Ghi nhận ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền 2 cấp ở Nghệ An
Ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền hai cấp, tại nhiều địa phương
trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bộ máy hành chính đã nhanh chóng bắt nhịp.
Tại các xã, phường, Trung tâm Phục vụ hành chính công sẵn sàng phục vụ
người dân thông suốt, hiệu quả.
Sẵn sàng phục vụ người dân
Có mặt tại phường Vinh Hưng
- đơn vị được nhập từ các phường, xã: Quán Bàu, Hưng Đông, Nghi Kim và
Nghi Liên, từ đầu giờ sáng, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên đã có mặt tại
trụ sở mới cho ngày làm việc đầu tiên với không khí sôi nổi và hào hứng.
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vinh Hưng từ sáng sớm nhiều người dân đến giao dịch thủ tục hành chính. Ảnh: TL
Tại
trụ sở Đảng ủy phường, trong ngày làm việc đầu tiên, Đảng ủy đã tổ chức
hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành lần thứ nhất để thống nhất thảo
luận quy chế làm việc, kiện toàn thành lập các tổ chức Đảng trực thuộc;
bàn và cho ý kiến về một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời
gian tới.
Ngay sau hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy phường đã tiến
hành kỳ họp thứ nhất phường nhiệm kỳ 2021-2026 để công bố các quyết định
của Hội đồng nhân dân tỉnh; thảo luận nghị quyết một số nội dung thuộc
thẩm quyền.
Phường Vinh Hưng, tỉnh Nghệ An tổ chức họp Ban Thường vụ Đảng ủy ngay trong ngày làm việc đầu tiên. Ảnh: TL
Còn
tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường Vinh Hưng, từ sáng
sớm, rất nhiều người dân đến làm thủ tục giấy tờ cần thiết. Tại đây các
thủ tục hành chính được niêm yết công khai, đầy đủ. Cùng đó, đơn vị đã
đã bố trí bàn hướng dẫn, tư vấn cho người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Phường Vinh Hưng tổ chức kỳ họp HĐND phường lần thứ I, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: TL
"Tôi
thấy nơi làm việc mới rộng rãi, khang trang. Mặc dù vẫn còn những bỡ
ngỡ bước đầu như việc tiếp nhận hồ sơ, trước đây thuộc thẩm quyền của
cấp thành phố nhưng giờ là của cấp phường. Trong giao dịch hành chính,
cán bộ ở Trung tâm rất tận tình hướng dẫn giúp chúng tôi tiếp cận và xử
lý công việc cũng nhanh" - chị Nguyễn Thị Minh, người dân phường Vinh
Hưng chia sẻ.
Chị Đậu Thị Bích Hoài - chuyên viên trực tại Trung tâm Phục vụ hành
chính công phường Vinh Hưng cho biết: Tinh thần của Đảng ủy, chính quyền
phường quán triệt cán bộ, công chức trực tại đây luôn nêu cao tinh thần
trách nhiệm, phục vụ nhân dân tốt nhất. Chúng tôi xác định đây không
chỉ là một ngày làm việc đầu tiên mà là ngày lịch sử, ngày chính quyền
xã, phường thực sự đổi mới vì dân. Cả tập thể cán bộ đã chuẩn bị kỹ
lưỡng về chuyên môn, tác phong để phục vụ người dân.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Vạn An - đơn vị được được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Nam Đàn, xã Xuân Hòa, và xã Thượng Tân Lộc của huyện Nam Đàn cũ có nhiều người dân đến làm thủ tục. Trong đó, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, tư pháp,...
Hầu
hết các công việc đều được cán bộ, công chức xã giải quyết thuận lợi,
thông suốt. Không khí ngày đầu làm việc phấn khởi, nghiêm túc, khẩn
trương. Anh Trần Văn Tuấn (xóm Tây Hồ, xã Vạn An) chia sẻ: "Tôi làm thủ
tục về đất đai, được cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công hướng dẫn
nhiệt tình, chu đáo, thủ tục làm nhanh gọn, tiết kiệm thời gian hơn
trước".
Đồng chí Vương Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Vạn An cho biết, với tinh
thần không để không để trễ việc, không để ách tắc công việc liên quan
đến người dân, doanh nghiệp, ngay khi vận hành chính quyền địa phương 2
cấp, lãnh đạo xã đã trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng
phòng, ban và các cá nhân.
Đồng thời, huy động cán bộ, công chức tập trung rà soát, bổ sung trang
thiết bị, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo Trung tâm Phục
vụ hành chính công vận hành thuận lợi, thông suốt, bảo đảm phục vụ nhân
dân chu đáo, nhanh chóng. Ngay trong sáng 1/7, xã Vạn An đã tổ chức hội
nghị Ban Thường vụ cấp ủy, hội nghị ban chấp hành đảng bộ cấp xã và kỳ
họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cấp xã để triển khai thực hiện một số
nội dung công việc theo thẩm quyền.
