Từ năm 2020 - 2022, các chỉ số liên quan đến công tác CCHC, PAR INDEX, SIPAS, PCI đều tăng thứ hạng, như: Xếp hạng CCHC tỉnh Nghệ An năm 2022 đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2021); đặc biệt chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố (năm 2022 tăng 21 bậc so với năm 2021)...
Công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ngày càng được UBND tỉnh, các Sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện chú trọng. Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL được các cấp, ngành quan tâm, qua đó kịp thời phát hiện những văn bản hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. UBND các cấp ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC)...
Chất lượng giải quyết TTHC đã có chuyển biến rõ rệt, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức; đã dần khắc phục được tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn. Nhiều cơ quan đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả TTHC; áp dụng việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua đường bưu chính hoặc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện TTHC.
Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và trả kết quả giải quyết TTHC của các Sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, cơ bản đúng hẹn. Đến nay, tất cả các Sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trên Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Các ngành, các cấp đã xây dựng Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC…
Về thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06), sau hơn 1 năm triển khai, Nghệ An đứng vị trí thứ 4 cả nước về tiến độ, chất lượng thực hiện Đề án 06…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn giám sát cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Cấp ủy ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm, vào cuộc, có nơi cấp uỷ còn tư tưởng xem công tác CCHC là trách nhiệm của chính quyền. Ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC; còn tình trạng giao cho cấp phó phụ trách công tác CCHC. Chưa bố trí nhân sự có năng lực, trình độ chuyên môn, có trình độ công nghệ thông tin, có nhiệt huyết để phụ trách tham mưu công tác CCHC; chưa quan tâm bố trí đủ nguồn kinh phí để đáp ứng nhu cầu cơ bản phục vụ công tác CCHC và chuyển đổi số tại đơn vị; chưa tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với các công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, làm sai quy định, lợi dụng vị trí việc làm được phân công để thực hiện mục đích cá nhân. Các Chương trình, Kế hoạch liên quan đến CCHC có ban hành nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện…
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt đề nghị cần có sự thống nhất giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với các phần mềm chuyên ngành để thuận lợi cho quá trình tiếp nhận, trả kết quả và số hóa hồ sơ TTHC
Giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực còn chậm thời gian nhưng chưa được khắc phục, nhất là các thủ tục thu hút đầu tư vẫn còn có sự chậm trễ ở một số Sở, ngành. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện liên thông TTHC ở một số lĩnh vực chưa đảm bảo yêu cầu. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC ở nhiều lĩnh vực như đất đai, bảo trợ xã hội, hoạt động xây dựng, kinh tế... thực hiện chưa đầy đủ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh nên hồ sơ chưa sinh mã, chưa đồng bộ vào Cổng Dịch vụ công quốc gia; số lượng hồ sơ quá hạn trên hệ thống còn lớn. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến còn thấp so với yêu cầu đề ra; số lượng hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích thấp…
Thông qua giám sát, Đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành các văn bản QPPL đồng bộ, có tính ổn định lâu dài, hạn chế sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện ở địa phương, đặc biệt là các văn bản có quy định về TTHC. Kịp thời thực hiện việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung, công bố đầy đủ và ban hành các TTHC, văn bản QPPL có quy định về TTHC của các cấp chính quyền để địa phương tổ chức thực hiện TTHC thuận lợi; đồng thời rà soát, nghiên cứu cắt giảm những TTHC không cần thiết mà các địa phương đã kiến nghị…
Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác CCHC; tiếp tục đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện công tác CCHC tại mỗi cơ quan, đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, uốn nắn, tự kiểm tra nội bộ và xử lý kịp thời đối với các công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, lợi dụng vị trí việc làm được phân công để thực hiện mục đích cá nhân. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng đảm bảo thực chất, hiệu quả. Công khai kịp thời, đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định… Lãnh đạo các Sở, ngành cũng đã làm rõ những hạn chế mà Đoàn giám sát nêu ra.
Đ/c Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh, công tác CCHC đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác CCHC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra.
Trên cơ sở kết luận của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành phân loại, xây dựng Kế hoạch để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian sớm nhất.
Đ/c Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác CCHC; đồng thời, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các Sở, ngành có nguyên nhân khách quan của các văn bản QPPL; thiếu đồng bộ, tương thích của phần mềm, cơ sở vật chất… trong thực hiện công tác CCHC.
Qua giám sát, vấn đề đặt ra đó là chưa có sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy một số đơn vị, địa phương trong thực hiện CCHC; quá trình xử lý văn bản còn tình trạng đùn đẩy, việc xin ý kiến qua lại giữa các Sở, ngành, địa phương còn kéo dài, thậm chí nhiều văn bản không liên quan đến đơn vị cũng xin ý kiến làm mất thời gian của doanh nghiệp và các đơn vị… “Thông qua kết luận giám sát để tìm ra các giải pháp giúp công tác CCHC ngày tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp” – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
PT