốc, vật tư. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế nêu quan điểm về vấn đề này và giải pháp để khắc phục.

Trả lời vấn đề đại biểu Lương phản ánh, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung khẳng định có tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở một số cơ sở khám chữa bệnh, tuy nhiên khó khăn liên quan đến việc đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị. Hiện nay, đấu thầu triển khai dưới 3 hình thức: đấu thầu quốc gia, đấu thầu cấp tỉnh và đấu thầu tại các cơ sở y tế. Tuy đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác đấu thầu, nhưng tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra. Theo báo cáo trong năm 2024, toàn tỉnh có 08 đơn vị thiếu thuốc, với hơn 300 mặt hàng thuốc, chiếm tỷ lệ 2,9%.

Về tình trạng “cò thuốc” như đại biểu Lương phản ánh, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận có và bản thân cũng từng gặp và mong muốn các cấp, các ngành cùng vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng này. Theo bà Chung nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện “cò thuốc” là việc ra, vào bệnh viện khá dễ dàng với danh nghĩa người nhà đi thăm bệnh nhân và có những túi mang theo trá hình trong đó có chứa găng tay, kim chuyền; có trường hợp khi người bệnh khám xong là đón lấy đơn thuốc, dẫn ra nhà thuốc này, nhà thuốc kia. Trong thời gian tới, Ngành sẽ tham mưu triển khai đề án xây dựng bệnh viện thông minh mà ở mỗi bệnh viện sẽ có 01 phòng để truyền các thông tin, chức năng sống của bệnh nhân giúp người nhà bệnh nhân có thể theo dõi, quan sát người bệnh nhằm hạn chế tình trạng vào thăm của người nhà. Cùng với đó là lựa chọn hình thức đấu thầu phù hợp để giảm bớt tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế khu vực miền núi

Anh-tin-bai

Đại biểu Quế Trâm Ngọc – đơn vị huyện Quỳ Châu phản ánh tình trạng mua thuốc kháng sinh và mua thuốc không kê đơn vẫn diễn ra hàng ngày tại các nhà thuốc (Ảnh: Thương Huyền)

Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc – huyện Quỳ Châu đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn các huyện vùng dân tộc miền núi. Tình trạng mua thuốc kháng sinh và mua thuốc không kê đơn vẫn diễn ra hàng ngày tại các nhà thuốc, đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và hướng xử lý vấn đề trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quế Trâm Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho biết việc triển khai công tác chuyên môn về khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh khu vực miền núi còn có khoảng cách nhất định so với các cơ sở khám chữa bệnh ở vùng đồng bằng. Nguyên nhân dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh ở khu vực miền núi chưa đáp ứng được mong muốn và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị ở đây ít được sử dụng nên dẫn đến việc dễ bị hỏng hóc. Cùng với đó, vấn đề nhân lực, nhất là nhân lực người đứng đầu cơ sở y tế, nhân lực trực tiếp khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Hầu hết những sinh viên mới ra trường đều có xu hướng tìm việc làm ở những thành phố lớn, vào các Bệnh viện lớn để có cơ hội phát triển về chuyên môn cũng như chế độ, chính sách, thu nhập... Do vậy, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế khu vực miền núi thì cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Và để sử dụng được trang thiết bị, nhất thiết phải có nhân lực đáp ứng yêu cầu. Ngành sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, các bác sĩ ở tuyến tỉnh và các bệnh viện ở tuyến huyện tốt hơn có thể về trực tiếp đào tạo, hoặc có thể tham gia đào tạo trực tuyến...

Anh-tin-bai

Quang cảnh phiên chất vấn (Ảnh: Thương Huyền)

Trả lời đại biểu Ngọc liên quan đến vấn đề mua thuốc kháng sinh không có đơn, bà Chung cho biết theo nguyên tắc phải kê đơn mới được mua, bán thuốc, tuy nhiên thực tế do thói quen của người bệnh là tự ý đến nhà thuốc và kể bệnh với người bán thuốc để mua. Tình trạng này diễn ra rất nhiều do nhận thức và thói quen của người bệnh nên có thể gây ra nguy hiểm trước mắt, lâu dài, có thể ảnh hưởng đến tính mạng và gây áp lực lên ngành Y tế.

Theo Giám đốc Sở Y tế, giải pháp đầu tiên khắc phục tình trạng này là thay đổi nhận thức của người dân, người hành nghề dược và có chế tài kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.