Kỳ vọng mới
Đối với xã Xuân Lâm, được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Ngọc Sơn, Xuân Dương và Minh Tiến (huyện Thanh Chương cũ),
các bộ phận chức năng đã vận hành theo mô hình tổ chức mới nhằm phục vụ
người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Dù bước đầu còn không
ít khó khăn, đặc biệt là trong việc thay đổi thói quen của một số cán bộ
và người dân, song hầu hết người dân đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi.
Bởi với họ, đây không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn
là dấu mốc lịch sử, mở ra kỳ vọng về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp
hơn.
Ông Lê Quang Hạnh, xóm Nam Thắng, xã Xuân Lâm chia sẻ: Trước đây, việc
đi lại để làm thủ tục rất vất vả. Phải lên xã rồi lại lên huyện, vòng đi
vòng lại nhiều lần mới hoàn thành được một hồ sơ. Bây giờ, với chủ
trương mới, Nhà nước giao nhiệm vụ cho cấp xã thực hiện những công việc
mà trước kia người dân phải đi lại nhiều nơi, thì nay chỉ cần đến một
điểm là có thể giải quyết xong. Điều đó giúp người dân tiết kiệm thời
gian, công sức và cảm thấy rất thuận lợi.
Xã Yên Na mới của tỉnh Nghệ An được sáp nhập từ các xã Yên Na, Yên
Tĩnh (huyện Tương Dương cũ). Xã có 16 bản, trong đó bản xa nhất cách
trung tâm xã 30 km, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Khơ Mú sinh
sống. Hiện xã có 46 cán bộ, công chức.
Anh Vy Tiến Dũng - Trưởng
phòng Văn hóa - Xã hội xã Yên Na cho biết: Tôi cũng như các cán bộ, công
chức ở xã luôn xác định rõ việc, sẵn sàng tâm thế đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ mới. Trước hết, chúng tôi chủ động nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ các
chủ trương, chính sách liên quan đến việc triển khai mô hình hai cấp.
Chúng tôi cũng xác định rõ rằng, công tác tại xã sẽ gắn liền với thực
tiễn, gần dân, sát dân, nên luôn chủ động tiếp cận và xử lý các tình
huống phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tiếp công
dân, và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Theo đồng chí Vy Thị Bích Thủy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng
nhân dân xã Yên Na: Trong tuần qua, khi tỉnh Nghệ An tổ chức vận hành
thử nghiệm chính quyền 2, xã Yên Na đã thử nghiệm vận hành bộ máy mới,
qua đó, giúp các cán bộ, công chức ở từng bộ phận có điều kiện làm quen
với công việc của mình để khi vận hành chính thức không bị bỡ ngỡ.
Để
sớm ổn định về mặt tổ chức bộ máy, xã đã ban hành Quy chế hoạt động,
phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bảo đảm "rõ người, rõ
việc, rõ trách nhiệm" để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn theo vị trí việc làm. Các phòng, ban chuyên môn, các ngành phải bắt
tay ngay vào công việc, đồng thời triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ,
nhất là việc vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã,
không để gián đoạn, không để ảnh hưởng đến việc phục vụ nhân dân.
"Tuy
nhiên, khó khăn lớn nhất của địa phương là về trụ sở làm việc hiện còn
chật hẹp. Xã đang mượn tạm khu ký túc xá học sinh Trường Phổ thông dân
tộc bán trú THCS Yên Na để cán bộ, công chức nghỉ trưa. Về lâu dài xã
xây dựng nhà lắp ghép ngay gần trụ sở để cán bộ, công chức có nơi ăn
nghỉ tạo thuận lợi giải quyết các công việc cho người dân" - đồng chí Vy
Thị Bích Thủy cho biết.
Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn, nên ngay trong ngày làm việc đầu
tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, người dân ở cả 16
bản của xã Yên Na mới đều cơ bản đã nắm được mình cần phải đến trụ sở xã
mới để thực hiện các thủ tục hành chính.
Ông Lữ Sơn Điểm - Bí thư
Chi bộ bản Yên Sơn cho biết: Sau khi nắm bắt được thông tin, chúng tôi
đã về họp và thống nhất trong chi ủy chi bộ cùng tuyên truyền để người
dân nắm bắt các chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh về các
nhiệm vụ chung, bà con cũng rất đồng tình ủng hộ. Sáng nay đến Trung tâm
Phục vụ hành chính công của xã làm thủ tục chứng thực, tôi thấy các thủ
tục liên quan đến người dân được giải quyết nhanh, gọn, không phải đi
lại nhiều".