Anh-tin-bai

Đại biểu Hoàng Lân – đơn vị Nghi Lộc đặt câu hỏi (Ảnh: Thương Huyền)

Đại biểu Hoàng Lân – huyện Nghi Lộc nêu câu hỏi: Theo báo cáo trả lời chất vấn của Sở Y tế và phản ánh của cử tri,  nhân dân tại một số cơ sở khám chữa bệnh công lập người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng được bác sĩ kê đơn mua thuốc, vật tư chữa bệnh điều trị bên ngoài ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh y tế, đề nghị bà Giám đốc Sở Y tế cho biết về vấn đề nêu trên đồng thời cho biết các giải pháp ngành đưa ra có thể giải quyết được bất cập này hay không? Trả lời ý kiến của đại biểu Hoàng Lân, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho biết, việc kê đơn thuốc mua ngoài không phải là thuốc thanh toán bảo hiểm phần lớn xuất phát từ tâm lý và đề nghị của người bệnh, người nhà bệnh nhân với mong muốn nhanh được khỏi bệnh. Nhiều loại thuốc có tác dụng tương tự nhưng người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân nghĩ phải là thuốc ngoại, thuốc có nguồn gốc từ Châu Âu thì mới là tốt. Trong khi đó, những loại thuốc này để được thanh toán theo bảo hiểm y tế phải tuân thủ những quy định hết sức chặt chẽ.

Chuyển tuyến trong trường hợp không cần thiết sẽ gây lãng phí

Anh-tin-bai

Đại biểu Trình Văn Nhã – đơn vị Thanh Chương nêu câu hỏi (Ảnh: Thương Huyền)

Trả lời đại biểu Trình Văn Nhã – huyện Thanh Chương về việc người bệnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi khám, chữa bệnh thông tuyến bảo hiểm y tế, Giám đốc Sở Y tế cho biết việc chuyển tuyến, thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hàng năm, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã phối hợp hướng dẫn thực hiện việc thông tuyến, chuyển tuyến. Theo bà Chung, chính sách bảo hiểm y tế cho người dân ngày càng được quan tâm và tạo sự công bằng hơn, đơn cử như việc khám chữa bệnh thông tuyến ở tuyến huyện như ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong có thể chuyển xuống khám chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh hoặc các bệnh viện cùng hạng. Trường hợp bệnh nhân cấp cứu ở bất kỳ bệnh viện nào trên toàn quốc đều được hưởng được mức bảo hiểm y tế tối đa dành cho mình. Một số bệnh vượt khả năng chuyên môn hoặc bệnh hiểm nghèo như ung thư, thận... được chuyển thẳng từ trạm y tế xã lên tuyến tỉnh.

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Lãnh đạo Sở nhận được khá nhiều cuộc gọi nhờ chuyển tuyến, chuyển viện nhiều khi không phải vì lý do vượt quá chuyên môn mà vì những lý do khác... Bà Chung cũng khẳng định việc bệnh nhân mong luốn được điều trị ở cơ sở khám chữa bệnh có chất lượng cao hơn là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên để được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì phải tuân thủ theo quy định chứ không thể theo nguyện vọng của cá nhân được. Thực tế, việc chuyển tuyến nếu không cần thiết sẽ gây lãng phí, ví như bệnh lý đó hoàn toàn có thể điều trị tại tuyến tỉnh nhưng lại muốn chuyển ra tuyến Trung ương làm quá tải tuyến Trung ương; rồi phải bỏ chi phí cho việc di chuyển, thời gian và an toàn trong quá trình di chuyển...

Giải pháp để khắc phục tình trạng này, theo Giám đốc Sở Y tế là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tuyên truyền, giải thích để người bệnh, người nhà bệnh nhân yên tâm điều trị. Ngành cũng sẽ tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao sự hài lòng của người bệnh, khắc phục triệt để tình trạng tiêu cực trong chuyển tuyến mà lâu nay vẫn có thông tin phản ánh. Bà Chung cho biết thêm, bắt đầu từ năm 2025, Quốc hội đã ban hành chính sách mới tăng quyền lợi cho người dân khi đi khám tự chọn ở tuyến cao hơn được chỉ trả 50% bảo hiểm y tế và tiến tới sẽ nâng mức cao hơn.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cũng đã trao đổi về giải pháp khắc phục tình trạng quảng cáo, bán thuốc tràn lan trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Tài chính cũng đã có trao đổi về việc chậm xuất toán, thanh quyết toán chế độ chi bảo hiểm y tế...

Phan Quỳnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image