Cùng với cả nước, vào sáng 01/7/2025 - ngày làm việc đầu tiên vận
hành chính quyền địa phương 2 cấp, các địa phương cấp xã, phường trên
địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đồng loạt tổ chức hội nghị Ban Thường vụ cấp
ủy, hội nghị Ban Chấp hành đảng bộ cấp xã và kỳ họp thứ nhất của Hội
đồng nhân dân cấp xã để triển khai thực hiện một số nội dung công việc
theo thẩm quyền.
Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước
chuyển mình mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy chính quyền, mở ra cơ hội để
phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, từ điều kiện tự
nhiên, tài nguyên, kết cấu hạ tầng đến nguồn lực con người, bản sắc văn
hóa, truyền thống cách mạng để tạo chỉnh thể kinh tế - xã hội hài hòa,
năng động, mở rộng không gian phát triển, tạo sức bật phát triển trong
những năm tiếp theo.
Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất
Bên cạnh tổ chức
các hoạt động liên quan đến công tác Đảng, trong ngày hôm nay (1/7/2025)
ở nhiều huyện miền núi, việc vận hành hoạt động các Trung tâm phục vụ
hành chính công đã được thực hiện đồng bộ. Trong đó đã giải quyết nhanh
các thủ tục hành chính cho người dân, nhất là tình trạng đưa lên chuyển
xuống trước đây cơ bản được chấm dứt đúng với mục tiêu là đưa chính
quyền gần dân, phục vụ dân.
Đơn cử, chỉ trong 1 thời gian rất ngắn đến Trung tâm phục vụ hành
chính công xã Quế Phong, bà Lê Thị Thu đã được cán bộ tiếp nhận hồ sơ,
hướng dẫn bổ sung xong thủ tục cần thiết để xin cấp Giấy chứng nhận
quyền dụng đất cho gia đình.
Vui vì được tiếp nhận thủ tục nhanh,
bà Thu chia sẻ: “Thủ tục giải quyết rất nhanh. Nhanh là do bộ phận cán
bộ tiếp nhận họ biết được những thủ tục nào còn thiếu, vì vậy chỉ trong
buổi sáng toàn bộ hồ sơ xin cấp bìa đất của tôi đã xong. Còn nếu trước
đây khéo mất cả tuần”.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Châu Tiến, nhiều người dân khá
bất ngờ khi phần lớn thủ tục xin chứng thực, cấp đổi các giấy tờ liên
quan đến đất đai, nhà ở, khai sinh…đều được tiếp nhận và giải quyết
ngay. Ông Sầm Văn Thiếu, xã Châu Tiến cho biết: “Khi đến đây chỉ cần làm
theo thứ tự, nghĩa là mình đến trước làm trước, người khác đến sau làm
sau. Cái hay là họ tiếp nhận hồ sơ rồi hướng dẫn, có cái thì giải quyết
xong luôn, có cái cần xác minh thì có giấy hẹn đàng hoàng, khác với
trước đây rất nhiều”.
Còn tại xã biên giới Tam Thái, mặc dù trời mưa khá nặng hạt, nhưng từ
sáng sớm có rất nhiều người từ các bản Phà Lỏm, Huồi Sơn đến Trung tâm
phục vụ hành chính công để giải quyết các thủ tục về đất đai, chứng
thực, đăng kí khai sinh... Mặc dù cơ sở vật chất phòng làm việc, hạ tầng
thông tin liên lạc chưa được tốt so với khu vực trung tâm, nhưng khó
khăn này đã được địa phương khắc phục. Trong ngày đầu, hiện tượng đưa hồ
sơ lên, chuyển văn bản xuống như thời gian trước đây đã được chấm dứt,
nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính của người dân đã được giải quyết ngay
tại chỗ. Theo đánh giá của nhiều người dân thì việc giải quyết thủ tục
hành chính theo mô hình chính quyền 2 cấp tại xã Tam Thái thật sự đã gần
dân, sát thực tế, và ưu việt nhất được thể hiện là nhanh, gọn, hiệu
quả. Về vấn đề này, ông Kha Văn Hướng - Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ
hành chính công xã Tam Thái cho biết: “Khác với trước đây, hiện nay việc
tiếp nhận thủ tục của người dân sẽ được phân loại và giải quyết nhanh.
Giải quyết nhanh cho người dân sẽ tạo thuận lợi cho họ được rất nhiều
trong việc giảm bớt thời gian đi lại, tránh lãng phí. Bên cạnh đó còn
góp phần loại bỏ hành vi gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp khi đến
làm thủ tục”.
Có thể khẳng định, ngày làm việc đầu tiên với mô
hình chính quyền hai cấp tại các xã, phường trong tỉnh Nghệ An đã nhanh
chóng bắt nhịp vận hành thông suốt, hiệu quả. Từ sự chủ động của bộ máy
lãnh đạo đến tinh thần trách nhiệm, tận tụy của đội ngũ cán bộ, công
chức, tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là phục vụ nhân dân tốt hơn,
xây dựng chính quyền thực sự gần dân, vì dân.
Nguồn: baonghean.vn (1/7/2025)